Thời oanh liệt nay còn đâu
Đã có lúc, Premier League tạo dựng được vị thế đáng nể trong làng bóng đá châu Âu. Còn nhớ ở mùa giải 2007/08, trận chung kết Champions League chỉ là cuộc chiến nội bộ của người Anh giữa Chelsea và Manchester United. Kết quả là đội bóng của HLV Alex Ferguson bước lên đỉnh châu Âu sau khi đánh bại The Blues qua những loạt đá luân lưu 11m.
Mùa giải sau, M.U lại lọt vào đến trận đấu cuối cùng, trong khi Chelsea suýt nữa cũng làm được điều tương tự nếu tiền vệ Andres Iniesta không ghi được bàn thắng vào phút cuối ở Stamford Bridge. Nhờ bàn gỡ quý như vàng ấy, Barca mới lách được qua khe cửa hẹp nhờ luật bàn thắng trên sân khách (họ hòa Chelsea 0-0 trên sân nhà ở lượt đi và hòa 1-1 ở lượt về vòng bán kết).
Kể từ năm 2010 tới nay, trừ Chelsea ra các đội bóng Anh không còn giữ được cái uy ở đấu trường châu lục. Đây là đội bóng đã 2 lần lọt vào tới vòng bán kết Champions League, trong đó có một lần đăng quang ở mùa giải 2011/12. Ở mùa giải 2012/13, Chelsea phải xuống chơi ở Europa League nhưng họ chính là đội đã vô địch giải đấu này. Ngoài Chelsea, chỉ còn một đội bóng Anh khác là M.U được góp mặt ở vòng bán kết ở Champions League trong khoảng thời gian nói trên (2010/11).
Vì đâu nên nỗi
So với La Liga hay Bundesliga, có thể dễ dàng nhận thấy Premier League là giải đấu có tính cạnh tranh cao hơn rất nhiều. Nếu như ở La Liga, Barcelona và Real Madrid quá mạnh so với phần còn lại, thì vài mùa giải gần đây Bayern Munich cũng không có đối thủ ở Bundesliga. Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa các đội lớn tới mức Barca, Real và Bayern (đây là 3 đội bóng được đánh giá cao nhất ở châu Âu trong vài năm qua) không cần phải bung hết sức ở giải trong nước.
Chelsea vô địch Champions League 2011/12
Ngược lại, do tính cạnh tranh ở Premier League cực kỳ khốc liệt, những Arsenal, Chelsea, M.U hay Man City luôn phải chiến đấu hết mình nếu không muốn bị tụt lại. Nên biết, khi Liverpool vô địch Champions League mùa giải 2004/05, họ chỉ về đích ở vị trí thứ 5 trên BXH Premier League. Về phần mình, Chelsea đã vô địch Champions League mùa 2011/12 trong bối cảnh họ chỉ kết thúc mùa giải với vị trí thứ 6 trên BXH Premier League.
Chi tiết trên cho thấy, thông thường chỉ khi khi đấu bết bát và sớm bị loại khỏi cuộc đua tới ngôi vô địch ở Premier League thì các đội bóng Anh mới có cơ hội bung sức và tiến xa ở đấu trường châu Âu. Thực tế thì ở mùa giải Chelsea vô địch Champions League 2011/12, rất ít người dám tin họ có thể làm nên chuyện trước Bayern, đặc biệt là khi ở trận chung kết họ chỉ tung ra sân đội hình với những cầu thủ làng nhàng cỡ Jose Bosingwa, Ryan Bertrand hay John Obi Mikel. Đó là còn chưa kể tới chuyện hai hậu vệ David Luiz và Gary Cahill của The Blues bị chấn thương.
Trong khi đó, việc Liverpool đánh bại Milan để vô địch Champions League mùa 2005 sau khi để thua trước 3 bàn xứng đáng được xem là một trong những cuộc lội ngược dòng ngoạn mục nhất.
Nhìn chung, để bảo vệ danh tiếng cũng như giành giật những khoản tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình, các đội bóng Anh luôn phải chạy theo xu hướng chung là tập trung tối đa cho giải trong nước. Khi Arsenal đá với Reading cũng nghiêm túc như lúc như lúc họ chơi với Bayern, tất nhiên Pháo thủ sẽ dần bị kiệt sức vì phải gồng mình lên quá nhiều. Đây chỉ là ví dụ tiêu biểu cho thực trạng bóng đá ở Anh hiện nay. Ở đó, các đội bóng ganh đua nhau từng điểm ở giải Ngoại hạng nên chuyện họ bị hụt hơi ở đấu trường châu lục cũng là lẽ thường tình.