KINH TẾ QUYẾT ĐỊNH THÀNH TÍCH
Buổi sáng sau ngày Real Madrid đăng quang Champions League 2001/02, đội bóng Hoàng gia TBN tổ chức buổi tiệc ăn mừng xa hoa tại khách sạn Hilton Glasgow. Cả khán phòng hàng trăm người “im như thóc” trước phát biểu huênh hoang của chủ tịch Florentino Perez: “Chúng tôi đã giành được Cúp Champions League lần thứ 9, và sắp tới sẽ là lần thứ 10, thứ 11 và thứ 12...”
Thực tế, Real Madrid phải mất 12 năm sau để tái xuất trong trận chung kết Champions League cho dẫu Perez đã chi 1,2 tỷ euro mua cầu thủ trong chừng đó năm. Nhưng tuyên bố của Perez năm xưa giờ đây cần được nhắc lại ở một tầng nghĩa khác. Tiếng nói thuộc về những kẻ có tiền. Điều đó được chứng minh tại sân chơi hàng đầu Champions League, khi thành công chỉ tìm đến với các đội bóng giàu có.
Vì thế trước tiên, hãy xếp hạng bóng đá châu Âu theo khả năng kiếm tiền. Theo thống kê mới công bố của hãng kiểm toán Deloitte, 10 đội bóng có tổng doanh thu cao nhất châu Âu trong 11 năm qua (tính từ mùa giải 2002/03 tới 2012/13) gồm có Real Madrid, Man Utd, Barcelona, Bayern Munich, Chelsea, Arsenal, Milan, Juventus, Liverpool, Inter. Hệ quả, cả 10 CLB này đều xuất hiện trong các trận chung kết Champions League kể từ mùa 2002/03 và sở hữu 10/11 chức vô địch gần đây. Rõ ràng, bạn càng kiếm nhiều tiền thì càng có hy vọng tiến xa tại Champions League.
Những kẻ nghèo thì sao? Tính từ năm 2003, Atletico Madrid mới là đội bóng thứ ba sau Monaco và Porto lọt vào trận chung kết Champions League mà không thuộc Top 10 CLB đạt doanh thu cao nhất. Porto đã lên ngôi mùa 2003/04 nhưng là trong một trận chung kết trước đối thủ yếu hơn và… nghèo hơn (Monaco). Còn bây giờ, đội bóng của Simeone phải đối mặt với CLB giàu nhất thế giới Real Madrid (theo thống kê của Deloitte). Doanh thu của Real trong 11 năm qua lên tới 5,7 tỷ euro, dẫn đầu thế giới bóng đá và gấp 6,4 lần so với Atletico, đội chỉ xếp thứ 20 trong thống kê của Deloitte với 880 triệu euro.
CỔ TÍCH LẠC LÕNG ATLETICO
Tất nhiên, trái bóng tròn không hoàn toàn lăn theo quy luật của đồng tiền. Sau khi loại Barcelona tại bán kết Champions League mùa này, HLV Diego Simeone đã lên giọng giễu cợt đối thủ: “Atletico đã chiến thắng xứng đáng. Tôi không thấy có sự khác biệt nào giữa đội bóng của tôi và đội bóng có giá trị 400 triệu euro (ám chỉ Barca).
Đội bóng chìm trong nợ nần của Diego Simeone đã viết lên một câu chuyện cổ tích trong thời đại bóng đá kim tiền. Và những CĐV trung lập hẳn hy vọng một cái kết có hậu cho Atletico Madrid trong cuộc chiến cuối cùng ở Lisbon. Song trong thời buổi “sức mạnh kinh tế chuyển hóa thành sức mạnh sân cỏ” như lời Giáo sư Gay Liebana của trường đại học Barcelona (chuyên gia nghiên cứu tài chính bóng đá), phép lạ không dễ xảy ra với các học trò của Simeone.
Bởi lẽ, sự phân hóa giàu nghèo trong bóng đá châu Âu ngày một rõ nét. Trong trận chung kết Champions League năm 2000 giữa Real Madrid và Valencia, doanh thu của Real khi đó (169 triệu euro) chỉ hơn gấp đôi một chút so với Valencia (69 triệu euro), đối thủ mà họ thắng giòn giã 3-0. Bây giờ sau 14 năm, Real Madrid có doanh thu gấp 4,3 lần so với Atletico Madrid (519 triệu euro so với 120 triệu euro tại mùa 2012/13). Cứ nhìn vào hố sâu kinh tế khủng khiếp giữa Real và Atletico thì không ít người lo ngại cho thầy trò Simeone về một kết tục tương tự Valencia trước kia.
Trong 10 đội giàu nhất châu Âu hiện tại theo công bố của Deloitte (Barca, Real, M.U, Chelsea, Bayern, Man City, PSG, Chelsea, Arsenal, Juve, Milan), có tới 8 đội góp mặt tại vòng 1/8 Champions League mùa này. Vòng tứ kết có tới 6 gã nhà giàu và bán kết còn lại 3. Càng vào sâu trong giải thì kẻ giàu càng lấn át người nghèo và cuối cùng chỉ còn lại Atletico Madrid “một mình chống lại mafia”. Nhưng cho dù lạc lõng giữa những đối thủ hùng mạnh, thầy trò Simeone vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số những người yêu bóng đá. Bởi nếu Champions League chỉ là cuộc vua của những gã nhà giàu thì chính giải đấu này cũng đang mất giá.
4. Theo nghiên cứu của giáo sư Gay Liebana, Atletico Madrid cứ chi 1 euro thì nửa kia thành Madrid lại chi 4,1 euro. Quỹ lương của Real Madrid (246 triệu euro) cũng cao gấp 4 lần Atletico (64 triệu ).
Chênh lệch giàu nghèo giữa các giải
Sự chênh lệch giàu nghèo giữa các giải đấu đang lên đến cực độ, không chỉ thể hiện qua các con số trên TTCN, ngân sách, doanh thu, mà ở cả tiền bản quyền truyền hình (BQTH). Kể từ mùa 2013/14, khi gói hợp đồng BQTH mới (thời hạn 3 năm) chính thức có hiệu lực, các CLB ở Premier League đút túi 1,8 tỷ bảng/mùa. Thế mới có chuyện, Cardiff (đội đứng bét bảng Premier League) có tiền BQTH ngang đội vô địch La Liga là Atletico (27,23 triệu bảng).
Real - Đại gia số 1 châu Âu!
Từ năm 2002 tới 2014, Real vẫn là đại gia số 1 châu Âu trong việc chi tiền cho chuyển nhượng. 12 năm qua, đội này đã tiêu hết gần 1,2 tỷ euro cho mua sắm cầu thủ. Kém hơn họ một chút là Chelsea khi The Bleus cũng “ngốn” 1,18 tỷ euro để tăng cường lực lượng.
Mô hình kinh tế “Lion King” của chủ tịch Perez
Khi trở thành chủ tịch Real vào năm 2000, Florentino Perez đã bắt tay vào dự án biến CLB thành một doanh nghiệp mạnh. Bắt chước mô hình Lion King mà hãng Disney dùng để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ăn theo bộ phim kinh điển cùng tên, Perez đã giúp Real soán ngôi số 1 của Man United trong lĩnh vực này vào năm 2013 khi họ kiếm được 5,703 tỷ euro (M.U là 3,475 tỷ). Tuy nhiên, bóng đá không chỉ là doanh thu, Real phải mất 12 năm mới lại có mặt trong trận chung kết Champions League.