Mặt trái của sự cố định
Điểm dễ thấy nhất của Chelsea – Mourinho ở mùa giải này, đó là họ chơi gần như cố định với một đội hình duy nhất, cùng 11 con người duy nhất. Courtois trấn giữ khung gỗ, bộ tứ vệ Ivanovic – Terry – Cahill – Azpillicueta, bộ ba Matic – Fabregas – Oscar án ngữ trung lộ để hỗ trợ cho Hazard – Costa – Willian trên hàng tấn công. Về phía lực lượng dự bị, "Người đặc biệt" cũng chỉ sử dụng 9 con người một cách hiếm hoi. Ngay cả trong trận đấu với đối thủ yếu như Derby County ở cúp Liên đoàn, Chelsea chơi với đội hình gần như mạnh nhất. Trong chiến thắng 2-0 trước West Ham, The Blues chỉ thay người ở phút 83, dẫu cho họ tạo được thế trận chắc chắn và đi dạo sau bàn thắng của Costa. Cái lý của Mourinho là rất rõ ràng: ông muốn Chelsea có một bộ khung ổn định, vững vàng và an toàn nhất có thể.
Điều này giúp cho Chelsea có một "cú đề pa" ngoạn mục ở giai đoạn đầu, đến mức nhiều người đã nghĩ cuộc đua đến chức vô địch Premier League thực sự nhàm chán. Trong khi các đối thủ khác như Man City loay hoay không biết nên sử dụng cặp trung vệ nào, Liverpool không biết dùng tiền đạo nào, Man United thậm chí còn không biết nên đá với sơ đồ nào, thì Chelsea định hình được từ A đến Z hành trang cho các trận đấu sắp tới. Cũng như nhiều chuyên gia phân tích, sự cố định của nửa xanh thành London sẽ chống lại họ khi chặng “Tourmalet” Giáng sinh và đầu năm mới ập đến. Quả thật, mọi thứ đã xảy ra theo kịch bản mà NHM khó có thể hình dung.
Chelsea đã để Tottenham chọc thủng lưới tới 5 bàn
Với việc sử dụng cố định một đội hình như vậy, Chelsea đã bắt đầu mỏi mệt và để cho đối phương bắt bài. Nếu như bàn gỡ hòa của Harry Kane cho Tottenham đến từ nỗ lực cá nhân, thì 4 bàn thắng sau đó là hệ luỵ tất yếu của sự chậm chạp mà hàng thủ Chelsea đã phô bày. HLV Mauricio Pochettino đã nhìn thấu điều đó và để các mũi khoan siêu tốc như Bentaleb, Townsend hay Kane xuyên thủng khoảng trống giữa Cahill – Azpilicueta, những cầu thủ thi đấu gần như trọn vẹn 19 trận ở Premier League từ đầu mùa. Terry đã 34 tuổi và anh hụt hơi trước sức trẻ của Tottenham. Matic cũng vậy, tầm quan trọng của anh được thể hiện rất rõ khi anh… sa sút, khiến cho Chelsea lao đao trước các đợt phản công tốc lực và những cú sút xa từ các bóng áo trắng. Trên hàng tấn công, một mình Hazard đơn phương chiến đấu khi đồng đội của anh chơi bóng như mơ ngủ.
Mọi sự xảy ra với Chelsea đều được dự báo trước, chẳng có gì là bất ngờ. Nhưng phải thất bại như thế, The Blues mới có thể tỉnh ra trước thực tại chất đầy gian khó. Đoàn quân của Jose Mourinho đã phải rất vất vả trước Southampton, họ chỉ giữ ngôi đầu khi Burnley chơi xuất thần trước Man City. Còn hôm nay, Chelsea giữ được ngôi đầu nhờ… bảng chữ cái.
Có lẽ sau thất bại này, Mourinho mới chịu nhìn nhận lại tình hình. “Kế hoạch của chúng tôi là bắt đầu và kết thúc mùa giải với cùng một nhóm các cầu thủ, vì vậy sẽ không có ai tới và cũng không có cái tên nào ra đi”, ông đã nói như vậy. Tốt thôi, nhưng nếu các cầu thủ dự bị như Remy, Schuerrle, Ramires… không được tạo cơ hội thường xuyên, bản thân họ cũng sẽ không giữ được phong độ. Một đội hình mỏi mệt cộng với lực lượng dự bị không đảm bảo, hậu quả sẽ là khó lường, nhất là Premier League thì đâu thiếu sự khắc nghiệt.
Một mình Hazard là không đủ để giúp Chelsea thoát thua
“Tất nhiên, tôi ghét thua trận, nhưng tôi sẽ chấp nhận thất bại như từng xảy ra trước Newcastle, trong trận đấu mà trọng tài Martin Atkinson bắt rất tốt, còn chúng tôi thì kém may mắn. Nhưng trong một trận đấu mà chúng tôi thua vì bóng đá, cảm giác rất khác”, ông thầy người Bồ lại “đá xoáy” trọng tài như thường lệ. Mặc dù vậy, trận đấu thứ hai trong sự nghiệp phải nhận 5 bàn thua đủ giúp Mourinho thấy được đội bóng của ông đang phải đối mặt với điều gì.
Trút bỏ gánh nặng
Nhiều người nói, thất bại trước Newcastle đã giúp Chelsea giải toả gánh nặng “bất bại”, giúp cho họ trở lại mạnh mẽ hơn. Song thế là chưa đủ. The Blues vẫn còn một gánh nặng vô hình nữa, đó là “bất bại trong các trận cầu lớn”. Quả thực, Mourinho chưa thua trận đại chiến nào khi trở lại Anh. Terry cùng các đồng đội cũng là “vua của London” khi đánh bại hết Arsenal, Queens Park Rangers, West Ham, Crystal Palace hay chính Tottenham ở giai đoạn lượt đi.
Chiến tích ấy củng cố cho tất cả niềm tin Chelsea kiểu gì cũng chiến thắng, nhất là khi Diego Costa có bàn mở điểm từ khá sớm. Để rồi, Chelsea gục ngã. Khoảng khắc 90 phút kết thúc với tỷ số 5-3 nghiêng về Tottenham, người ta hiểu rằng kỷ lục “bất bại” cuối cùng của Chelsea cũng đã được trút bỏ. Mourinho nói rằng ông không quan trọng kỷ lục hay bất cứ sự bất bại nào, nhưng nó vẫn luôn đeo bám The Blues như một gánh nặng. Giờ đây, khi không còn ràng buộc, đôi chân của những Fabregas, Hazard, Costa… sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều.
Các cầu thủ Chelsea sẽ trút bỏ áp lực khỏi đôi chân mình
Những trận đấu dồn dập sắp qua đi, bằng cách này hay cách khác, Chelsea vẫn giữ được ngôi đầu. Ở mùa giải này, đội chủ sân Stamford Bridge rất ít khi thất bại, nhưng họ thua rất đúng lúc, và khi thua ít như vậy, thất bại càng trở nên có giá hơn. Nếu trận thua Newcastle lưu lại chút tiếc nuối, thì thất bại hôm qua Chelsea chẳng còn điều gì phải lăn tăn nữa. Họ đã phải nhận cái tát đủ đau, đủ mạnh để bừng tỉnh trước khi vượt qua cơn mê. Không có đội bóng bất bại, không có chức vô địch sớm, không có kỷ lục, không có gì hết… Cuộc đua đã bắt đầu lại từ đầu, và The Blues sẽ lại phải đứng lên như cách họ vượt qua cú sảy chân ở St James’ Park.
Nhận một trận thua mà nhìn thấu được nhiều vấn đề tồn đọng bấy lâu nay, kể ra thì cũng đáng lắm chứ!