Bóng Đá Plus trên MXH

Dortmund: Cảnh tỉnh từ những vụ rớt hạng khó tin
19:19 ngày 30/01/2015
Borussia Dortmund bước vào mùa này với tư cách là kẻ thách thức số 1 với Bayern Munich trong cuộc đua vô địch Đức, nhưng mọi việc đã không diễn ra đúng kế hoạch.
    Sau nửa mùa giải, đội bóng của HLV Juergen Klopp đang bằng điểm với đội bét bảng Bundesliga với 4 chiến thắng, 3 trận hòa và 10 thất bại trong tổng số 17 trận. Hẳn ai cũng nhớ Die Schwarzgelben đã dự trận chung kết Champions League mới 19 tháng trước, giành 2 chức vô địch Đức liên tiếp các năm 2011 và 2012 cũng như có trong đội hình những ngôi sao lớn như Marco Reus, Shinji Kagawa và Mats Hummels. Tuy nhiên, các CĐV áo vàng-đen nên thận trọng, bởi không có đội bóng nào là “quá lớn nên không thể rớt hạng”.

    Dưới đây là một số tấm gương tày liếp mà Dortmund nên nhìn vào để vực dậy thoát khỏi khủng hoảng trước khi quá muộn:

    Man City (1937/38)
    Trước thời điểm vào tay các ông chủ vùng Vịnh, Man City từng có lúc là một đội bóng lớn ở Anh. Đội bóng của HLV Wilf Wild bước vào mùa giải 1937/38 với tư cách nhà ĐKVĐ, nhưng rồi bị rớt hạng dù có hiệu số dương và thành tích ghi bàn tốt nhất giải! 77 năm sau đó, họ vẫn là đội duy nhất trong lịch sử bóng đá Anh vô địch rồi rớt hạng trong 2 mùa liên tiếp.

    Cựu thủ thành Man City và ĐT Anh Frank Swift đã trải qua mùa bóng tệ hại

    Nurnberg (1968/69)
    Sau chức vô địch World Cup ở Brazil mùa hè năm ngoái, Đức trở thành hình mẫu bóng đá của cả thế giới, nên bạn hẳn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng Đức có một giải VĐQG chuyên nghiệp khá muộn: năm 1963. 7 năm đầu của giải đã chứng kiến 7 nhà vô địch khác nhau, bao gồm Nurnberg, đăng quang vào tháng 5/1968. 12 tháng sau đó, họ rớt hạng. Dù vô địch, HLV Max Merkel đã xới tung đội hình vào mùa sau, đưa về 13 người mới và để 11 người ra đi, bao gồm tiền đạo ngôi sao Franz Brungs. Đội hình mới của Nurnberg không bao giờ chơi ăn ý được với nhau và họ rớt hạng sau trận thua Cologne 0-3 vào ngày cuối cùng mùa giải.

    Man United (1973/74)
    Ngày nay, nhiều CĐV Man United vẫn lầm tưởng cú đánh gót của Denis Law cho Man City đã đẩy đội bóng cũ của ông rớt hạng vào trận derby cuối mùa 1973/74, trong khi các kết quả ở những sân bóng khác đã xác nhận Man United sẽ rớt hạng dù có bàn thắng của Law hay không. Cuộc hồi sinh ngắn ngủi vào cuối mùa, khi họ giành được 13/15 điểm tối đa trước Chelsea, Burnley, Norwich, Everton và Newcastle, tưởng như sẽ giúp Quỷ đỏ sinh tồn, nhưng một trận hòa và 3 thất bại trong 4 trận cuối đã khiến đội bóng từng vô địch Cúp C1 1968 rớt xuống hạng 2.

    Law được thay ra lập tức sau khi ghi bàn vào lưới CLB cũ

    Swansea (1982-86)
    Swansea hiện giờ là ví dụ mẫu mực về cách vận hành một đội bóng nhỏ ở Premier League. Nhưng giai đoạn 1982-86, đội bóng xứ Wales là hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Cuộc phiêu lưu kỳ thú đưa Swansea từ hạng Tư lên hạng Nhất trong vòng 4 năm 1977-81, nhưng sự suy sụp cũng nhanh không kém. Họ mắc kẹt trong các vấn đề tài chính giai đoạn 1982-86 và lần nào cũng bị cho là “quá mạnh không thể rớt hạng”, nhưng lần nào cũng làm các CĐV thất vọng.

    Nottingham Forest (1992/93)
    HLV huyền thoại Brian Clough đã bật khóc khi chứng kiến đội bóng của ông rớt hạng ở mùa đầu tiên Premier League ra mắt và mùa cuối cùng của ông ở sân City Ground. Tuy nhiên, cho tới trước thất bại 0-2 dưới tay Sheffield United ở lượt trận cuối cùng, Forest lẽ ra đã có thể thoát hiểm. Đội hình mùa 1992/93 của họ yếu hơn hẳn so với nhà vô địch C1 các năm 1979 và 1980, nhưng vẫn đủ mạnh để sống sót: Teddy Sheringham có thể đã bị bán cho Tottenham mùa hè trước và Des Walker cũng ra đi, nhưng Clough còn có trong đội hình con trai ông, Nigel, Stuart Pearce và Roy Keane, đều là những chiến binh lớn.

    Clough có một cuộc chia tay đầy nước mắt

    Kaiserslautern (1995/96)
    Là đội vô địch Đức mùa 1990/91 và tự hào chưa bao giờ rớt hạng ở Bundesliga, Kaiserslautern nếm trải cay đắng vào tháng 5/1996 trong sự ngạc nhiên của cả nền bóng đá Đức. Họ về đích hạng 4 mùa trước đó và đầy hy vọng khi bước vào mùa giải mới. Chỉ thua 10 trận, bằng với đội về nhì Bayern Munich, nhưng Kaiserslautern để đối thủ cầm hòa tới 18 lần. Hàng thủ của họ chơi rất tệ, thủng lưới 38 bàn, nhiều thứ 2 giải đấu. 6 chiến thắng trong 34 trận là không đủ, và Kaiserslautern rớt hạng. Nhưng cuộc hồi sinh cũng đã bắt đầu gần như ngay lập tức: họ giành cúp Quốc gia một tuần sau đó và vô địch Bundesliga 2 năm sau.

    Napoli (1997/98)
    Napoli 1997/98 đương nhiên không thể sánh với đội bóng huyền thoại giành Scudetto của những Diego Maradona, Ciro Ferrara và Gianfranco Zola 8 năm trước đó, nhưng vẫn được coi là một thế lực lớn ở Serie A. 4 HLV được sử dụng trong mùa giải đầy sóng gió mà Partenopei chỉ kiếm được 2 chiến thắng và 14 điểm. Ghi 25 bàn và thủng lưới 76 bàn là những con số tồi tệ khác, dù trong đội hình có Robert Ayala, Claudio Bellucci và HLV Juventus hiện giờ Max Allegri.

    Cầu thủ Napoli thất vọng sau khi rớt hạng

    Atletico Madrid (1999/00)
    Mùa trước, chức vô địch La Liga là đỉnh cao của Atletico, còn mùa 1999/00 là vực thẳm. Tháng 12/1999, khi mùa giải đi được nửa đường và Atletico đang lơ lửng trên vùng nguy hiểm, chủ tịch CLB Jesus Gil và toàn bộ ban lãnh đạo bị điều tra vì tình nghi sử dụng sai ngân quỹ đội bóng. CLB bị chính quyền tiếp quản và tương lai của họ lâm vào nguy hiểm. Các cầu thủ, bao gồm những ngôi sao Jimmy Floyd Hasselbaink, Joan Capdevila và Juan Carlos Valeron, không còn muốn đá bóng. HLV Claudio Ranieri xin từ chức vào tháng 2 (lúc đó Atletico vẫn còn trên vùng nguy hiểm). Người thay ông Radi Antic không thể ngăn được cuộc khủng hoảng: chỉ 4 năm sau chức vô địch TBN lần thứ 9, Atletico rớt hạng.

    Leeds (2003/04)
    Sau một chiến dịch ấn tượng vào bán kết Champions League 2000/01, chủ tịch Leeds khi đó Peter Ridsdale đánh cược tương lai của CLB với những khoản vay mượn lớn mà ông dự định sẽ trả nhờ tiền thu được từ dự Champions League. Tuy nhiên, Leeds không thể tới sân chơi lớn nhất châu Âu 2 mùa liên tiếp sau đó và buộc phải bán đi hàng loạt ngôi sao như Nigel Martyn, Olivier Dacourt và Harry Kewell để trả bớt nợ. Tuy nhiên, bước vào mùa 2003/04, họ vẫn còn trong đội hình những Alan Smith, Paul Robinson, James Milner, Mark Viduka và Lucas Radebe, khiến việc Leeds rớt hạng trở thành một cú sốc lớn.

    Thảm họa xảy ra tại Elland Road

    Juventus (2005/06)
    Juventus thực ra không rớt hạng vì các kết quả trên sân bóng, mà là ở tòa án. Đội hình với những tuyển thủ quốc gia số 1 lúc bấy giờ như Gigi Buffon, Patrick Vieira, Pavel Nedved, Alessandro Del Piero và Zlatan Ibrahimovic có lẽ là đội bóng mạnh nhất lịch sử từng bị rớt hạng. Juve bị trừng phạt vì đã tìm cách tác động lên trọng tài để dàn xếp tỉ số. Mùa đó, Bianconeri có 91 điểm, chỉ thua 1 trận, nhưng tất cả đã tan biến trong phút chốc.

    Corinthians (2007)
    CLB đóng quân ở Sao Paulo - Corinthians giành chức vô địch Brazil thứ 4 của họ vào năm 2005, nhưng sau khi chia tay Carlos Tevez và Javier Mascherano, họ đã bị rớt hạng chỉ 2 năm sau đó. Thật mỉa mai, chính chiến thắng năm 2005 đã gây ra những vấn đề lớn cho họ. CLB bị chú ý quá nhiều phải bán đi những ngôi sao như Tevez, Mascherano và Carlos Alberto. Mối quan hệ của họ với tay cò bóng đá xảo quyệt Kia Joorabchian cũng khiến mọi chuyện thêm phức tạp với đội bóng và Corinthians chính thức xuống chơi ở Serie B Brazil vào tháng 12.

    Tay cò Joorabchian đến rồi đi bỏ lại cho Corinthians nhiều khó khăn

    Monaco (2010/11)
    Câu chuyện của 2 đội vào chung kết Champions League 2004 là câu chuyện của 2 số phận trái ngược. 7 năm sau đó, Porto giành thêm 5 chức vô địch BĐN, trong khi Monaco rớt xuống Ligue 2 ở Pháp. Đội bóng Công quốc chỉ thua 12 trận mùa đó, thấp nhất trong các đội ở nửa dưới bảng xếp hạng, nhưng hòa quá nhiều (17) và về đích kém đội hạng 17 Nantes 2 điểm.

    River Plate (2010/11)
    River Plate có lẽ là cú sốc lớn nhất trong danh sách này. Trong 110 năm lịch sử, đội bóng khổng lồ Argentina chưa bao giờ chơi ở hạng nhì. Họ cũng là đội giàu thành tích nhất nước với 36 chức VĐQG và là á quân 32 lần. Việc River rớt hạng càng khó tin bởi hệ thống chuyên nghiệp ở Argentina xác định đội rớt hạng thông qua thành tích trung bình 3 năm gần nhất, một quy định có lợi cho các đội bóng lớn. Ngay cả như thế, River vẫn rớt hạng sau khi thua chung cuộc Belgrano 1-3 ở trận play-off. Mùa hè đó, Erik Lamela và Roberto Pereyra nằm trong số những ngôi sao sẽ bỏ đi.
    Chiêu Văn • 19:19 ngày 30/01/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay