Quả là cách mô tả chính xác về Messi , như cách hãng tin Reuters chạy tít “phép màu Messi đưa Barca vượt qua Milan”, hoặc như cái cách siêu sao Argentina ghi 6 bàn chỉ sau 3 trận ở Champions League mùa này, hoặc rộng hơn là tổng cộng 65 bàn chỉ sau 82 trận ở Champions League.
Với Messi, hiệu suất ghi bàn dưới 1 bàn/trận là “bất bình thường”. Cũng vì thế mà sự kiện Messi không ghi bàn trong 4 trận liên tiếp ở La Liga là “vô cùng bất bình thường”. Nói như nhà báo thể thao Joe Posnanski thì “Messi vượt khỏi khuôn khổ môn thể thao anh đang chơi”, nghĩa là người ta luôn đòi hỏi cao hơn hẳn những chuẩn mực thông thường dành cho một ngôi sao trong bóng đá.
Về mặt cá nhân, Messi và những bàn thắng của anh là đề tài quá cũ, vì đã được nhắc đến… vài ngàn lần trong khoảng 5 năm qua. Messi vượt trên hẳn phần còn lại của thế giới bóng đá, trên cả Cristiano Ronaldo (người tiệm cận nhất với “trình” của Messi) và tất nhiên cả Franck Ribery (xứng đáng là ứng viên số 1 cho giải Quả bóng vàng FIFA năm nay). Không thể phủ nhận Ribery tỏa sáng hơn Messi khi Bayern Munich đè bẹp Barcelona ở bán kết Champions League mùa rồi. Đó là bất ngờ trên cả mọi bất ngờ, nhưng vẫn có logic ẩn bên trong: một là Messi không có phong độ cao nhất khi gặp Bayern vì mệt mỏi và chấn thương; hai là Bayern biết khai thác điểm yếu (đồng thời là điểm mạnh nhất) của Barca chính là Messi.
CLB xứ Catalan có quá nhiều ngôi sao song ai cũng biết lối chơi của họ phụ thuộc quá nhiều vào Messi. Cả chuyên môn, cũng như tâm lý, tinh thần thi đấu. Vì Messi quá xuất sắc, quá siêu phàm nên bất kỳ HLV nào có trong tay “vũ khí tối thượng” ấy đều chọn theo cách Diego Maradona ở ĐT Argentina hay Pep Guardiola, Tito Vilanova đã làm ở Barca. Lợi cũng có, nhưng cũng có hại, như cảnh báo từ trước của Guardiola: “Tôi không tin cả thế giới bóng đá không có ai tìm ra cách khống chế Messi”.
Bayern mùa trước là ví dụ. Guardiola lại là thống soái của CLB xứ Bavaria mùa này. Đó là lời cảnh báo cho Barca và Gerardo Martino. Tuy không phải là tên tuổi được yêu thích trên chiếc ghế huấn luyện Barca , nhưng Martino được cây bút uy tín Jonathan Wilson của tờ Guardian đánh giá là “chiến lược gia hàng đầu thế giới”. Martino hiểu rõ có Messi là hồng ân của Thượng đế, nhưng vẫn cần bồi đắp thêm bàn tay con người.
Hơn ai hết, Martino hiểu rõ Messi không cần bung sức trong giai đoạn đầu mùa, hãy để những gì tốt nhất, lợi hại nhất cho đoạn kết mùa bóng khi Barca sẽ phải gặp nhiều thử thách khó liên tiếp. Vì thế, Messi tịt ngòi, thể lực không đạt 100% (phong độ cũng thế) vào lúc này hóa ra lại là điều hay! Martino sẽ thử nghiệm, đủ thời gian tìm phương án mới để Barca bớt dựa dẫm Messi, phát huy tầm ảnh hưởng và sự tự tin của các ngôi sao khác, cũng nghĩa là CLB xứ Catalan sẽ đáng gờm hơn, khó lường hơn.
Barca đã đánh bại Real Madrid khi Messi mờ nhạt. Đến lúc Barca cần Messi, Milan tất nhiên đành bó tay. Barca tiến như vũ bão trên mọi giải, Martino chưa thua trận chính thức nào, tức kế hoạch đường dài đang chính xác từng bước một. Cũng như Eisenheim, không cần tỏa sáng thường trực nhưng mỗi khi quyết định phải “ra mặt”, tất yếu cả thế giới sẽ phải ngưỡng mộ và ganh tị vì Barca có “người ngoài hành tinh” Messi!