Deulofeu và Rafinha đều là những sản phẩm của lò đào tạo trẻ trứ danh La Masia, nơi từng sản sinh ra những ngôi sao hàng đầu thế giới như Messi, Xavi hay Iniesta. Thực tế trên thật ra chưa phải là sự đảm bảo cho việc Deulofeu và Rafinha sẽ có tương lai ở Barca. Nên biết, không phải mọi sản phẩm từ lò La Masia đều đủ khả năng để trở thành thành viên của đội một Barca.
Lịch sử từng chứng kiến không ít trường hợp, BLĐ đội bóng xứ Catalunya đã để các học viên của lò La Masia thi đấu cho đội bóng khác theo dạng cho mượn, nhưng rút cục những cầu thủ này vẫn không để lại dấu ấn gì đặc biệt ở Nou Camp. Bojan, Jeffren, Andreu Fontàs, Mikel Arteta, Cristobal Parralo, Sergio Garcia và Fernando Navarro là những ví dụ tiêu biểu cho thực trạng trên và tất nhiên cả Deulofeu lẫn Rafinha đều không muốn đi vào vết xe đổ của các tiền bối.
Tuy nhiên, rút cục thì chỉ có Rafinha thuyết phục được BLĐ Barca giữ anh ở lại Nou Camp, còn Deulofeu thì không. Ngay sau khi trở về từ Everton, tiền đạo 20 tuổi này sẽ tiếp tục thi đấu cho Sevilla ở mùa giải năm nay theo dạng cho mượn. Có ý kiến cho rằng, Rafinha được ưu ái hơn bởi mùa trước anh còn là học trò của Luis Enrique (HLV hiện tại của Barca) ở Celta Vigo. Nhưng thật ra cầu thủ này trụ lại được Nou Camp hoàn toàn vì lý do chuyên môn, và Deulofeu không có lý do gì để phải cảm thấy ấm ức.
Rafinha gây ấn tượng mạnh hơn hẳn so với Deulofeu
Thật vậy, theo những con số thống kê, Rafinha gây ấn tượng mạnh hơn hẳn so với Deulofeu cả ở trong tấn công lẫn phòng ngự. Xét về tổng số đường chuyền, mùa trước Rafinha có 1157 lần liên lạc với đồng đội, trong khi con số này với Deulofeu chỉ là 271. Số đường chuyền của Rafinha tuy không nhiều như 2 ông “vua điều phối” của Barca là Xavi (2528) và Iniesta (2191) nhưng lại xếp trên cả Jesus Navas, tiền vệ người Tây Ban Nha thi đấu cho CLB có thiên hướng tấn công Man City.
Trong số 1157 đường chuyền nói trên thì có 957 lần Rafinha đưa bóng đến đúng địa chỉ (83%), trong khi số đường chuyền thành công của Deulofeu chỉ là 212 (78%). Đáng chú ý, nếu nói về những đường chuyền quyết định thì con số mà Rafinha có được lên tới 47, tức là cao gấp gần 8 lần so với Deulofeu (6).
Xét về số cơ hội tạo ra được, Rafinha không hề thua kém Xavi (52 cơ hội) và hoàn toàn ăn đứt Deulofeu (9 cơ hội). Có một chi tiết rất đáng chú ý là cự ly trung bình của những đường chuyền xuất phát từ Deulofeu (17,54m) cao hơn hẳn Rafinha (16,88m). Đây là một lợi thế dành cho anh nếu biết rằng, Barca vốn là đội bóng nổi tiếng ở khả năng ban bật trong cự ly trung bình chứ không thích sử dụng những đường chuyền dài vượt tuyến.
So sánh thống kê của Deulofeu và Rafinha ở mùa giải trước
Khả năng đi bóng của Rafinha cũng hết sức đáng nể khi anh thực hiện tổng cộng 76 pha qua người (tỷ lệ thành công đạt 58,91%). Về phần mình, Deulofeu chỉ có 44 pha qua người với tỷ lệ thành công đạt 45,83%. Nên biết, 2 cầu thủ có khả năng đi bóng hàng đầu thế giới hiện nay là Cristiano Ronaldo và Lionel Messi mùa trước cũng chỉ có tỷ lệ qua người thành công đạt 55% và 58,61%.
Ở khả năng phòng ngự, Rafinha có số pha can thiệp lên tới 41. Con số này lớn tới mức, nó còn lớn hơn cả tổng số pha can thiệp của Deulofeu (7), Xavi (9) và Iniesta (24) cộng lại. Có một chi tiết cần phải nhấn mạnh là mùa trước Rafinha rất hay bị đối phương phạm lỗi (29 lần). Số lần cầu thủ mới 21 tuổi này bị dính đòn cao hơn hẳn Deulofeu (7), Xavi (3) và Iniesta (21). Khi Barca sở hữu rất nhiều chuyên gia sút phạt như Rakitic, Messi, Neymar hay Suarez, những cầu thủ dễ bị đốn ngã kiểu như Rafinha đương nhiên sẽ giữ vai trò rất quan trọng.
Tóm lại, với những con số thống kê quá thuyết phục nói trên, việc Rafinha được giữ lại Barca là hoàn toàn hợp lý. Về trường hợp của Deulofeu, cầu thủ này cần phải nỗ lực nhiều hơn trong màu áo Sevilla nếu không muốn bị Barca thanh lý. Lý do là bởi những gì đã diễn ra ở mùa giải vừa qua đơn giản là chưa đủ để anh có thể tìm được chỗ đứng trong đội hình đầy sao của đội chủ sân Nou Camp.