Công Phượng trở về Nghệ An. Chuyện không quá lạ lẫm. Bởi nơi đây vốn đã chứng kiến những ngày tháng gắn với trái bóng rơm của Phượng thuở còn thơ. SLNA chạm trán HA.GL có lẽ cũng không còn mới mẻ, khi vốn dĩ hai đội đã liên tục đụng đầu nhau trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, thời điểm giải bóng đá cao nhất ở Việt Nam bắt đầu gắn với cái tên V.League.
Tuy nhiên, khi pha hai yếu tố ấy hòa vào làm một thì rõ ràng cuộc đối đầu cuối tuần này trên sân Vinh lại có sức hấp dẫn lạ kỳ. Với CĐV Nghệ An, họ sẽ chứng kiến thêm một người con xa xứ nữa (sau Công Vinh, Văn Quyến, Quốc Vượng,…) trở lại mảnh đất quê hương, nhưng ở bờ bên kia chiến tuyến.
Còn cá nhân Công Phượng, nó khiến anh hẳn có cảm giác háo hức xen lẫn bồn chồn khi đây là lần đầu tiên kể từ khi được đôn lên thi đấu chuyên nghiệp, tiền đạo này đụng độ SLNA - đội bóng quê hương và cũng chính là CLB vốn dĩ đã để lại trong anh biết bao kỷ niệm vui buồn trong quá khứ…
Trái bóng rơm và lời hứa với người anh xấu số
Sinh ra trong gia đình đông anh em, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, Công Phượng và người anh tên Khoa không có nhiều điều kiện để thỏa mãn niềm đam mê bóng đá. Thuở học vỡ lòng, thứ để hai anh em lấy làm thú vui trong những lúc rảnh rỗi chỉ là trái bóng rơm tự làm.
Công Phượng ham chơi bóng từ nhỏ
Mảnh sân khoảng tầm 30 mét vuông trước nhà cứ mỗi khi không phơi
rơm, trải rạ là Phượng và anh trai lại lôi bóng ra đá với nhau. Bất kể
mưa hay nắng, hai anh em vẫn rượt theo trái bóng tự tạo. Có đợt Phượng
đá, anh Khoa bắt gôn, tiền đạo này dặn đi dặn lại anh mình: “Bắt gôn
phải ngã cho đẹp mới được tính điểm”.
Năm 2004, khi Phượng lên 9 tuổi, Khoa mất do ngã xuống đầm nước khi đi chăn trâu ngoài đồng. Phượng buồn hẳn đi. Cậu lầm lũi đá một mình. Vừa đá, Phượng vừa gọi tên anh trai: “Em đá tiếp phần anh nhé”.
Hụt Sông Lam Nghệ An vì không đủ cân nặng
Sông Lam Nghệ An có thể được xem là thất bại đầu tiên trong sự nghiệp bóng đá của Công Phượng. Và đó là lý do khiến lòng Phượng hẳn nhiên có nhiều nỗi ưu tư trong chuyến làm khách tới sân Vinh. Trở lại thời điểm ấy, năm 2006, sau 1 thời gian được bố mẹ chở lên Trung tâm Văn hoá huyện Đô Lương học bóng đá cách nhà gần hai chục cây số, Phượng được CLB Sông Lam Nghệ Anh đưa về đào tạo rồi cho thi tuyển.
Hơn một tháng ăn tập ở đội bóng xứ Nghệ, Phượng gây ấn tượng mạnh. Tiền đạo này liên tục hoàn thành tốt những bài thi đặt ra. Thế nhưng trớ trêu thay, thể hình và cân nặng đã khiến Phượng bị loại 1 cách đáng tiếc. Với chỉ 25,4 kg, cầu thủ sinh ra tại Đô Lương đã không đáp ứng tiêu chuẩn mà phía SLNA đặt ra (tối thiểu phải 30 kg trở lên). Trong bối cảnh kinh phí dành cho cầu thủ của CLB khi đó còn khó khăn, việc nâng cao thể chất cho các thành viên gặp nhiều hạn chế thì một cầu thủ “mỏng cơm” như Phượng khó lòng có thể giữ lại ở đội, cho dù tố chất bóng đá của anh được nhiều thầy đánh giá cao.
Công Phượng nỗ lực hết mình vì niềm đam mê bóng đá - Ảnh: Minh Tuấn
Thất bại đầu tiên trong sự nghiệp khiến Phượng buồn. Nhưng anh không tỏ ra nản chí. Đến lúc bầu Đức mở học viện bóng đá ở phố Núi, đăng tin rầm rộ, Phượng nhận ra rằng đây thật sự là một cơ duyên. Sau năm lần bảy lượt thuyết phục bố mẹ vào Pleiku (Gia Lai) thi thố tài năng, cuối cùng Phượng cũng nhận được cái gật đầu. Thương con nên dù hoàn cảnh kinh tế không dư dả, gia đình ông Bảy vẫn quyết định liên hệ người thân, bán non bốn tạ lúa, con lợn 25 kg rồi cùng Phượng bắt chuyến xe lặn lội từ Nghệ An vào phố Núi lần đầu trong cuộc đời.
Đến ngày thi tuyển, trong “vòng vây” của 400 thí sinh dự thi, Phượng không hề tỏ ra lo lắng. Chàng trai sinh năm 1995 bình tĩnh vào đá với các “đối thủ” của mình. 15 ngày sau, Phượng trở thành 1 trong 17 tài năng được chọn vào Học viện khóa I sau khi tuyển sinh 10.000 thí sinh trên cả nước. Khi ấy, hai bố con ôm chầm lấy nhau trong niềm vui vỡ òa.
“Em muốn được khoác áo đội bóng quê hương”
Thấm thoát đã 7-8 năm trôi qua, từ một cậu bé nhà quê, Công Phượng giờ đã trở thành một tài năng trẻ đầy hứa hẹn của bóng đá nước nhà. Những màn trình diễn chói sáng trong đội U19 Việt Nam rồi mới nhất là U23 Việt Nam là lời khẳng định cho tài năng, sự nỗ lực hết mình của cầu thủ xứ Nghệ.
Trong màu áo HA.GL, cùng với Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều, Hồng Duy, Công Phượng sớm trở thành một trong những cầu thủ không thể thay thế. Tuy vậy, dù mang nặng nghĩa ân tình với đội bóng phố Núi nhưng tình yêu của Phượng vẫn hướng về quê nhà.
Công Phượng khoác áo Sông Lam Nghệ An, trong trận đấu giữa HA.GL và SLNA tại V.League 2013
Còn nhớ trong trận đấu giữa HA.GL gặp SLNA trên sân Gia Lai cách đây 2 năm, Phượng thậm chí đã lên khu vực dành cho hội CĐV SLNA, tự hào khoác lên mình chiếc áo truyền thống của đội bóng. Khi được hỏi về lý do, cầu thủ 20 tuổi khẳng định một cách mãnh liệt: “Trong nước, em muốn được khoác áo SLNA, đội bóng quê hương”.
Với Phượng, mơ ước cháy bỏng trong anh chính là được một ngày sánh vai với thần tượng của mình, như Hữu Thắng, Công Vinh hay Văn Quyến – những tài năng được nuôi dưỡng từ mảnh đất xứ Nghệ. Còn bây giờ, Phượng cùng các đồng đội cần phải chung vai đánh bại SLNA ngay trên sân Vinh để lấy lại vị thế cho đội bóng phố Núi. Quả là ngày về ngập tràn những cảm xúc trái chiều của Phượng!