Nhưng bây giờ trong lòng của ông già Wenger chỉ còn một thứ tôn giáo, là bóng đá. “Tôn giáo đã từng rất quan trọng với tôi. Nhưng bây giờ thì ít hơn, vì tôi đang phải sống trong một áp lực khiến bản thân chỉ có thể nghĩ đến các trận đấu. Làm thế nào để thắng trận tiếp theo?”.
Ông vẫn biết rằng đức tin là quan trọng. Nhưng ông tin rằng trong bóng đá, mình cũng có thể tìm được những đức tin tốt đẹp tương đương với những điều có thể tìm thấy trong tôn giáo.
Đó là một người đàn ông gần như không có thú vui nào trong cuộc sống ngoài công việc. Đó là HLV nhận lương cao nhất Premier League, nhưng bạn có thể dễ dàng tìm thấy ảnh vệ tinh chụp căn nhà của ông trên mạng với các từ khóa “Arsene Wenger”, “house” và “Totteridge, London”. Một căn nhà hai tầng, 3-4 phòng ngủ, với một khoảnh sân khiêm tốn phía sau, không ở mức đáng gọi là biệt thự và có thể so sánh là bằng một nửa nhà của Harry Redknapp. Wenger cũng không chơi ngựa như Sir Alex, không đi siêu xe như các học trò và bà vợ Annie đã lớn tuổi, cũng không tiêu tiền như... WAG.
Wenger chỉ có một thú vui là dành thời gian để xem băng các trận đấu, để tư duy về các chiến thuật. Đó thực sự là tôn giáo của ông.
2. Nhưng cho dù ông có dành bao nhiêu thời gian để nghiên cứu các chiến thuật thì ông cũng không điều khiển được vận mệnh của Arsenal.
Bởi vì vận mệnh ấy không phụ thuộc vào các chiến thuật. Nó phụ thuộc vào cả các quy luật kinh tế. Nó phụ thuộc vào tầm nhìn của các ông chủ của Arsenal, phụ thuộc vào cả sự điên rồ của các ông chủ Ả-rập và Nga của những CLB khác. “Không còn cái gọi là thị trường chuyển nhượng theo đúng nghĩa nữa” – ông già ôm đầu than thở. Bây giờ giá cầu thủ được đẩy lên cao tùy hứng các ông chủ. Người ta có thể chi ra 60 triệu bảng để mua Falcao cho dù họ chỉ có một SVĐ 17.000 chỗ ngồi và vài nghìn khán giả/trận.
Nhưng có vẻ như Wenger vẫn muốn tin vào thứ bóng đá nguyên thủy mà ông đã chọn để thay cho Chúa trời. “Chúng tôi vẫn muốn trả giá đúng cho các cầu thủ”. Nói chung ông vẫn cứ sống như một người ngây thơ trong cuộc chơi của những kẻ liều mạng.
3. Arsene Wenger đã đón ngày sinh nhật lần thứ 64 bằng một trận thua. Món quà sinh nhật mà Dortmund mang lại là một thực tế phũ phàng rằng một mình Mesut Oezil, hay chính xác hơn là quyết định chi nặng tay để mua Oezil vẫn chưa thể biến Arsenal trở thành một đội bóng có khả năng thắng những trận đấu mà họ phải thắng.
Thua một trận đấu không phải là thảm họa. Nhưng thua khi đang lấn lướt thì là một thói quen đã khiến người ta chán ngấy ở Arsenal.
Một ngày sinh nhật buồn. Bởi vì người đàn ông ấy, đã trung thành với cách sống mô phạm của ông, đã trung thành với những niềm tin về một thứ bóng đá không “điên loạn” mà PSG hay Man City tạo ra, đã coi bóng đá như Chúa của mình, thế mà đến cuối ngày, người ta cũng chỉ biết kết luận: Arsenal cần chi thêm tiền.
Chẳng có chuyện đúng-sai ở đây, chỉ có điều thời đại này chưa ủng hộ lắm niềm tin của Wenger.