Một số ví dụ điển hình cho những “dream team” trong lịch sử “Gà trống”: đoàn quân của thủ lĩnh Danny Blachflower đầu thập kỉ 60, hay đội bóng sở hữu bộ đôi huyền thoại Gascoigne và Lineker 20 năm về trước. Và sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không nhắc tới Tottenham của thập kỉ 80, nơi hội tụ "tam tấu" Glenn Hoddle, Osvaldo Ardiles và Stevie Archibald.
Hãy cùng trở lại mùa giải 1981/82, cụ thể là ngày 6/3/1982, để theo dõi trận tứ kết cúp FA giữa Chelsea và “dream team” Tottenham kể trên. Spurs khi ấy mới trở lại giải hạng Nhất Anh (nay là Premier League), sau khi phải xuống hạng ở mùa 1978. Họ đồng thời cũng là nhà đương kim vô địch của giải đấu lâu đời nhất thế giới, sau khi vượt qua Man City ở trận chung kết cách đó chưa đầy 1 năm.
Chặng đường tới vòng tứ kết của “Gà trống” chẳng hề kém gian truân, với những cái tên đã bị khuất phục bao gồm cả Arsenal, Leeds United và Aston Villa (khi ấy đang là đương kim vô địch giải hạng Nhất).
"Dream team" Tottenham vô địch cúp FA 2 năm liên tiếp 1981 và 1982
Ở bên kia chiến tuyến, đội chủ nhà Chelsea lại đang trên đà sa sút. Tiêu tốn khá nhiều tiền của để xây dựng khán đài phía Đông, “The Blues” phải trả giá bằng việc phải xuống hạng năm 1979, và mất một vài năm mới có thể trở lại.
Chelsea ở mùa giải 1981/82 chỉ là một CLB hạng hai, thậm chí còn suýt chút nữa rớt xuống hạng ba một mùa sau đó. Ở thời điểm gặp Tottenham, cơ hội thăng hạng không còn, bởi vậy cúp FA là niềm hy vọng cứu vãn mùa giải của "The Blues". Quyết tâm của thầy trò HLV John Neal đã giúp họ hạ gục cả Liverpool (khi ấy đang là ĐKVĐ cúp C1) trên đường tiến tới vòng tứ kết.
Sau đây, hãy cùng nhìn lại những pha bóng tốc độ, hoa mỹ và đẹp mắt của bóng đá thập kỉ 80, thời điểm sự thực dụng còn chưa được biết tới. Đây đồng thời được đánh giá là một trong những trận cầu đáng nhớ nhất trong lịch sử CLB Tottenham Hotspur, bởi lẽ cả 3 bàn thắng của Spurs được ghi chỉ trong vòng 10 phút hiệp hai, khi họ đang bị dẫn trước.
Mike Fillery là người mở tỉ số cho chủ nhà ngay trước khi hiệp một khép lại với một tình huống đá phạt chuẩn xác. Nhưng ba bàn thắng của lần lượt Archibald, Hoddle và Hazard đã dập tắt mọi hy vọng của "The Blues". Những gì đội chủ nhà làm được sau đó chỉ là một bàn gỡ của Alan Mayes. Trận đấu này ghi dấu ấn đậm nét của huyền thoại Glenn Hoddle, khi ông kiến tạo 2 và tự mình ghi bàn thắng còn lại. Qua đó, Tottenham băng băng tiến vào chung kết và lần thứ hai liên tiếp vô địch cúp FA.
Đội hình xuất phát:
Chelsea: Francis – Locke, Nutton, Chivers, Pates, Hutthcings, Walker (Rofe), Bumstead, Fillery, Mayes, Rhoades-Brown
HLV: John Neal
Tottenham Hotspur: Clemence – Miller, Perryman, Price, Hughton – Galvin, Hoddle, Ardiles, Hazard – Crooks, Archibald
HLV: Keith Burkinshaw
Ghi bàn:
Chelsea: Fillery, Mayes
Tottenham: Archibald, Hoddle, Hazard
VIDEO Chelsea 2-3 Tottenham
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY |