Trên thế giới hiện nay, có 2 đội đá tiqui-taca rõ rệt và đỉnh cao nhất là Barca và Bayern Munich. Hùm xám do Pep Guardiola (thành danh với tiqui-taca ở Barca) đã bị Real Madrid đè bẹp ở bán kết Champions League (thua tổng tỷ số 0-4), trước đó Barca bị Atletico đánh bại ở tứ kết (1-2). Tiqui-taca của Barca, Bayern đã thất bại trước lối đá ép bằng phản công (counter-pressing) của 2 đội bóng thành Madrid, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định tiqui-taca không còn đất sống trong bóng đá hiện đại.
Hãy lấy ngay trường hợp của Barca mùa này. Đội bị loại ở tứ kết Champions League sau khi thua Atletico với tổng tỷ số sau 2 lượt trận là 1-2. Chính HLV Diego Simeone của Atletico thừa nhận nếu không có những pha cứu thua xuất thần của thủ môn Thibaut Courtois, đội bóng của ông rất có thể đã bị loại, và rất có thể trận chung kết sẽ là trận đấu đáng nhớ nhất trong lịch sử Cúp C1/Champions League: Barca chạm trán Real, tiqui-taca đối đầu nảy lửa counter-pressing.
Thất bại của Barca trước Atletico mang nặng tính tình huống, may rủi, phong độ chứ không phải là sự khác biệt về trình độ hoặc đẳng cấp. Tương tự là trận thua 1-2 của Barca trước Real ở chung kết Cúp Nhà Vua TBN. Barca có ưu thế hơn sau khi gỡ 1-1, nhưng bàn thắng của “siêu tốc độ” Gareth Bale vào cuối trận đem về thắng lợi 2-1 cho Real. Dấu ấn cá nhân của Bale thể hiện rất rõ pha ghi bàn đẳng cấp đó, và trên thế giới rất ít người làm được điều tương tự (họa may có Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi, cũng là những siêu sao hiếm có). Nghĩa là,
tiqui-taca không có lỗi trong thất bại vừa nêu, vì trước một pha xử lý như của Bale thì bất kỳ lối chơi nào, trường phái nào, đội bóng nào cũng đều phải thủng lưới.
Đang nói chuyện Barca nhưng hãy nhắc về Bayern một chút, vì “cùng
hệ” tiqui-taca. Bayern thủng lưới 4 bàn trước Real tại Allianz Arena, 2
bàn đầu là từ tình huống cố định. Tiqui-taca lại không có lỗi, tương tự
là 2 bàn sau đó là những pha bóng mang dấu ấn cá nhân siêu sao (tốc độ,
sự xuất sắc của Bale và Ronaldo làm nên bàn thứ 3, kỹ năng sút phạt của
Ronaldo tạo nên bàn thứ 4).
Tiqui-taca không
giúp Bayern lên đỉnh Champions League mùa này vì các học trò của
Guardiola biết cách sử dụng nhưng chưa thuần thục như Barca thời đỉnh
cao, bởi CLB xứ Catalan có sự kết hợp ăn ý của Xavi, Iniesta, Messi (bộ
khung của tiqui-taca) đều là thành viên từ lò La Masia. Họ nhắm mắt cũng
có thể bật nhả cho nhau, sau quá nhiều năm chơi bóng cùng nhau từ lúc
nhỏ cho đến lúc lớn.
Thế nhưng, vì sao cũng vẫn có Messi, Iniesta, Xavi nhưng Barca không thành công mùa này? Câu trả lời rất đơn giản. Thứ nhất, như đã phân tích ở trên, 2 thất bại của CLB xứ Catalan trước Atletico tại Champions League và Real ở Cúp Nha Vua rất sít sao, nếu đá lại, Barca thắng cũng là bình thường. Nếu bạn chưa phục thì đây là lý do thứ hai thuyết phục hơn: Messi, Iniesta, Xavi không đạt phong độ cao hoặc bị ảnh hưởng của chấn thương trong mùa giải này. Ai dám nói họ không thể trở lại đỉnh cao mùa tới, khi có đầy đủ sức khỏe, thể lực, khát vọng và không quá xui xẻo như mùa này (Barca gặp đủ chuyện không may khó đoán trước, như vụ chủ tịch Sandro Rosell từ chức hoặc cái chết của cựu HLV Tito Vilanova).
Nhưng thôi, quá khứ đã là quá khứ. Tiqui-taca hay counter-pressing đều giống ở một điểm: cần yếu tố con người. Barca không thiếu điều này, vì đây vẫn là một trong những CLB giàu tài năng nhất, và đủ điều kiện nhất để khôi phục giá trị tiqui-taca trong mùa tới.