HÌNH TƯỢNG KIỂU MẪU
Trong thế giới bóng đá, Uli Hoeness được xem là một biểu tượng của sự thành công. Khi còn là cầu thủ, dù chỉ thi đấu tới năm 27 tuổi nhưng Hoeness đã giành đủ những danh hiệu cao quý nhất. Đó là 3 chức vô địch Bundesliga, 1 Cúp QG Đức, 3 chức vô địch C1 (Champions League bây giờ) và 1 Cúp Liên lục địa cùng Bayern.
Ở cấp độ ĐTQG, Hoeness cũng đã được tận hưởng niềm vui chiến thắng cùng Tây Đức tại EURO 1972 và World Cup 1974. Chia tay sân cỏ vì chấn thương từ năm 27 tuổi, Hoeness tiếp tục gặt hái được vô số những thành công trên cương vị GĐĐH (1979-2009) cũng như chủ tịch (2009-nay) của đội bóng xứ Bavaria.
Với Bayern , Hoeness là một vị vua. Trước khi ông gia nhập đội bóng vào năm 1970, Bayern mới chỉ giành được 7 danh hiệu lớn. Nhưng kể đó tới nay, cùng với Hoeness, Bayern đã có thêm 5 chức vô địch Champions League, 1 UEFA Cup, 1 Cúp Liên lục địa, 1 FIFA Club World Cup, 21 chức vô địch Bundesliga, 12 Cúp QG Đức... Tất nhiên, bảng thành tích này sẽ còn được kéo dài thêm nữa khi Bayern đang ngự trị trên đỉnh cao nhất của bóng đá thế giới.
Ngoài những thành công vang dội, Hoeness còn được quý mến tại Đức bởi tính cách thẳng thắn và hay giúp người. Không chỉ tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, ông còn giúp đỡ nhiều huyền thoại hay cựu cầu thủ của Bayern như Gerd Mueller, Sebastian Deisler, Breno... vượt khó.
Ông cũng từng quyết chi 2 triệu euro cho Dortmund để giúp đối thủ kình địch này thoát khỏi nguy cơ xuống hạng trong năm 2003 hay giúp đỡ tài chính cho nhiều đội bóng tại Đức bằng những trận giao hữu.
BỎ BÓNG CHƠI... DAO
Những kì tích của Hoeness gặt hái được trong môn thể thao vua là điều mà ít ai sánh được. Nhưng ông không chỉ giỏi đá bóng, tài lãnh đạo mà còn rất đam mê kinh doanh. Ngay từ năm 1985, Hoeness đã lao vào thương trường bằng việc mở nhà máy sản xuất xúc xích tại Nuernberg và không ngừng mở rộng quy mô hoạt động của nhà máy. Chính máu kinh doanh của Hoeness đã dẫn đường ông tới thị trường chứng khoán (TTCK) và chính lựa chọn này đã khiến ông phải trả giá.
Hoeness bắt đầu tham gia vào TTCK vào giữa những năm 1990 và gặt hái được những thành công ban đầu. Song, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1999 đã cướp đi của ông tất cả.
Năm 2000, cựu giám đốc Robert Louis-Dreyfus của Adidas và cũng là người bạn thân của Hoeness đã giúp đỡ ông bằng việc bơm 20 triệu mark (đơn vị tiền tệ của Đức bấy giờ, tương đương 10 triệu euro) vào tài khoản ngân hàng tại Thụy Sỹ để ông tiếp tục đầu tư vào chứng khoán. Trong khoảng thời gian từ 2001-2009, Hoeness đã đầu tư có lãi và thu về khoảng 130 triệu euro.
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra và hành vi đầu tư bằng tài khoản nước ngoài với mục đích trốn thuế của Hoeness cuối cùng cùng bại lộ. Tất cả đẩy Hoeness tới vòng lao lý, khi mà đáng ra ông phải được tận hưởng những tháng ngày đẹp đẽ nhất với những thành công vang dội của Bayern trên sân cỏ.
ĐOẠN KẾT BUỒN
Hơn 1 năm sau khi tự thú về hành vi trốn thuế của mình, Hoeness bước vào “trận đấu của cuộc đời” với phiên tòa kéo dài trong 4 ngày, từ 10-13/3/2014. Trong suốt phiên tòa, Hoeness vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Ông thậm chí còn chọn cho mình chiếc cà vạt may mắn trong ngày chờ tòa tuyên án. Nhưng khi tòa đề nghị bản án tù 5 năm rưỡi, sau đó được rút xuống thành 3 năm rưỡi tù giam, Hoeness suy sụp thấy rõ.
Trong quá khứ, Hoeness đã gặp rất nhiều may mắn. Ông từng thoát chết thần kỳ ở một tai nạn máy bay vào năm 1982 khi cả 3 người bạn của ông đều đã thiệt mạng. Ông cũng quá quen với cảm giác thắng-thua trong một trận bóng đá. Nhưng việc phải đối mặt với luật pháp là một phạm trù hoàn toàn khác, nơi không tồn tại sự may rủi và cũng không có cơ hội cho ông sửa sai.
Vẫn còn thời gian để Hoeness kháng án nhưng với khoản tiền trốn thuế được xác định là 28,46 triệu euro, sẽ rất khó cho cựu chủ tịch của Bayern có thể xoay chuyển tình thế. Sự nghiệp lẫy lừng của Hoeness cũng vì thế mà có thể phải khép lại phía sau những song sắt.
BÁO CHÍ ĐỨC NÓI GÌ?
Rheinische Post: “Trận đấu kết thúc và mọi thứ chấm dứt với Hoeness”.
Der Spiegel: “Một thất bại cho Hoeness nhưng là chiến thắng dành cho những người đóng thuế chân chính”.
Die Welt: “Một bản án nghiêm khắc, nhưng chính xác”.
Sport 1: “Bản án dành cho Hoeness đến không đúng lúc. Bayern có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn nếu Hoeness phải vào tù”.
Abendzeitung Muenchen: “Một bản án khôn ngoan. Những người ủng hộ Hoeness vẫn có quyền hy vọng về một bản án treo ở phiên phúc thẩm”.
DIỄN BIẾN VỤ ÁN TRỐN THUẾ CỦA ULI HOENESS
2001-2009: Hoeness đầu tư chứng khoán qua tài khoản tại ngân hàng Vontobel (Thụy Sỹ) để trốn thuế.
16/1/2013: Tạp chí Stern của Đức đăng tải thông tin về tài khoản trốn thuế của Uli Hoeness tại ngân hàng Vontobel.
17/1/2013: Hoeness tự thú về tội trốn thuế, đồng thời cung cấp cho cơ quan điều tra về những tài liệu nộp thuế trước đó.
30/7/2013: Các công tố viên tại Munich cáo buộc Hoeness trốn 3,5 triệu euro tiền thuế.
10/3/2014: Trong ngày đầu tiên của phiên tòa (10-13/3), Hoeness gây sốc khi xác nhận trốn ít nhất 18,5 triệu euro tiền thuế.
13/3/2014: Tòa án tuyên bố tổng số tiền mà Hoeness trốn thuế là 28,46 triệu euro. Tòa cũng không công nhận hành động tự thú của Hoeness và đề nghị mức án 5 năm rưỡi tù giam.
13/3/2014: Sau kháng cáo của Hoeness và luật sư, tòa án đưa ra quyết định cuối là 3 năm rưỡi tù giam.
Hoeness có 1 tuần để kháng án. Trong quãng thời gian này, ông vẫn được tại ngoại.