1. Sợ hãi, đó là cảm giác chung của cả thế giới nhân văn chứ không riêng gì người nhà nạn nhân hoặc thành viên của Malaysian Arlines. Nhưng khi nhóm tìm kiếm kết luận đó không phải là vết dầu loang, mà chỉ là tác động của dòng chảy khiến nước tại khu vực này có mầu vàng cam, thì nỗi sợ có phần giảm đi, nhưng hy vọng sống sót lại không nhiều. Từng ngày từng giờ trôi qua là cơ hội sinh tồn của những người trên chuyến bay định mệnh ấy lại giảm đi rõ rệt. Cũng có giả thuyết máy bay bị khủng bố. Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng việc cả thế giới chờ đợi trong vô vọng cũng đã là một kiểu “khủng bố” chẳng ai mong muốn.
2. Khủng bố tinh thần trên diện rộng là điều đáng sợ nhất. Nó cũng khá giống với tình cảnh hiện nay của các culé Barcelona sau thất bại 0-1 trước Real Valladolid vào đêm qua. Chỉ là một trận thua, nhưng lại mang ý nghĩa lớn hơn rất nhiều một trận thua, thậm chí lớn hơn cả nguy cơ mất chức vô địch La Liga. Như thừa nhận của tiền vệ Cesc Fabregas thì “đội bóng của tôi đã chơi như cái xác không hồn, cho dù có những lúc các cầu thủ đã cố gắng cứu vớt một điều gì đó”.
Cứu vớt niềm tin, hay chuẩn bị sẵn tâm lý chấp nhận số phận nghiệt ngã, như những ai quan tâm đến chiếc máy bay Boeing B777-200 MH370 đang phải đối diện với sự thật khủng khiếp? Thật khó tin trong thời đại siêu vi tính như thế này, siêu truyền thông bây giờ với đủ loại phương tiện tối tân, lại không tìm được một chiếc máy bay khổng lồ mất tích đã vài ngày ở một nơi không phải là Tam giác Bermuda, và cũng chẳng bị coi là vùng biển ma như biển Đông.
Bí ẩn thời sự nóng bỏng nhất thế giới hiện nay (thậm chí còn nóng hơn diễn biến tình hình Ukraine – Crimea – Nga), cũng như bí ẩn khó lý giải về Barca ở trận thua Valladolid. Lionel Messi, “người trời” với kỷ lục 4 lần liên tiếp đoạt giải Cầu thủ hay nhất thế giới, chỉ biết tranh luận với trọng tài vì cho rằng đội nhà bị xử ép. Khuôn mặt mệt mỏi (có thể vì di chứng của nôn khan, lại là một bí ẩn nữa chưa được khám phá !), đôi chân thiếu linh hoạt, Messi không còn là nỗi ám ảnh của mọi hàng phòng ngự. Barca cũng vậy, không còn thấy tiqui-taca, mà chỉ thấy sự vụn vỡ, lắt nhắt trong lối chơi cùng một chỉ số biết nói: sau hiệp 1 trận Valladolid – Barca, số lần mất bóng của Barca là 49 lần, trong khi Valladolid chỉ 26 lần. Giữ bóng nhiều để tiqui-taca, nhưng sở trường đã thành sở đoản vì Barca (thống kê cuối trận vẫn trội hơn hẳn về thời gian kiểm soát bóng: 69%) liên tục mất bóng trong những tình huống sức ép từ Valladolid không cao.
3. Đã lâu lắm rồi Barca mới lại trình diễn một bộ mặt tệ hại như vậy. Ngay cả cơ hội duy nhất có thể ghi bàn, Neymar cũng bỏ lỡ nốt. Một vài cố gắng nhỏ của một vài cá nhân, cũng chẳng đem lại điều gì vì nói như siêu sao điện ảnh Jack Nicholson thì “không có phần thưởng cho sự cố gắng , chỉ có phần thưởng cho thành công và sự trừng phạt cho thất bại”. Cần nhắc Nicholson nổi danh với câu “ít nhất, tôi cũng cố gắng” trong bộ phim kinh điển Bay trên tổ chim cúc cu, nhưng ông không thể không nổi khùng vì đội bóng rổ yêu quý LA Lakers đang trải qua mùa giải tồi tệ hiếm có trong lịch sử giải NBA.
Lakers hay Barca đều ở “trình” đỉnh cao, tức khó chấp nhận mùa giải trắng tay. Đáng nói hơn, thua theo kiểu bạc nhược không biết ngày mai (mùa tới, có chắc Barca còn giữ được các trụ cột, thậm chí cả Messi?) thì không còn gọi “vết dầu loang” mà phải nói là “ngập ngụa trong bùn đen”.