Nhưng đó chỉ là chuyện phụ. Vấn đề chính ở đây là Mourinho vẫn chưa rõ đội hình tốt nhất với Chelsea là gì. Nếu không phải là chính xác 11 người, thì phải là 13-14 người trong một bộ khung dài hạn. Các đội mạnh nhất ở châu Âu đều định hình như thế, còn Chelsea vẫn đang loay hoay.
Barcelona vô địch Champions League mùa 2011-12 là ví dụ hoàn hảo. Suốt mùa đó họ sử dụng 31 cầu thủ khác nhau ở 6 giải đấu. Nhưng khi bước vào những cuộc đọ sức thực sự quan trọng, HLV Pep Guardiola luôn có một phương án cố định: Valdes; Abidal, Pique, Puyol, Alves; Busquest, Iniesta, Xavi; Villa, Messi, Pedro. Chiến thuật và sự cân bằng có thể thay đổi, nhưng những cái tên luôn là như thế.
Mourinho vốn rất giỏi trong chuyện đó. Ở Chelsea mùa giải vô địch 2004-05, đội hình đá những trận lớn của HLV người BĐN rất dễ đoán: Cech; Gallas, Terry, Carvalho, Ferreira; Lampard, Makelele, Tiago; Robben, Drobga, Duff. 5 năm sau, điều tương tự lặp lại ở Ý. Cú ăn 3 lịch sử với Inter Milan mùa 2009-10, Mourinho sẽ cho ra sân đội hình như sau: Cesar; Chivu, Lucho, Samuel, Maicon; Cambiasso, Zanetti; Pandev, Sneijder, Eto’o; Milito. Tiếp theo là ở Real Madrid, với mùa vô địch La Liga 2011-12 được xây dựng trên bộ khung cố định: Casillas; Coentrao, Ramos, Pepe, Arbeloa; Khedira, Alonso; Ronaldo, Ozil, Di Maria; Benzema.
Lukaku (trái)
Còn ngay lúc này, các CĐV áo xanh không chắc đội hình tốt nhất của Chelsea là gì, và có lẽ chính Mourinho cũng chưa biết điều đó. Ông đã thay đổi "xoành xoạch" ở cả Premier League và châu Âu trong việc tìm ra đối tác cho John Terry ở trung tâm hàng thủ. Ông chọn Branislav Ivanovic đá hậu vệ phải thay vì cầu thủ có nhiều thiên hướng tấn công hơn Cesar Azpilicueta. Ông đã cho mượn tiền đạo (Romeu Lukaku) đang đạt phong độ cao nhất của đội và đày ải người giỏi nhất của Chelsea mùa trước, Juan Mata.
Tất cả đang diễn ra khá rối rắm ở Stamford Bridge, chỉ có điều mãi tới sau 2 thất bại liên tiếp vừa rồi, thì Mourinho mới bắt đầu phải đối mặt với áp lực. Giờ đây ông cần một sự thay đổi khác: ổn định hơn và không thay đổi nữa.