Tại Nhật Bản, theo hãng tư vấn Brand Management, Beckham là từ nước ngoài dễ nhận biết thứ hai chỉ sau… Coca-Cola. Khi anh chuyển tới Real Madrid năm 2003, Inocencio Arias, đại sứ TBN tại Liên Hiệp Quốc, nói một mình Beckham đã giúp tiếng TBN lại phổ biến trên toàn cầu. “Một mục tiêu mà nhà vua Philip II không làm được, giờ đã đạt được ở Real Madrid, nhờ một người Anh”, Arias nói.
Ngay cả Beckham cũng không hiểu tại sao anh lại có sức hút lớn đến vậy: “Tôi thực sự không thể giải thích được. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao tất cả những chuyện này lại xảy ra. Nếu muốn hiểu tại sao người ta lại quan tâm tới tôi như thế, có lẽ bạn nên hỏi họ hơn là hỏi tôi”.
Beckham luôn nhận được sự quan tâm từ rất nhiều fan hâm mộ
Beckham nổi tiếng như vậy có lẽ là do anh quá thoải mái và phóng khoáng. Chẳng hạn như cuộc cách mạng “metrosexual” (trào lưu đàn ông thích làm điệu như phụ nữ) mà Beckham tạo ra, nó không hề được lên kế hoạch hay sắp xếp trước, mà hoàn toàn tự phát. Khi có tin đồn vào những năm 1990 rằng Justin Fashanu (cựu tiền đạo West Ham) có thể đồng tính, sự hoảng loạn và những lời dị nghị ác ý đã lan đi nhanh chóng. Chính Beckham là người đã đè bẹp những định kiến trên. Anh vẫn giữ được vẻ nam tính vốn có khi mặc đồ lót của vợ, dùng phấn trang điểm và chụp ảnh nửa khỏa thân cho một tạp chí đồng tính. Bằng rất nhiều cách, Beckham đã làm thay đổi khái niệm về nam tính. Anh mở rộng, làm mềm đi và thay đổi định kiến nam tính là phải cơ bắp.
“Tôi không thấy vấn đề gì khi làm người mẫu ảnh cho Attitude (tạp chí dành cho người đồng tính)”, anh nói. “Tôi biết một số người nghĩ điều đó gây tranh cãi, nhưng tôi chỉ muốn là chính mình. Thành thật mà nói, tôi không quan tâm tới chuyện người khác nghĩ gì mà chỉ làm những điều mình cho là đúng. Cời mở với người khác và cố gắng sống bao dung là phương châm sống của tôi”.
Đó không phải là lần đầu Beckham vượt qua những tranh cãi. Ở tuổi 23, Beckham từng bị coi là tội đồ của cả nước Anh khi nhận thẻ đỏ trong trận gặp Argentina ở World Cup 1998 vì pha giẫm lên người Diego Simeone. ĐT Anh sau đó đã thất bại trên chấm phạt đền. Ở trong nước, một tờ báo khổ nhỏ đăng ảnh mặt Beckham làm nền cho một tấm bảng phóng phi tiêu, trong khi những tờ khác nghi ngờ lòng yêu nước của anh. Hình nộm Beckham bị đốt và thậm chí có cả những viên đạn được gửi tới nhà anh qua bưu điện".
Beckham từng phải nhận thẻ đỏ trong trận đấu giữa Anh và Argentina
“Tôi biết mình đã phạm sai lầm và đáng bị đuổi khỏi sân, nhưng tôi không chuẩn bị cho những gì xảy ra sau đó”, Beckham nói. “Không chỉ có báo chí, mà cả những người bình thường cũng phản ứng tiêu cực với tôi. Bầu không khí thù địch xuất hiện bất cứ khi nào tôi vào một nhà hàng hay quán bar. Khi một người đột nhập vào sau vườn nhà tôi vào giữa đêm để đe dọa, thì đó đúng là giọt nước đã tràn ly. Có cả những lời dọa giết nữa. Thật khó giải thích khi bạn ở trung tâm của tất cả những chuyện đó. Tôi đã làm hết sức mình để được khoác áo đội tuyển Anh. Chơi bóng cho ĐTQG là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất đời tôi. Nhưng bỗng nhiên, tôi trở thành kẻ bị căm ghét nhất cả nước. Tôi nhớ trong trận sân khách đầu tiên của tôi sau World Cup ở West Ham, hai hàng cảnh sát đã phải đi hai bên bảo vệ tôi”.
Tính cách của Beckham được thể hiện qua chính những thời điểm đó. Mùa giải 1998/1999 là mùa thành công nhất trong sự nghiệp của anh. Manchester United giành cú ăn 3 huyền thoại và Beckham về nhì trong cuôc bỏ phiếu bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA. “Sir Alex thật tuyệt vời. Ông ấy đã ủng hộ và tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Các CĐV Man United cũng rất tuyệt vời”, Becks nhớ lại. “Tôi vui vì đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, nó giúp tôi mạnh mẽ hơn. Khi bị chỉ trích, bạn không được phép bỏ cuộc mà phải làm việc chăm chỉ hơn và tự tin vào chính mình”.
Beckham (phải) và Ferguson
Đó không phải lần duy nhất Beckham đứng trước một thử thách lớn. Ở Real Madrid, anh từng bị HLV Fabio Capello đày ải trên băng ghế dự bị. Cũng thời gian này, Becks thất sủng ở tuyển Anh. Trước thực trạng ấy, cựu tiền vệ PSG tới sân tập sớm hơn, về muộn hơn và tìm lại vị trí của mình ở cả 2 đội. Ngay cả Capello, một chiến lược gia nổi tiếng khó tính, cũng thấy ấn tượng trước thái độ chuyên nghiệp của anh.
Còn ngày nay, câu hỏi lớn với Beckham la anh sẽ bước tiếp ra sao. Anh có nhiều dự án tham vọng, một trong số đó là trở thành ông chủ một đội bóng ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS, với Miami có thể là một lựa chọn. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Beckham cần xây một SVĐ, mua các cầu thủ và quản lý cả đội bóng. Dự án đó sẽ lại khiến Beckham phải xa nhà, nhưng lần này không nhiều như khi anh chơi bóng ở Milan.