Manchester City là một ví dụ điển hình. Hãy cho dừng bàn thắng của Roma vào lưới Man City khi bóng tới chân Radja Nainggolan, bạn sẽ thấy rất rõ vấn đề của Man City. Họ sử dụng một hàng thủ 4 người đứng vị trí kinh điển: 2 hậu vệ cánh hơi dâng cao so với 2 trung vệ, nhưng ở vị trí mà một trung vệ lẽ ra phải đứng, đã có một khoảng trống lớn và Francesco Totti đang bắt đầu tăng tốc. Vincent Kompany đứng cao hơn Martin Demichelis có lẽ phải đến 10 mét, khi anh tìm cách áp sát Nainggolan.
Thật dễ chỉ trích Kompany trong một tình huống như thế, khi anh dâng lên tranh cướp mà không hề có cơ hội lấy được bóng, nhưng trong ví dụ này, cách Kompany di chuyển là có thể hiểu được. Chỉ bởi Nainggolan đã chuyền bóng ngay lập tức, chứ nếu anh chỉ cần chần chừ một chút, Kompany đã kịp áp sát và có thể buộc tiền vệ này phải nhả bóng lại phía sau.
Câu hỏi chính xác hơn cần đặt ra ở đây là tại sao Kompany lại bị kéo lên cao như thế, trong khi Nainggolan hoàn toàn thoải mái ở khu vực mà HLV huyền thoại Ottmar Hitzfeld gọi là “vùng đỏ”, khu vực bên ngoài vòng cấm địa 10-30 mét, nơi khởi phát của rất nhiều bàn thắng. Và để trả lời câu hỏi đó, bạn cần phải tìm xem 2 tiền vệ trung tâm của Man City đang ở đâu. Hóa ra, Fernandinho và Yaya Toure đều đang đứng cao hơn Nainggolan ít nhất 10 mét.
Totti trừng phạt sai lầm của hàng phòng ngự Man City
Phản công là đáng sợ, nhưng các đội lớn đều đã chống phản công tốt hơn...
Các pha phản công tốc độ cao luôn đáng sợ, điều đó chẳng có gì mới. Báo cáo kỹ thuật của UEFA mùa trước ghi nhận 61 bàn thắng ở Champions League được ghi từ những pha phản công, tức 23% tổng số bàn từ các tình huống mở. “13 trong số những bàn thắng của Real Madrid (đội vô địch), chiếm gần 1/3, là từ các pha phản công”, báo cáo viết. “Công thức quen thuộc nhất là giành bóng ở hàng tiền vệ, thường chỉ cao hơn vạch vôi giữa sân một chút, rồi tung ra những đường chuyền dài cho các cầu thủ sở hữu tốc độ “công thức 1” là Cristiano Ronaldo và Gareth Bale. 7 bàn thắng phản công của Real là một công thức đơn giản: giành lại bóng + 1 đường chuyền + 1 pha solo”.
Hãy nhớ lại cách họ đè bẹp Bayern Munich ở bán kết, hay bàn thắng của Bale trong trận chung kết, và ai cũng có thể thấy những pha phản công quan trọng ra sao với chức vô địch của Real. “Các pha phản công ngày nay được tổ chức và tính toán tốt hơn nhiều”, HLV Carlo Ancelotti của Real nói. “Không chỉ là chuyền bóng thật nhanh lên trên, mọi bước đi đều được lên kế hoạch để tạo ra nhiều bàn thắng nhất”.
Nhưng báo cáo kỹ thuật của UEFA cho thấy số bàn thắng ghi trong các pha phản công đã giảm từ 79 ở mùa trước nữa (chiếm 27% các bàn từ tình huống mở), xuống còn 61 ở mùa vừa rồi. Một báo cáo khác của Andy Roxburgh, khi đó là giám đốc kỹ thuật của UEFA, cho thấy mùa 2005/06, tới 40% những bàn thắng trong các tình huống mở là phản công. Tức là, phản công đang trở thành một công cụ ghi bàn kém hiệu quả hơn.
Tốc độ khủng khiếp của Ronaldo là vũ khí sắc lẹm giúp Real Madrid thực hiện các pha phản công nguy hiểm
Giả thuyết này nhận được thêm sự ủng hộ từ các thống kê của Opta 5 mùa vừa qua. Dù định nghĩa phản công có thể khác (của Opta là “một tình huống tấn công tốc độ bắt đầu ở phần sân nhà và phải xảy ra khi hàng thủ đối phương không ở trong vị trí phòng ngự tiêu chuẩn”), nhưng con số nhìn chung là giảm. Từ 8,5% tổng cộng mùa 2010/11 xuống 7,85% mùa 2011/12, 7,3% mùa 2012/13 và chỉ 6,4% mùa trước.
Khi Jose Mourinho mới tới Chelsea năm 2004, ông nói ông sẽ tập trung vào 4 khía cạnh: tấn công, phòng ngự, chuyển đổi từ phòng ngự sang tấn công, và ngược lại. Khía cạnh cuối cùng thường bị quên mất, một phần vì khó xác định chuyển từ tấn công sang phòng ngự là thế nào, nhưng đó có thể đang là vấn đề sống còn với các đội bóng lớn ở mùa giải này.
Jose Mourinho cũng có lúc quên cách chống phản công
Albert Capellas, hiện là trợ lý HLV ở CLB Brondby của Đan Mạch, nhưng từng là thành viên BHL của Pep Guardiola, giải thích cách mà Barcelona phản ứng khi họ mất bóng, có thể là một ví dụ tốt về việc chuyển từ tấn công sang phòng ngự. Lý tưởng nhất, cầu thủ để mất bóng sẽ là người đầu tiên tìm cách giành lại, với sự hỗ trợ của 2-3 đồng đội cách đó vài mét. “Rất ít đội rèn giũa những kỹ năng cần thiết để thoát ra khỏi áp lực của một cuộc phản công”, Rene Meulensteen, cựu thành viên BHL Man United, nói sau khi Barca đánh bại Man United ở trận chung kết Champions League 2011. “Guardiola là người thấy rõ điều đó. Nhưng Barca cũng là tập hợp của rất nhiều cầu thủ giỏi và bạn cần những cầu thủ với tố chất chiến thuật đặc biệt để chuyển nhanh từ tấn công sang phòng ngự, cả thể lực nữa”.
Còn đáng chú ý hơn là những gì diễn ra sau khi bạn để mất bóng mà không giành lại được lập tức. Sau 5 giây, theo Capellas, Barca phải đảm bảo họ thiết lập được một cự ly đội hình chắc chắn, với tiêu chuẩn là chỉ dẫn của Arrigo Sacchi ở AC Milan vào cuối những năm 1980: khoảng cách từ vị trí cao nhất và thấp nhất trong đội hình (không kể thủ môn) là không quá 5 mét, khiến đối thủ mất cơ hội chuyền bóng.
Ronaldo khi ấy đã "tắt điện" vì Barca cắt cử ngưởi theo kèm luân phiên hợp lý
Cách của Barcelona không phải là duy nhất và một số HLV, như John Collins - cựu HLV Hibernian cho rằng giữa một trận đấu với tốc độ chóng mặt, các cầu thủ khó lòng canh chỉnh 5 giây và 5 mét. Vì thế, đơn giản là luôn đảm bảo có một tiền vệ trung tâm không bao giờ dâng cao, chơi như một máy quét phía trước 2 trung vệ. Khi một đội chơi với 3 tiền vệ trung tâm, điều đó là đương nhiên. Có lẽ Man City đã không thủng lưới nếu họ có thể cho ra sân cả Fernandinho, Toure và Fernando. Nhưng do họ chỉ có 2 tiền vệ trung tâm, và khi cả hai mê mải dâng cao, đã không có ai chặn Nainggolan lại.
... trừ Man City
Các thống kê của Opta càng chỉ rõ vấn đề của Man City. Mùa trước, 6% tất cả các bàn thắng ở Champions League và 5% ở Premier League là từ phản công (theo định nghĩa của họ), thì 14% các bàn mà Man City bị thủng lưới ở 2 giải này là từ phản công. Mùa này, 2 trong 7 bàn thua của Man City ở Premier League là từ các pha phản công.
Đó cũng rất có thể là lý do họ cứ bị chê bai là ngây thơ non nớt ở Champions League.