Luật Omerta như kiểu mafia không còn là tiêu chí tối thượng trong một tổ chức quyền lực cỡ FIFA, bởi “bố già” Sepp Blatter tuy chưa thể nói là chính thức bị hạ bệ (mất hết quyền lực) nhưng cũng không còn thuộc diện bất khả xâm phạm nữa.
Blatter đã phải trả cái giá đầu tiên, rất đắt, là buộc phải từ chức, chỉ vài ngày sau khi thắng cử với tuyên bố hùng hồn: “Tôi chỉ từ chức nếu mình làm sai!”. Sự thật là ông đã sai, và còn sai nghiêm trọng. Blatter tự vả vào mồm một cái, FIFA tự tát vào mặt mình cả trăm cái!
Suy cho cùng, FIFA không phải là sân chơi riêng của Blatter, dù ở đó ông được ví còn hơn thánh, “đạt đến cương vị Chúa trời”, như lời ca ngợi của một thành viên cao cấp của FIFA. Vị này cho rằng: “Nói Blatter phạm tội là phạm thượng”. Blatter có cả tín đồ trung thành và cả những cận thần khó lường như Jack Warner (cựu phó chủ tịch FIFA và chủ tịch LĐBĐ CONCACAF), từng một thời là cánh tay mặt nhưng bây giờ là kẻ thù số 1 của Blatter.
Những người như Blatter hay Warner đã biến cuộc chơi bóng đá thành trò xã hội đen sặc mùi chính trị. Môn thể thao số 1 hành tinh đã vượt ngưỡng, trở thành cuộc chiến chính trị liên quan đến Nga. Chưa hết, còn có Qatar, quốc gia tuy nhỏ về mặt diện tích và dân số nhưng giàu đến nỗi có thể dát vàng trụ sở FIFA.
Qatar và Nga rất dễ bị truất quyền đăng cai World Cup nếu bị phát hiện “phạm tội”. Thật ra, ranh giới giữa hối lộ và vận động tranh cử rất mong manh, khó phân biệt không chỉ trong bóng đá mà còn ở bất kỳ cuộc bầu cử nào. Nhưng, nếu Warner bỏ túi riêng 10 triệu USD để vi phạm tiêu chí công bằng, đúng đắn trong quá trình bỏ phiếu thì đúng là coi trời bằng vung, không thể chấp nhận!
Các ủy ban đăng cai World Cup của Nga và Qatar đang bị điều tra, World Cup 2018 và 2022 có thể bị “đổi chủ”, thế còn World Cup 1998 và 2010 đã diễn ra tất nhiên không thể thay đổi lịch sử thì sao? Vẫn có cách giải quyết đấy thôi, ví dụ phạt nặng, trừng trị đến nơi đến chốn những kẻ phạm sai lầm.
Người ta cho rằng, nếu Nga bị tước quyền đăng cai World Cup 2018, Anh, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác đều có thể lập tức tổ chức Cúp thế giới nhờ đã có sẵn cơ sở vật chất và kinh nghiệm trước đó. Nước Anh đã tuyên bố không thèm “ăn đồ thừa”, nhưng cương quyết và mạnh mẽ đòi tiêu diệt tối đa những “mầm mống ung thư” tràn lan trong FIFA. Cuộc đấu tranh quyền lực, chạy tội, giành ghế và thanh trừng lẫn nhau đang diễn ra ngấm ngầm, căng thẳng và khó lường hơn rất nhiều những gì chúng ta được biết vừa qua.
Bóng tối của FIFA hy vọng sẽ trở thành ánh sáng của bóng đá thế giới trong tương lai gần, trước nhất là về mặt hình ảnh sau đó là một cơ chế vận hành “sạch” hơn, hợp lý hơn, dân chủ hơn để dù tân chủ tịch FIFA là ai thì cũng không trở thành độc tài hoặc phạm những sai lầm tương tự Blatter.
FIFA đang tự huỷ một cách nhanh chóng và tàn bạo, nhưng thà muối mặt phá nát để xây lại còn hơn sống chung với lũ mãi mãi.