Không phải cứ chịu nhiều bàn thua là sẽ thất bại. Lịch sử vẫn chứng kiến những ngoại lệ, như Man United với lối chơi tấn công quên mình năm 1999, đã đăng quang khi thủng lưới gần 1,5 bàn/trận trong cả mùa giải năm đó. Nhưng những ngoại lệ như thế quá ít.
Cả 2 mùa giải gần đây, 4 đại diện dự Champions League của nước Anh đều phá kỷ lục về số bàn thua của họ trong 24 trận đấu vòng bảng (6 trận nhân với 4 đội), và cũng là những mùa giải đầu tiên chứng kiến họ lọt lưới trung bình nhiều hơn 1 bàn/trận tại vòng bảng. Mùa 2011/12, con số là 25 bàn thua. Mùa 2012/13, những thảm họa phòng ngự được bày ra khi tổng số bàn thua của họ lên tới 35 bàn. Và cả 2 mùa giải ấy, Premier League chỉ có 2 đội vượt qua vòng bảng.
Việc lọt lưới với tần suất 1 bàn/trận là chuyện hoang đường ở vào thời cực thịnh của Premier League. Từ năm 2006 đến năm 2009, trong 3 mùa giải liên tiếp nền bóng đá này góp tới 3 trong 4 đội bóng có mặt tại vòng bán kết Champions League. Số bàn thua khi đó ra sao? 50 bàn thua trong 72 trận vòng bảng, tức là chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2 mùa trở lại đây.
Việc Chelsea vô địch Champions League mùa 2011/12 (nhờ công lớn của hàng thủ) không phủ nhận được thực tế là nước Anh đang sa sút tại châu Âu. Đã có tới 5 lần các CLB Anh bị loại trong vòng 4 mùa giải gần nhất, điều mà trong vòng 10 năm trước đó chỉ xảy ra đúng 1 lần. Nguyên nhân ban đầu được cho là bởi Luật công bằng tài chính của UEFA khiến cho họ đánh mất thứ quyền lực đặc trưng trên TTCN. Nhưng thực chất Premier League không chi ít đi quá nhiều. Vấn đề có lẽ nằm ở cách họ đầu tư.
NGUY CƠ TỪ HÀNG THỦ VẪN RÌNH RẬP
Mùa giải này, mỗi đội tham dự Champions League của Anh đem về đúng một sự bổ sung cho hàng thủ. Arsenal có lại tiền vệ phòng ngự Mathieu Flamini. Chelsea đưa thủ môn Mark Schwarzer về làm dự bị. Man City mua lão tướng Martin Demichelis như một giải pháp tình thế. Man United mua Fellaini. Nhưng Fellaini có được tính là “bổ sung cho hàng phòng ngự” hay không còn là vấn đề cần suy nghĩ. Ví dụ như tờ báo Independent của Anh, trong bảng thống kê các sự bổ sung cho hàng phòng ngự ở mùa giải này, đã thản nhiên ghi: “Man United: Không bổ sung”. Vì Fellaini vẫn có thiên hướng đá cao hơn và tham gia tấn công nhiều hơn so với mẫu tiền vệ phòng ngự điển hình.
Việc Premier League chuyên chú đầu tư cho các ngôi sao tấn công mà quên đi việc gia cố hàng thủ là điều đã cũ. Và nó chính là nguyên nhân khiến cho khả năng ngăn chặn các bàn thua của họ suy yếu.
Trong mùa giải trước, một phần vì những chấn thương, một phần vì quân số quá mỏng, HLV Wenger không thể chọn ra một bộ tứ vệ cố định trong suốt chiến dịch Champions League. Ở Man City, HLV Mancini liên tục thử nghiệm các ý đồ mới, lúc thì đá với 3 trung vệ trong sơ đồ 3-5-2, lúc lại chơi 4 hậu vệ. Trong khi đó, ở Man United, chấn thương của Vidic cũng khiến Sir Alex rất vất vả để đối phó…
Mùa giải này, mọi chuyện liệu có được cải thiện? Với những sự bổ sung rất hạn chế hay có thể nói là gần như chẳng bổ sung gì, những nguy cơ từ hàng thủ vẫn rình rập với các đại diện nước Anh tại Champions League. Chấn thương của Vincent Kompany đang khiến Man City bối rối, trong bối cảnh HLV Pellegrini vẫn chưa hoàn thiện ý đồ chiến thuật của ông. Chelsea cũng vẫn sẽ phải trông vào phong độ của John Terry, khi mà phương án nhân sự của họ cho phòng ngự, đặc biệt là ở vị trí tiền vệ thu hồi bóng, là rất hạn chế. Man United tất nhiên vẫn phải cầu nguyện Vidic đừng chấn thương: trong 2 năm rưỡi qua anh đã nghỉ tới 9 tháng vì chấn thương, và họ thì không hề có phương án thay thế tương xứng. Còn Arsenal, sự bổ sung Mesut Oezil tất nhiên không thể cải thiện tình trạng phạm sai lầm trong phòng ngự vốn đã là vấn nạn của CLB này cả nửa thập kỷ qua.
Sau một mùa mua sắm tưng bừng, triển vọng lấy lại vị thế của Premier League ở châu Âu thực tế vẫn không được cải thiện bao nhiêu.