Sự tầm thường của Tam sư không chỉ được phản ánh qua vị trí thứ 17 trên BXH FIFA, mà nó còn được thể hiện qua sự thất thế của chính những cầu thủ người Anh trên sân nhà. Đã lâu lắm rồi, người ta không được chứng kiến việc một đội bóng ở Premier League tung ra sân cả 11 cầu thủ mang quốc tịch Anh.
Đây là sự kiện đặc biệt mà muốn được chứng kiến thì bạn phải quay về tận thế kỷ trước. Cụ thể, vào ngày 28/2/1999, HLV Coventry City - John Gregory không sử dụng bất kỳ cầu thủ ngoại quốc nào và đội bóng của ông đã giành chiến thắng ấn tượng 4-1 trên sân của Aston Villa. Chuyện tương tự suýt nữa đã xảy ra ở mùa giải 2005/2006, khi ở vòng đấu cuối HLV Steve McClaren của Middlesbrough đã điền tên 10 cầu thủ người Anh vào đội hình xuất phát.
Hai chi tiết trên cho thấy Premier League không phải là sân chơi mà ở đó người Anh chiếm áp đảo. Trái lại, theo nghiên cứu mới được BBC cho công bố thì tầm ảnh hưởng của các cầu thủ người Anh tại giải Ngoại hạng đang càng ngày càng bị thu hẹp.
HLV John Gregory của Coventry City từng rất trọng dụng
những cầu thủ người Anh
So sánh với những gì từng xảy ra ở mùa giải 2007/2008 (đó là cột mốc gần nhất chứng kiến việc cả Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland không vượt qua được vòng loại của một giải đấu lớn), người ta thấy khoảng thời gian các cầu thủ Anh được sử dụng ở Premier League đã giảm đi đáng kể. Nếu như cách đây 5 năm, thời lượng các cầu thủ nội địa được ra sân ở Premier League chiếm 35,25% thì con số này vào thời điểm hiện tại chỉ còn 31,8%.
Cần biết, ở La Liga các cầu thủ Tây Ban Nha được ưu ái hơn nhiều khi thời lượng họ được sử dụng lên tới 59%. Các đồng nghiệp người Đức ở Bundesliga có thiệt thòi hơn một chút, nhưng chí ít thì khoản thời gian xuất hiện trên sân của họ cũng đạt mức 50%.
Đáng chú ý, ở mùa giải 2007/2008, Aston Villa từng bỏ ra 16,5 triệu bảng để chiêu mộ tiền đạo Darren Bent của Charlton, nhưng tất cả các cầu thủ góp mặt trong top 10 chân sút hàng đầu ở giải Ngoại hạng lại đều tới từ nước ngoài. Hồi ấy, Liverpool của HLV Rafa Benitez được xây dựng trên bộ khung Tây Ban Nha với những nhân tố như Pepe Reina, Xabi Alonso và Fernando Torres.
Trong khi đó, HLV Arsene Wenger của Arsenal chỉ thường xuyên xếp một cầu thủ người Anh vào đội hình xuất phát là Theo Walcott. Vào thời điểm hiện tại, đúng là số quốc gia đóng góp “lính lê dương” cho Premier League có giảm xuống so với cách đây 5 năm (số lượng này giảm từ 68 xuống còn 61), nhưng nhìn chung các cầu thủ Anh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ đứng tại quê hương của mình.
Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, hãng kiểm toán Deloitte đã tính được rằng chỉ có 60 trong tổng số 630 triệu bảng được các đội bóng Anh dùng vào việc mua sắm có liên quan đến cầu thủ trong nước. Trước đó một năm, trừ Chelsea ra thậm chí còn chẳng có đội bóng Anh nào ngó ngàng đến “hàng nội địa” (BLĐ The Blues trả West Brom 290.000 bảng để đổi lấy tài năng trẻ Isaiah Brown).
Ngoài chi tiết trên, người ta cũng không thể bỏ qua chuyện tiền đạo Andy Carroll (chuyển từ Liverpool tới West Ham) là cầu thủ duy nhất người Anh có mức phí chuyển nhượng cao hơn 8 triệu bảng (15,5 triệu bảng). Con số này thực sự quá khiêm tốn so với những gì mà Arsenal, Man City hay Chelsea mới bỏ ra để có được chữ ký của Mesut Oezil (42,5 triệu bảng, từ Real Madrid), Fernandinho (30 triệu bảng, Shakhtar Donetsk) hay Fernandinho (30 triệu bảng, Anzhi Makhachkala).
Với việc có tới 107/137 tân binh được các đội bóng Premier League tuyển mộ trong phiên chợ Hè vừa rồi là người nước ngoài, có thể thấy rõ ràng là các cầu thủ Anh đang không phải là mặt hàng được ưa chuộng. Thực trạng đáng buồn này khiến chủ tịch FA Greg Dyke không thể ngồi yên, mới đây ông đã lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm ở Anh phải cố gắng tìm ra giải pháp giúp bóng đá nước nhà đi lên.
Nói thì đơn giản chứ đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều. Nói cách khác, trừ khi có điều thần kỳ xảy ra, có lẽ phải rất lâu nữa ĐT Anh mới có thể bước lên đỉnh thế giới như những gì họ từng làm được ở World Cup 1966.