Xin thưa ngay, điểm chung đó là cả Brendan Rodgers, Roy Hodgson lẫn Van Gaal đều sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-4-2 kim cương, hay cụ thể hơn là 4-1-2-1-2. Và điểm chung thứ 2: họ đều thể hiện một lối chơi khoáng đạt, tạo ra nhiều cơ hội và cũng vô cùng hiệu quả.
Có thể nói, chiến thuật bóng đá cũng giống như thời trang, cái mới chỉ là sự lặp lại của những giá trị xưa cũ đã bị quên lãng mà thôi. 4-4-2 “làm mưa làm gió” một thời tại châu Âu đã dần bị thay thế bởi 4-3-3, 4-2-3-1, nhưng tất cả vẫn chỉ là biến thể của những chiến thuật 2-3-5, WM hay 4-2-4 từng rộ lên ở buổi sơ khai của bóng đá mà thôi.
Những năm gần đây, các đội bóng Serie A lần lượt “đào mộ” sơ đồ 3 hậu vệ (đi đầu là Juventus), trước khi hệ thống ấy thăng hoa tại VCK World Cup 2014 vừa qua cùng hàng loạt ĐTQG như Chile, Hà Lan hay Mexico.
Và nhiều ý kiến cho rằng 4-4-2 đã “chết” cùng với lối đá “kick and rush” đơn điệu của người Anh. Nhưng như mọi chiến thuật bóng đá khác, 4-4-2 không chết. Mùa giải năm ngoái, Liverpool đã chứng minh chiến thuật ấy vẫn còn hữu dụng, hơn nữa lại không hề nhàm chán một chút nào. Mấu chốt ở chỗ, hàng tiền vệ 4 người được bố trí theo hình kim cương thay vì dàn hàng ngang.
4-2-3-1 vẫn chưa "quá date"
Trước hết, vẫn phải khẳng định rằng cho tới thời điểm này, 4-2-3-1 vẫn là sơ đồ chiến thuật cân bằng nhất mà giới chuyên môn có thể nghĩ ra. Nó đảm bảo được số lượng cầu thủ ở giữa sân để kiểm soát thế trận, khai thác được khả năng của các cầu thủ chạy cánh nhưng vẫn rất an toàn nhờ luôn có 2 lớp phòng ngự, lại tận dụng được vai trò “số 10” để làm bóng và thậm chí trực tiếp ghi bàn. Chelsea là đại diện tiêu biểu của bóng đá hiện đại vẫn đang trung thành với 4-2-3-1.
Nhưng ấy là khi những cá nhân trong đội bóng xuất sắc một cách đồng đều. Chỉ cần một vài mắt xích không làm tốt nhiệm vụ trong khu vực mình phụ trách, 4-2-3-1 sẽ hoạt động thiếu hiệu quả. Hay giống như một quy luật, cái gì tồn tại quá lâu sẽ dần bộc lộ những hạn chế. Đó là lúc cần nghĩ tới một phương án chiến thuật mới, hay đúng hơn là lật lại lịch sử để tìm ra một sơ đồ đủ xưa cũ để chưa thể dễ dàng bị các chiến thuật hiện đại khắc chế.
4-1-2-1-2 (hay 4-4-2 kim cương) – Sự cân bằng hiện đại
4-4-2 kim cương là một biến thể của 4-4-2 cổ điển, nhưng nó đã khác đi hoàn toàn. Cũng đừng nghĩ sơ đồ này mới được phát minh ra, bởi thực chất nó đã tồn tại từ năm 1960, khi được Viktor Maslov áp dụng cực kì thành công vào Dynamo Kiev, hay gần hơn là AC Milan của Carlo Ancelotti. Như đã nói, nó đang giúp Liverpool, ĐT Anh và mới đây là M.U thành công là bởi người ta đã… quên mất phải đối phó với nó ra sao.
Điểm yếu duy nhất và cố hữu của 4-4-2 kim cương là dường như nó quá thiên về đánh trung lộ, trong khi 2 cánh lại quá mỏng với chỉ 1 lớp phòng ngự. Không phải ngẫu nhiên mà Schalke 04 dễ dàng vùi dập Inter Milan, khi ấy áp dụng sơ đồ 4-4-2 kim cương, tới 7-3 sau 2 lượt trận tại tứ kết Champions League 2011. Đại diện Serie A đã không cách nào chống chọi lại những pha dâng cao tấn công của cặp Atsuto Uchida và Hans Sarpei bên phía Schalke.
Thế nhưng, Liverpool và ĐT Anh đã giải quyết vấn đề kể trên rất tốt bằng cách sử dụng cặp tiền đạo biến hóa hơn. Theo đó, bộ đôi tiền đạo sẽ thường xuyên dạt cánh lấp vào các khoảng trống, giúp 4-4-2 kim cương trở nên cân bằng hơn, chưa kể một “số 10” năng động ở đỉnh kim cương (điển hình là Raheem Sterling) sẵn sàng hoán đổi vị trí với các tiền đạo.
Trong phòng ngự, tiền vệ trụ (thấp nhất trong hàng tiền vệ kim cương) không nhất thiết phải quá mạnh mẽ và giỏi tranh chấp, bởi có một phòng tuyến phía trên với 2 tiền vệ trung tâm và cả hậu vệ biên hỗ trợ. Nhiệm vụ của tiền vệ trụ lúc này chỉ đơn giản là thu hồi bóng và bọc lót nếu cần thiết, trước khi phát động phản công nhanh bằng những đường chuyền dài.
Kết luận
Không sơ đồ nào là hoàn hảo, và 4-4-2 kim cương của Rodgers hay Van Gaal cũng thế, cho dù họ đã cố gắng hoàn thiện nó trong khả năng có thể. Nhưng chí ít, nó đang làm nên những thành công bước đầu rất đáng chờ đợi, làm nên những màn trình diễn quyến rũ một cách cổ điển ngay trong bối cảnh là sự thực dụng đến tàn khốc của bóng đá châu Âu hiện đại.