Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là cơ sở pháp lý của việc chuyển “hộ khẩu” nói trên như thế nào? Sau khi thông tin CLB Hà Nội muốn Nam tiến, nhiều người cho rằng, kế hoạch này sẽ gặp phải những rào cản về quy chế. Rất nhiều người đã viện dẫn khoản 2, điều 14 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp để khẳng định, sự thay đổi khó có thể diễn ra, hoặc chí ít là còn lâu mới diễn ra. Điều khoản này chỉ ghi nhận việc chuyển đổi chủ sở hữu trong địa giới hành chính “của cùng một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương”.
Khoản 2, điều 14 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp như sau: “Việc chuyển đổi chủ sở hữu câu lạc bộ, đội bóng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, của LĐBĐ Việt Nam và không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của câu lạc bộ, đội bóng đối với Đơn vị tổ chức giải, LĐBĐ Việt Nam, giải đấu và các bên thứ ba có liên quan”.
Thế nhưng, ông Nguyễn Giang Đông - Chủ tịch CLB Hà Nội lại chỉ ra rằng, dư luận hiểu chưa đúng về những gì đang diễn ra. Ông Đông cho biết: “Chúng tôi không chuyển đổi chủ sở hữu. Chúng tôi chỉ kêu gọi thêm cổ đông, còn cơ cấu của đội bóng vẫn giữ nguyên. Toàn bộ các cầu thủ sẽ được điều chuyển vào TP.HCM chứ không có bất cứ xáo trộn nào về cơ cấu tổ chức. Tôi nhấn mạnh là Công ty Cổ phẩn phát triển bóng đá Hà Nội không đổi chủ sở hữu mà chỉ thay đổi giấy phép kinh doanh và trụ sở chính. Quy chế không cấm chúng tôi thay đổi trụ sở công ty cũng như chọn sân Thống Nhất làm sân nhà”.
Liên quan đến việc CLB Hà Nội và công ty chủ quản thay đổi địa chỉ kinh doanh, phóng viên báo Bóng đá đã liên hệ với luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú) và được biết: “Hệ thống luật hiện nay không cấm việc một công ty thay đổi giấy phép kinh doanh, trụ sở đặt công ty. Nếu Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng không cấm điều này thì việc thay đổi của CLB Hà Nội là hợp pháp”.
Ông Nguyễn Giang Đông cho biết thêm: “Hiện bộ phận pháp chế của chúng tôi đang liên hệ với VFF làm các thủ tục cần thiết để thay đổi trụ sở công ty, tên gọi của đội bóng. Bộ phận pháp lý của VFF đã hướng dẫn chúng tôi chuẩn bị các giấy tờ liên quan để việc chuyển đổi nhanh chóng được thực hiện”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Chúng tôi chưa chính thức nhận được công văn đề nghị thay đổi của Công ty Cổ phẩn phát triển bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên, với thông tin có được, có thể khẳng định việc thay đổi trụ sở công ty không phạm vào những điều mà Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cấm”.
Có thể được đổi tên thành FC Sài Gòn Liên quan đến việc đổi tên của CLB Hà Nội khi chuyển trụ sở vào TP.HCM, luật sư Trương Anh Tú phân tích: “Bất cứ thay đổi nào cũng phải dựa trên quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Nếu Quy chế không cấm thì đội bóng được phép thay đổi”. Điều 8 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp có quy định: “Tên câu lạc bộ: Tên riêng hoặc tên Doanh nghiệp + tên Địa phương. LĐBĐ Việt Nam không công nhận việc câu lạc bộ thay đổi tên, ngoại trừ có lý do chính đáng và phải được sự chấp thuận của LĐBĐ Việt Nam về sự thay đổi đó”. Như vậy, sau khi chuyển trụ sở, CLB Hà Nội hoàn toàn có thể làm văn bản xin đổi tên thành FC Sài Gòn cho phù hợp với quy định chung và có yếu tố địa phương nơi mình đóng quân. Đây có thể là “lý do chính đáng” để CLB Hà Nội nhận được sự chấp thuận của VFF. |