Tất cả đều đúng. Nhưng trên hết, Sterling là một cầu thủ chuyên nghiệp. Nếu như muốn một trái tim trung thành tuyệt đối từ một cầu thủ chuyên nghiệp ở kỷ nguyên bóng đá hiện đại, tốt hơn hết Liverpool nên xếp một… chú chó Labrador đá ở hành lang cánh phải.
CĐV thường có xu hướng lý tưởng hóa những người hùng trong đội bóng của họ, nhưng chính điều đó đôi khi khiến họ đau đớn bội phần. Thực tế là hầu hết cầu thủ ở Premier League đều đã phải trải qua vô vàn sóng gió, trui rèn nên một tinh thần "thép" bên trong cơ thể cường tráng. Sterling cũng thế.
Cầu thủ gốc Jamaica đã từng phải vật lộn để tồn tại. Anh từng phải chứng kiến những giọt nước mắt của bạn đồng trang lứa, khi HLV đội trẻ nói thẳng với họ rằng họ chẳng có tương lai. Anh quá hiểu lòng trung thành… vô dụng thế nào. Một đội bóng sẵn sàng phá hủy những giấc mơ tươi đẹp nhất, vì mục đích kinh doanh. Đó là đường lối hoạt động của mọi đội bóng, làm gì có chỗ cho tình cảm. Thế thì trách gì được những cầu thủ như Sterling, rằng họ chẳng có trái tim?
Trong thế giới của họ, hoặc là phải bơi liên tục, hoặc là bị nhấn chìm bởi những con sóng dữ. Cần phải chứng tỏ giá trị của mình, nếu không sẽ bị loại bỏ.
Những người như Sterling, họ xa gia đình từ tuổi thiếu niên, phải sống với những con người họ chẳng quen biết. Cầu thủ của Liverpool đã trọ ở một căn nhà với hai người không thân thích mà anh gọi là “bố mẹ”, Peter và Sandra, khi anh từ nhà ở Bắc London chuyển tới thành phố cảng ở độ tuổi 15.
Những đứa trẻ như Sterling có tham vọng hơn bạn bè đồng trang lứa cũng là điều dễ hiểu. Anh đã trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió. Sau khi cùng mẹ rời quê nhà Jamaica đến Anh, Sterling mới chỉ 5 tuổi. Anh chưa bao giờ biết mặt cha mình, bởi ông đã bị sát hại ở Kingston. Bóng đá với cậu bé này chính là sự cứu rỗi.
Câu chuyện của cá nhân Sterling thực ra chẳng hề cá biệt. Craig Bellamy cũng từng phải sinh sống ở Norwich rất xa quê nhà Cardiff, khóc như mưa ngoài cửa hàng bánh kẹo vì quên mất số điện thoại của bố mẹ, và từng có những đêm dài nuốt nước mắt vì nỗi nhớ cha mẹ, nhớ nhà cứ giết dần giết mòn tâm hồn non nớt của anh.
Hay một người khác, một anh chàng trẻ tuổi đang học việc “trót” khiến những cầu thủ chuyên nghiệp trông thật ngớ ngẩn trên sân tập. Rốt cuộc, anh ta bị phạt cọ sàn nhà vì màn trình diễn xuất sắc đó.
Một người khác nữa, từng bị loại khỏi hệ thống trẻ của Man City ở độ tuổi 15 và phải tìm tới một CLB thuộc hạng dưới. Anh từng rất có triển vọng, rất tài năng, nhưng lại quá nhạy cảm với chấn thương. Anh được đưa đi chạy chữa, nhưng các bác sĩ chẳng thấy có vấn đề gì. Người ta nói với anh rằng anh sẽ phải tiếp tục ra sân trong tình trạng như thế. Anh đã cố gắng ra sân, nhưng chẳng bao giờ tìm lại được phong độ nữa. Sau 2 năm, CLB để anh ra đi.
Ngần ấy dẫn chứng chỉ để nói với bạn đọc rằng, chúng ta rất khó hiểu được hoàn cảnh của Sterling, hay bất cứ cầu thủ nào khác. Bóng đá đỉnh cao không cho phép một cá nhân phát triển cân bằng như những người khác. Bạn phải nhất quán, phải đặt mục tiêu tối thượng là sự nghiệp bản thân, mà quên đi hết những thứ gọi là tình bạn hay những mối quan hệ.
Họ không phải những con người tuyệt vời, những con người lý tưởng. Nếu muốn tìm kiếm những tâm hồn đẹp như thế, bạn hãy tới gặp một cô y tá hay một giáo viên, chứ đừng chờ đợi điều đó ở cầu thủ. Chắc chắn người tự đặt mình ra khỏi những mối quan hệ xã hội thông thường không thể là nhân vật vĩ đại bạn tìm kiếm.
Đúng là Sterling đã cư xử hơi thiếu lịch thiệp với Liverpool. Lẽ ra anh không nên trình bày lộ liễu quan điểm muốn rời CLB, điều đó hẳn làm anh trở nên dễ thương hơn trong mắt người hâm mộ. Nhưng ngược lại, có gì sai nếu anh không muốn tiếp tục ở lại Anfield? Sterling chẳng có gốc gác gì ở đó, cũng chẳng có mối liên hệ gì đặc biệt vời CLB hay thành phố này. Truyền thông và các CĐV mong chờ một cách hành xử khác từ cầu thủ mà The Kop đã đào tạo, nhưng nó quá phi thực tế, quá lãng mạn.
Có thể thông cảm cho sự tức giận từ các CĐV Liverpool, nhưng đừng trách Sterling khi anh khăng khăng tìm kiếm một tương lai mới. Chính hệ thống bóng đá xứ sương mù đã đào tạo nên những cái tôi như vậy.