Trận lượt về vòng 16 đội Champions League mùa trước, Lionel Messi lập cú đúp trong chiến thắng 4-0 đậm đà của Barca trước Milan, giúp đội nhà lọt vào tứ kết sau khi đã để thua 0-2 ở lượt đi. Đấy là lần đầu tiên ở những cuộc đối đầu với Milan, Messi ghi được bàn từ tình huống bóng sống.
Trước đó 1 mùa, Messi đã thi đấu trọn vẹn 360 phút trong 4 trận đối đầu với Milan, 2 ở vòng bảng và 2 ở vòng 16 đội. Kết quả là anh chỉ có thể tìm thấy mành lưới từ những tình huống sút phạt đền. Còn lại anh gần như không thể hiện được gì nhiều. Vì sao vậy? Vì kèm anh là Alessandro Nesta.
Messi là một cầu thủ hiền lành. Dù có bị đạp, bị chơi xấu thì anh vẫn đứng dậy chứ ít khi tỏ thái độ điên tiết. Một trong những lần hiếm hoi Messi nổi điên đến từ trận Barca - Milan (2-2, hôm 13/9/2011). Khi ấy Messi lao vào khu cấm và chuẩn bị thực hiện một cú sút thì bất thình lình Nesta xuất hiện rồi thực hiện một cú xoạc bóng. Mũi giày Nesta chạm nhẹ và bóng đổi hướng. Messi lấy tay đập thình thịch vào mặt sân vì giận bản thân mình đã bỏ qua một cơ hội tốt đến dường ấy.
Messi đâu có biết đấy chỉ là lần đầu tiên anh được nếm mùi Nesta. Trận lượt về vòng bảng vào tháng 11 năm ấy và 2 trận lượt đi và về của vòng 16 đội đầu năm 2012, Messi tiếp tục là bại tướng của trung vệ người Italia ở những pha đối mặt.
Trong sự nghiệp của mình, có lẽ Messi chưa bao giờ gặp phải một địch thủ đáng sợ dường ấy. Nesta khi ấy đã hơn 35 tuổi, toàn phải rời sân giữa chừng vì cái lưng quá tải bởi chấn thương. Messi thì đang ở đỉnh cao phong độ. Nhưng bất luận cầu thủ Argentina dùng động tác giả hay cố tăng tốc, anh cũng đều bị Nesta phá bóng ngay trong chân.
Có một tình huống mà sau này đã trở thành kinh điển, trong trận hòa 0-0 giữa hai đội vào ngày 28/3. Nesta lỡ bộ và để Messi vượt qua. Thế là anh dùng chân phải... khoèo vào người Messi. Vừa đủ để ngăn Messi lại, vừa đủ để ngăn cản một tình huống nguy hiểm và vừa đủ để chỉ phải nhận một thẻ vàng. Nó nói lên được giá trị của Nesta : ngay cả khi đã bị vượt qua, anh vẫn có thể phạm lỗi với đối thủ một cách chừng mực, đủ để không bị đuổi và đủ để đối phương không bị chấn thương.
Ở một vị trí thi đấu luôn bị động, Nesta tạo cho người ta cảm giác là anh luôn chủ động. Chỉ xoạc khi không còn cách nào khác để giải vây, còn không Nesta sẽ lao ra cắt bóng ngay khi nó kịp đến chân đối phương. Nhìn thấy trước những tình huống nguy hiểm mới là một hậu vệ giỏi, đợi bóng nguy hiểm mới xoạc thì lại quá xoàng. Cả sự nghiệp, số lần Nesta cắt bóng phải gấp trăm, gấp nghìn lần những lần xoạc bóng.
Bây giờ, biết lấy ai để ngăn cản Messi khi anh lao vào vòng cấm của Milan đây? Việc Messi sẽ xung trận trong bối cảnh Nesta vừa giải nghệ càng làm cho người ta chạnh lòng nhận ra: bóng đá Italia và thế giới đang dần “tuyệt chủng” những hậu vệ giỏi, những con người không cần phải đạp đối phương để lấy bóng như Baresi, Maldini và tất nhiên là Nesta.