Bữa tiệc Giáng sinh của Liverpool năm 1998, khiến tờ Independent phải thốt lên rằng đây là “bữa tiệc Giáng sinh thác loạn nhất trong lịch sử nhân loại”. Chẳng lạ, thời đó Liverpool có đám “Spice Boys” trứ danh với Jamie Redknapp, David James, Robbie Fowler và Steve McManaman.
Họ tắm trong rượu, gọi đến gái thoát y và quan hệ tình dục tập thể trước mặt quan khách. Có thể là còn ma túy, chẳng phải tự nhiên Fowler có màn ăn mừng nổi tiếng mô phỏng cách... hít cocaine.
Một trong những scandal sex tiêu tốn giấy mực nhất của báo chí Anh trong thập kỷ qua, cũng bắt đầu từ một bữa tiệc Giáng sinh. Đó là tiệc Giáng sinh năm 2003 của FA, khi cô thư ký Faria Alam xuất hiện trong bộ đầm đỏ rực lửa. Theo lời kể của các nhân chứng, ông tổng Mark Palios và ông HLV trưởng đội tuyển Anh Sven-Goran Eriksson đã “mất hồn” từ hôm đó, để rồi tạo ra một scandal tình ái vô tiền khoáng hậu, khiến Eriksson mất chức, Alam phải trốn khỏi nước Anh.
Arsenal hóa trang đón Giáng sinh
2. Để kể hết ra những bữa tiệc “bất cần đời” của giới bóng đá trong đêm Giáng sinh, thì không đủ giấy mực. Nhưng mỗi năm, một vài câu chuyện như thế lại được kể, và người ta hiểu rằng cũng giống như câu tục ngữ “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” ở nước ta, thì dịp lễ cuối năm nay, ở nước bạn, hay cụ thể hơn là trong làng bóng đá châu Âu, là những chuỗi ngày mà tâm lý người ta thường hướng đến ăn chơi, tạm quên đi công việc hay trách nhiệm với đám đông.
Tiếc rằng để tối đa hóa lợi nhuận thì họ vẫn lôi nhau ra đá. Thế là phát sinh mâu thuẫn: việc ăn chơi chiến thắng.
Năm 2009, HLV Harry Redknapp của Tottenham gần như hóa điên: cuối tuần gặp Wolves, nhưng theo hiệu lệnh của đại ca Robbie Keane, một người Ireland mẫu mực (tức là uống như hũ chìm), 16 thành viên của Tottenham bay sang Dublin tổ chức tiệc Giáng sinh và trở về trong bộ dạng của những xác chết, chỉ vài chục tiếng đồng hồ trước trận đấu. Và thế là Tottenham thua Wolves.
3. Mùa lễ hội tất nhiên không phải lúc để làm việc. Nhưng mùa lễ hội lại đến kèm với giai đoạn căng thẳng nhất của mùa giải, khi lịch thi đấu dày đặc nhất, đặc biệt là đối với các ông lớn.
Đội nào chiến thắng được trong cái “tháng ăn chơi” này, là bất chiến tự nhiên thành, là thể hiện được rằng họ có thể duy trì tư cách bề trên khi không ở trong trạng thái tốt nhất: tinh thần không tập trung, thể lực đang kiệt quệ. Đội nào thắng trong Giáng sinh, hay rộng hơn là trong những ngày tháng 12 mà mọi nơi đều thơm phức mùi ăn mùi chơi này, thì đội đó thực sự mạnh.
Các thống kê không chỉ nói lên rằng phần lớn những đội giữ ngôi đầu bảng trong dịp Giáng sinh đều có chức vô địch sau đó. Nó còn nói lên điều ngược lại: trong lịch sử Premier League, chỉ có đúng một đội xếp cuối bảng vào dịp Giáng sinh sau đó có thể trụ hạng. Phong độ Giáng sinh liên quan mật thiết đến cục diện cả mùa giải.
Bây giờ, cho dù các ông HLV có muốn, cũng khó lòng bắt cầu thủ tập trung cao độ, đá với thể trạng tốt nhất. Giờ mới là lúc các đội bóng bộc lộ đẳng cấp thật sự của họ.