“Chỉ có áp lực chính trị mới ngăn Messi đoạt QBV” - ông chủ tịch của Barca đã biến Lễ trao giải Chiếc giày Vàng châu Âu (cho Messi) tại Barcelona vào tối qua thành diễn đàn để phát động lại cuộc khẩu chiến “Bóng vàng cho ai?”.
Không biết khi ông Sandro Rosell nói đến “áp lực chính trị” thì đó là loại áp lực nào. Đó có thể là áp lực từ UEFA với một ông chủ tịch người Pháp muốn chứng kiến Franck Ribery đăng quang chăng? Nhưng Platini xưa nay vẫn công khai ủng hộ Real và Barca kia mà? Hay là áp lực ngoại giao bí mật nào đó từ chính phủ Tây Ban Nha ngăn không cho xứ Catalonia có thể nhận thêm một danh hiệu nữa? Vào năm sau, xứ Catalonia sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ly khai ra khỏi chính quyền Tây Ban Nha - liệu điều đó có thể gây ra loại áp lực chính trị nào không? Nghe có vẻ là một giả thiết hơi xa xôi.
Nhưng tuyên bố của ông Rosell thêm một lần nữa nói lên thực tế rằng QBV FIFA là một giải thưởng bị kỳ thị, ít nhất là về tính công bằng của nó. Ronaldo cũng đang có ý định không tới gala trao giải vì cho rằng chủ tịch FIFA Sepp Blatter có thiên kiến với anh. Bây giờ lại tới phía Barca mát mẻ về “áp lực chính trị”. Thế là thế nào? Ronaldo cho rằng mình bị “xử ép”. Phía Messi, đã 4 lần liên tiếp được vinh danh, cũng cho rằng có gì đó khuất tất ở đây. Đáng lẽ sự hoài nghi của người này phải là lợi thế của kẻ kia chứ?
Sandro Rosell cho rằng chỉ có sức ép chính trị mới khiến Messi
để tuột mất danh hiệu QBV
Hiếm có giải thưởng nào ở tầm vóc của QBV FIFA gây ra nhiều tranh cãi như chính nó. Và vấn đề có lẽ nằm ở phương thức bỏ phiếu.
Các giải thưởng ở tầm vóc “số 1 thế giới” như vậy thường được chọn ra bởi một hội đồng chuyên môn. Giải Oscar được bỏ phiếu bởi các thành viên của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ. Giải Nobel được chọn bởi Ủy ban Nobel thuộc Viện khoa học Thụy Điển và Na Uy. Giải Pulitzer được chọn bởi Hội đồng giám khảo gồm 102 thành viên do Đại học Columbia chọn ra. Giải Cành cọ Vàng cũng được chọn bởi Hội đồng giám khảo thay đổi từng năm.
Điểm khác biệt lớn nhất của các giải thưởng này với Quả bóng Vàng, là ở trường hợp của Nobel, Pulitzer hay Oscar, những người chấm giải là các nhà chuyên môn, tập trung nghiên cứu nghiêm túc các đề cử trong một thời gian nhiều tháng liền. Ít nhất, các công trình được đề cử được gửi tận tay giám khảo để họ xem xét, còn họ có xem hay không thì cũng tùy tâm (thỉnh thoảng bạn sẽ gặp một bản phim lậu nét căng xuất hiện trên thị trường vốn là để chấm giải Oscar). Còn QBV, thì “Hội đồng giám khảo” không thể có điều kiện nghiên cứu toàn bộ các đề cử.
Các đội trưởng và HLV ĐTQG trên khắp thế giới, những ngày cuối tuần đều bị “cấm trại” và ở nhiều nơi không thể thức đêm, làm sao xem được hết các trận đấu của Messi, Ronaldo, Ribery? Công việc của họ không phải là xem bóng đá. Họ sẽ điền theo cảm tính.
Ở đây, một đề cử không được nghiên cứu kỹ như một bộ phim tranh giải Oscar hoặc một bài báo tranh giải Pulitzer, dù về nguyên tắc nó phải được xem xét như thế.
Chính ra, cho các nhà báo châu Âu, những người được trả lương để xem bóng đá quanh năm, như tạp chí France Football làm trước năm 2009 khi sáp nhập giải vào FIFA, lại là khoa học nhất.
Bởi vì đối tượng bỏ phiếu như thế, nên những tranh cãi sẽ còn bất tận. Và ai cũng có quyền nghi ngờ về những âm mưu. Dù cho có thể mọi thứ chỉ đơn giản là sự bất cập của cơ chế, chứ chẳng phải âm mưu gì.