Bóng Đá Plus trên MXH

Hải Phòng & "Vũ điệu" 4 cái chân ghế
09:13 ngày 12/01/2014
Sự thay đổi ở thượng tầng của đội bóng đất Cảng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng là họ có thể đưa bất cứ ai về làm HLV trưởng và theo chiều ngược lại, cũng có thể sa thải những nhà cầm quân ấy bất kỳ lúc nào.
    LỊCH THI ĐẤU MÙA GIẢI 2014

    KHÔNG THÍCH LÀ SA THẢI

    Hơn một tháng trước, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) ra thông báo chính thức ngừng tài trợ cho bóng đá Hải Phòng. Các cầu thủ hay CĐV của đội bóng đất Cảng có thể sẽ cảm thấy bất ngờ xen lẫn hụt hẫng vì như thế cũng có nghĩa là CLB mất đi “bầu sữa” bấy lâu vẫn được ví là “ấm” nhất nhì V.League.

    Nhưng thực ra đấy là viễn cảnh đã được dự báo từ trước, khi ngay từ mùa giải 2011 Vicem đã tỏ ra không mấy mặn mà với cách bị “gí” cho đội bóng; còn bây giờ cuộc chia tay là tất yếu đặt trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt là sự tê liệt của thị trường bất động sản kéo theo sự thua lỗ của rất nhiều “đại gia” trong ngành xây dựng mà Vicem đương nhiên không phải một ngoại lệ.

    Song người ta khá bất ngờ với cách Hải Phòng chia tay HLV Hoàng Anh Tuấn. Đã không có một cuộc gặp gỡ nào diễn ra, cũng không cần phải thông báo trước, nhà cầm quân người Khánh Hòa nhận được chỉ thị xuống làm việc tại đội trẻ (gần như đồng nghĩa với sự sa thải). Đấy là thực tế khá phũ phàng đối chiếu với cách những nhà làm bóng đá ở Lạch Tray trước thềm mùa giải 2013 trải thảm đỏ với bao hứa hẹn mời bằng được một trong những ƯCV sáng giá cho chiếc ghế HLV ĐTVN về làm việc.

    Và nếu chưa chóng quên, ngay cả khi CLB Vicem Hải Phòng trải qua những giai đoạn bết bát nhất mùa giải trước, HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn được BLĐ hết mực ủng hộ. Nhà cầm quân người Khánh Hòa vẫn được giữ lại Lạch Tray và đang trong quá trình chuẩn bị cho mùa giải 2014 mà thời điểm khởi tranh chỉ còn tính bằng ngày.

    Điều kiện tiên quyết mà HLV Hoàng Anh Tuấn đưa ra khi chấp thuận về làm việc tại Lạch Tray là ông phải có toàn quyền quyết định về chuyên môn của đội bóng. Người ta cho rằng đấy là nguyên nhân cơ bản, kết hợp với cá tính mạnh của nhà cầm quân gốc Khánh Hòa, khiến ông nảy sinh mâu thuẫn trầm trọng với tân chủ tịch Trần Mạnh Hùng và việc “trảm tướng” chỉ vỏn vẹn 10 ngày trước thềm V.League 2014 khởi tranh là kết quả của một cuộc thanh trừng nội bộ chứ không phải một nước cờ có tính toán từ trước.

    Còn sau đó, việc bổ nhiệm trợ lý Dylan Kerr ngồi vào ghế lái trưởng một lần nữa lại cho thấy bóng đá Hải Phòng “ngẫu hứng” như thế nào với “vũ điệu” của những chiếc ghế của các nhà cầm quân.  

    ĐẾN-ĐI NHƯ THAY ÁO


    HLV Vương Tiến Dũng

    Tất nhiên, sự thay đổi ở thượng tầng của một đội bóng kéo theo sự thay đổi về mặt con người trong đội ngũ HLV và cầu thủ của chính đội bóng ấy là câu chuyện không hiếm gặp trong bóng đá. Nhưng chỉ có ở Hải Phòng thì việc thay thế HLV trưởng mới giống như cách người ta thay một chiếc áo.  

    Khó có thể liệt kê đầy đủ cả tá HLV từng về làm việc ở Lạch Tray; từ lẫy lừng như HLV Vương Tiến Dũng được ví như công thần nhưng rút cuộc vẫn phải ra đi đến lạ lẫm như Nguyễn Văn Dũng không thành công trên chính quê hương Nam Định hay Nguyễn Đình Hưng thậm chí còn vô danh ở Khánh Hòa song vẫn được mời về để rồi ra đi không kèn không trống; từ người bản địa như Trần Văn Phúc, Đinh Thế Nam, Phạm Văn Hùng đến những nhà cầm quân ngoại quốc như Alfred Reidl, Dominique Fernandez, Luis Alberto; từ quái kiệt cỡ Lê Thụy Hải đến “bằng cấp châu Âu” như Hoàng Anh Tuấn...

    Mà điểm chung của những cuộc đến-đi ấy là gì? Là sự không hề đếm xỉa đến tính tương thích giữa nguồn gốc (trường phái), quan điểm xây dựng lối chơi hay triết lý bóng đá của các nhà cầm quân với những đặc thù của bóng đá Hải Phòng, nên có lẽ không đâu chứng kiến nhiều cuộc chia tay HLV chỉ sau “vài nốt nhạc” như Lạch Tray.

    Còn hậu quả của nó là sau những khoảnh khắc thăng hoa hiếm hoi giống như tại V.League 2010, bóng đá Hải Phòng ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ toàn thấy thất bại và tủi hổ với những điển tích kiểu như “Ban chống xuống hạng” được lập ra hồi cuối mùa giải 2011 đi liền với rất nhiều tai tiếng của công tác trọng tài.

    Trong khi các nhà cầm quân vẫn được xem là thành tố quan trọng nhất để xây dựng một đội bóng thì có lẽ ở Hải Phòng, nó lại là “rẻ” nhất. Và tất cả những khoản chi cho các HLV từng làm việc ở Lạch Tray trước nay có lẽ cũng chỉ tương đương với những gì Hải Phòng đã phải trả để đưa ngôi sao Denilson với cái chân đang dưỡng thương sang Việt Nam đá vài trận.


    HLV Lê Thụy Hải

    Nên có lẽ cũng không cần phải đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao một đội bóng có tiềm lực tài chính thuộc diện dồi dào nhất nhì V.League, đội bóng ấy cũng nhận được sự quan tâm lớn lao từ lãnh đạo cho tới nhân dân Hải Phòng, đội bóng ấy có sân vận động luôn đầy ắp khán giả và được tiếp sức bởi đội ngũ CĐV cuồng nhiệt ít nơi sánh nổi... nhưng mấy năm qua chỉ đua trụ hạng và rớt hạng (V.League 2012)?

    Nhưng chừng đó dường như vẫn là chưa đủ để những nhà làm bóng đá ở Lạch Tray nghĩ đến một “vũ điệu” khác thay cho “vũ điệu của 4 cái chân ghế”. Chắc chắn lúc này, ngay cả những CĐV Hải Phòng lạc quan nhất cũng không dám mơ là đội bóng thân yêu của họ có thể “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” khi trái bóng V.League 2014 đã bắt đầu lăn.
    Phong Vũ • 09:13 ngày 12/01/2014

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay