Wayne Rooney có mục đích gì khi nói rằng David De Gea là thủ môn hay nhất thế giới hiện nay? Vâng, phải hỏi thế vì nếu không có mục đích khác (động viên lẫn nhau để tạo niềm tin cho toàn đội chẳng hạn), bình luận của Rooney chỉ có tác dụng ngược. Những người trung lập sẽ chỉ ra rằng thủ quân M.U chẳng qua là một cầu thủ xoàng xĩnh cả về kiến thức bóng đá lẫn mức độ khôn ngoan. Cứ như Rooney không biết Manuel Neuer là ai. Đây không phải là vấn đề quan điểm!
Tất nhiên, De Gea rất giỏi. Phong độ sáng ngời trong trận gặp Liverpool vừa qua chỉ là “một lần nữa” De Gea chứng tỏ anh đang là cầu thủ xuất sắc nhất M.U hiện nay. Chính anh là người góp công lớn nhất đem về cho đội bóng của Louis Van Gaal chuỗi 6 trận thắng liên tục để ổn định chỗ đứng trong nhóm dẫn đầu Premier League.
Người ta vẫn hay dùng số bàn thắng để đánh giá một tiền đạo. Vậy thì, với một thủ môn, giá trị đầu tiên cần bàn hẳn nhiên phải là số lần cứu thua. De Gea cứu thua rất nhiều, dĩ nhiên. Nhưng đâu là khác biệt khi đối chiếu số lần cứu thua của anh với các thủ môn còn... đứng trên anh về thông số này?
Robert Green của QPR (cứu thua cả thảy 56 lần từ đầu mùa ở Premier League), Tom Heaton của Burnley (52 lần) hoặc Brad Guzan của Aston Villa (52 lần) vẫn phải liên tục vào lưới nhặt bóng. QPR chính là đội bóng thủng lưới nhiều nhất. Ngược lại, De Gea cứu thua 8 lần trong trận gặp Liverpool (thông số cao nhất ở Premier League mùa này), và anh giữ nguyên mành lưới. Chúng ta đang nói về tầm quan trọng của pha cứu thua. Bớt đi bất kỳ pha cứu thua nào của De Gea trong trận gặp Arsenal, M.U cũng sẽ lập tức mất đi 2 điểm!
Chỗ này liên quan đến lối chơi. Green hoặc Guzan cứu thua rất nhiều trước tiên vì đội bóng của họ không mạnh, thường xuyên bị đối thủ bắn phá. De Gea thì khác ở chỗ: anh phải “chịu đựng” trong một lối chơi thiên về tấn công. Muốn tấn công nhiều, M.U phải chấp nhận khả năng chính họ cũng bị bắn phá. Sự chắc chắn của De Gea trong khung thành làm cho số bàn thắng mà hàng công M.U ghi được trở nên có ý nghĩa.
Bản thân De Gea vốn đã là thủ môn giỏi khi anh được Alex Ferguson rước về M.U với mục đích thay thế tượng đài Edwin Van der Sar. Chẳng qua, trước đây anh còn lúng túng trong việc cạnh tranh chỗ đứng (với Anders Lindegaard). Đấy là vấn đề tinh thần. Bây giờ, chỗ đứng đã khác, tinh thần đã khác, và sự thể hiện khả năng của De Gea cũng khác.
Ở mùa bóng 2012/13 mà M.U vô địch Premier League, tỷ lệ bắt bóng/đấm bóng của De Gea chỉ là 48,9%. Trước và sau mùa ấy, tỷ lệ này cũng chỉ ở mức 56,3% và 68,9%. Mùa này, tỷ lệ ấy là 91,7%. Anh thường xuyên bắt gọn những quả phạt góc, và anh hoàn toàn làm chủ khu vực 16m50.
So với hai thủ môn lừng lẫy của M.U trước đây, De Gea giống Van der Sar nhiều hơn. Anh không có được nét “hổ báo” như Peter Schmeichel. Anh không làm cho tiền đạo đối phương phải chùn chân mỗi khi đối mặt. Nhưng anh phản xạ rất nhanh, nhoài người khéo và uyển chuyển. Không ít chân sút đã lầm khi tìm cách sút nhanh và sệt, ngỡ rằng anh chàng De Gea cao kều sẽ không kịp đổ người cứu nguy.
Tuy là người TBN, nhưng xem cách chơi bóng của De Gea, người ta có cảm giác anh xuất thân từ trường phái thủ môn Hà Lan, như Van der Sar. Van Gaal may mắn khi gặp mẫu thủ môn như vậy? Ngoài sự xuất sắc trong việc cứu thua, De Gea còn là mắt xích đầu tiên cho pha tấn công mới. Đấy là điều rất phù hợp với quan điểm bóng đá của HLV Van Gaal.
SỐ LẦN CỨU NGUY NHIỀU NHẤT TRONG 1 TRẬN ĐẤU
Tính từ đầu mùa, số lần thủ môn cứu nguy nhiều nhất trong một trận đấu ở Premier League là 8 lần. Có 6 trường hợp như thế: David De Gea (M.U) trong các trận gặp Liverpool, Arsenal và Lukasz Fabianski (Swansea) trong trận gặp Manchester City, Kasper Schmeichel (Leicester) trong trận gặp Chelsea, Tom Heaton (Burnley) trong trận gặp Arsenal, Hugo Lloris (Tottenham) trong trận gặp Manchester City.
De Gea đặc biệt ở chỗ anh vươn đến con số 8 những 2 lần? Đấy vẫn chưa phải là vấn đề chính. Anh là người duy nhất trong danh sách vừa nêu giữ nguyên mành lưới (trận gặp Liverpool). Quan trọng hơn, phong độ tốt của anh đã giúp M.U lấy trọn 3 điểm (trong cả 2 trận). Các trường hợp còn lại rút cuộc đều phải rời sân trong tư thế của kẻ bại trận, nghĩa là số lần cứu nguy của họ chỉ có tác dụng làm cho đội bóng thua ở tỷ số thấp hơn, chứ chẳng giúp đội lấy được điểm nào.
DE GEA Ở ĐÂU TRÊN BẢN ĐỒ BÓNG ĐÁ CHÂU ÂU? Anh là cầu thủ hay nhất M.U mùa này? Số đông có thể đồng ý. Anh đang là thủ môn hay nhất ở Premier League? Không đến nỗi điên rồ khi nói vậy, nhưng sẽ có tranh cãi. Và chắc chắn một điều: De Gea chưa thể tiến đến đẳng cấp có thể cạnh tranh danh hiệu thủ môn hay nhất châu Âu. Mọi người đều biết, thủ môn người Đức Manuel Neuer (ảnh) không chỉ vô địch World Cup mà còn là ứng cử viên tranh “Quả Bóng Vàng FIFA 2014”, sánh vai Lionel Messi và Cristiano Ronaldo trước ngày công bố kết quả. Neuer có lối chơi rất lạ: thường xuyên dâng cao, thi đấu như một trung vệ. Người ta gọi đấy là “Beckenbauer của thế kỷ 21”. Nhưng đấy không phải là cách chơi trội kiểu Rene Higuita. Đừng quên rằng khi cần làm công việc chính của một thủ môn thì Neuer đã làm gần đến mức độ hoàn hảo. Tỷ lệ cứu nguy trước những pha dứt điểm đúng hướng khung thành của Neuer mùa này lên đến con số khó tưởng tượng nổi: 91,2%. Và nếu chỉ thống kê những cú dứt điểm ngay trong khu vực 16m50 thì, lạ thay, tỷ lệ cứu nguy của Neuer chẳng những không hề giảm đi mà còn tăng nhẹ (91,3%). Tỷ lệ cứu nguy trong vùng cấm địa của Neuer cao hơn đến hơn 10% so với người đứng gần nhất. Sau anh là Mattia Perin (Genoa - 80,4%), Yann Sommer (Moenchengladbach - 78,1%), Diego Benaglio (Wolfsburg - 75%). De Gea đứng dưới các thủ môn vừa nêu, với tỷ lệ 71,7%. |
TOP 10 THỦ MÔN Ở PREMIER LEAGUE QUA NHỮNG CON SỐ
(Chỉ tính các thủ môn đã bắt 10 trận trở lên)
- Giữ nguyên mành lưới nhiều nhất: 1/Fraser Forster (Southampton, 7 trận); 2/Fabianski (Swansea, 6 trận), Ben Foster (West Brom, 6 trận), Hart (Man City, 6 trận); 5/De Gea (M.U, 5 trận), Guzan (Aston Villa, 5 trận), Heaton (Burnley, 5 trận), Courtois (Chelsea, 5 trận), Krul (Newcastle, 5 trận); 10/Lloris (Tottenham, 4 trận), Mignolet (Liverpool, 4 trận).
- Số lần cứu nguy nhiều nhất: 1/Green (QPR, 56 lần); 2/Guzan (Aston Villa, 52 lần), Heaton (Burnley, 52 lần); 4/Adrian (West Ham, 49 lần); 5/Schmeichel (Leicester, 48 lần); 6/De Gea (M.U, 47 lần), Lloris (Tottenham, 47 lần); 8/Fabianski (Swansea, 46 lần); 9/Foster (West Brom, 45 lần); 10/Speroni (Crystal Palace, 38 lần), Mignolet (Liverpool, 38 lần).
- Số lần cứu nguy trong vùng cấm địa nhiều nhất: 1/Guzan (Aston Villa, 37 lần); 2/Green (QPR, 34 lần); 3/De Gea (M.U, 33 lần); 4/Lloris (Tottenham, 27 lần), Foster (West Brom, 27 lần); 6/Heaton (Burnley, 26 lần); 7/Adrian (West Ham, 23 lần), Fabianski (Swansea, 23 lần); 9/Hart (Man City, 22 lần), Schmeichel (Leicester, 22 lần).
- Tỷ lệ cứu nguy cao nhất: 1/Fabianski (Swansea - 74,2%); 2/De Gea (M.U - 73,2%); 3/Hart (Man City - 73%); 4/Guzan (Aston Villa - 72,2%); 5/Foster (West Brom - 71,4%); 6/Adrian (West Ham - 71, 2%); 7/Courtois (Chelsea - 71,1%); 8/Green (QPR - 70%); 9/Lloris (Tottenham - 68,1%); 10/Heaton (Burnley - 68%).
- Tỷ lệ cứu nguy trong vùng cấm địa cao nhất: 1/De Gea (M.U - 71,7%); 2/Guzan (Aston Villa - 69,8%); 3/Foster (West Brom - 65,9%); 4/Hart (Man City - 64,7%); 5/Green (QPR - 64,2%); 6/Forster (Southampton - 62,5%); 7/Fabianski (Swansea - 59%); 8/Lloris (Tottenham - 58,7%); 9/Krul (Newcastle - 56,3%), McGregor (Hull - 56,3%).