Đội tuyển Bỉ vừa đánh bại Croatia 2-1 để giành vé dự vòng chung kết World Cup 2014. Người dân ở Brussels đổ ra đường ăn mừng đến tận gần sáng, bầu không khí rộn ràng tràn ngập khắp nhiều ngả đường nước Bỉ. Lá cờ vàng-đen-đỏ được phất lên bởi rất nhiều người và được treo trên nóc nhà, cửa sổ của rất nhiều căn nhà, chung cư tại Bỉ. Đã lâu lắm rồi bóng đá Bỉ mới có một ngày hạnh phúc như thế. Ngôi sao Moussa Dembele (đang khoác áo Tottenham) phát biểu: “Bóng đá là niềm đam mê lớn của Bỉ. Ở quốc gia của chúng tôi, niềm vui đôi khi khá đơn giản. Người ta vui vì hôm nay được ăn một cái bánh ngon, nhưng lại có những người chẳng vui mừng khi đội tuyển quốc gia thành công ở vòng loại World Cup”.
Sắc tộc là vấn đề phân hóa xã hội Bỉ. Bóng đá nói riêng và thể thao nói chung cũng không thể tách rời đặc thù đó. Jan Peumans, lãnh tụ một tổ chức chính trị tại vùng Flanders (phía Bắc của Bỉ, Flanders là vùng nói tiếng Hà Lan với dân số 6,5 triệu dân) nói ông không hề hưng phấn và vui mừng vì thành công của đội tuyển Bỉ sau chiến thắng trước Croatia.
Trên tờ P-Magazin, Peumans nói thẳng: “Tôi không thể quấn lá cờ Bỉ quanh nguời, chạy ra đường vui mừng như thể vừa bắt được vàng chỉ vì đội tuyển Bỉ giành vé dự vòng chung kết World Cup. Theo tôi biết thì đã lâu lắm rồi Red Devils (biệt danh nổi tiếng của ĐT Bỉ) không lọt được vào vòng chung kết các giải lớn, tất nhiên thành công tại vòng loại World Cup 2014 là sự kiện lớn. Nhưng đó không thể che mờ một thực tế là tôi không ủng hộ một nước Bỉ bị phân hóa như hiện nay”.
Axel Witsel giương cao cờ Bỉ sau thành tích vào VCK của đội nhà
Peumans ủng hộ Wallonia (vùng nói tiếng Pháp tại phía Nam nước Bỉ, có 4,5 triệu dân) ly khai khỏi Bỉ. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây, tỷ lệ ủng hộ ly khai đã giảm xuống chỉ còn 27,9%, song điều đó không có nghĩa là vấn đề sắc tộc tại Bỉ giảm xuống. Những nguời như Peumans và đảng phái chính trị của ông (New Flemish Alliance) đang cố gắng tạo ra một nước Bỉ mới mà trong đó có nhiều cầu thủ đang chơi cho đội tuyển Bỉ sẽ cảm thấy lạc lõng bên cạnh các đồng đội ở đội tuyển quốc gia chỉ vì khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Theo Peumans thì Flanders và Wallonia không thể cùng hòa hợp trên mảnh đất Bỉ, nhưng không phải ai cũng tin vào điều đó.
BÓNG ĐÁ HÀN GẮN XÃ HỘI
Nhà tâm lý học Olivier Luminet (đang là giáo sư của đại học Universite Catholique de Louvain) nói trên tờ Le Soir: “Thể thao có thể tạo nên những điều kỳ diệu, nhưng cũng còn tùy vào từng dân tộc, từng quốc gia, từng thuộc tính văn hóa. Ví dụ như khi tuyển Pháp vô địch World Cup 1998, uy tín của các nhân vật chính trị như Jacques Chirac hay Lionel Jospin được đẩy lên đến mức chóng măt, nhưng sau đó tất cả chìm xuống nhanh chóng. Những vấn đề của xã hội không hề đơn giản, đôi khi nó đòi hỏi sự đấu tranh và nỗ lực suốt nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ liền”.
Đội tuyển bóng đá Bỉ cũng hiểu rằng xung đột của xã hội có thể ảnh hưởng lớn đến cơ hội của Red Devils ở World Cup 2014. Ngôi sao Vincent Kompany (Man City) khẳng định “chúng tôi luôn hiểu rõ bóng đá không thể tách rời khỏi xã hội, nhưng các cầu thủ Bỉ luôn cố gắng gạt sang một bên những gì nằm ngoài bóng đá. Khi khoác lên mình chiếc áo của Red Devils, tất cả cùng cố gắng hòa hợp và làm tất cả những gì có thể để đội tuyển giành chiến thắng trong từng trận đấu”.
Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Ở Bỉ, xung đột xã hội ảnh hưởng tới thể thao từng bị phơi bày một cách trần trụi ở trường hợp của Eddy Merxc (xe đạp) hay Justin Henin và Kim Clijsters (tennis). Ở các đội tuyển bóng đá như Tây Ban Nha, Đức và Pháp, đây cũng từng là vấn đề gây nhức nhối. Khi thành công, mọi chuyện sẽ bị che giấu nhưng khi thất bại, lập tức mọi thứ bị bới tung. Ví dụ như tuyển Pháp dưới thời Zinedine Zidane được cho là tập thể đoàn kết tại World Cup 1998 và EURO 2000 (Les Bleus vô địch cả 2 giải này) nhưng ở EURO 2004 (Pháp bị đội yếu Hy Lạp loại ngay tứ kết), rắc rối nảy sinh khi các ngôi sao như Thierry Henry hay David Trezeguet “nổi loạn”. Ở World Cup 2006, nhóm các cầu thủ gồm Benzema, Ribery đã “cô lập” ngôi sao “thuần Pháp” là Yoann Gourcuff.
Đội tuyển Bỉ có thể lấy những ví dụ trên là bài học. Một đội bóng còn ít kinh nghiệm quốc tế như Bỉ càng dễ rơi vào rắc rối vì đặc thù xã hội.
Liên đoàn thể thao cũng chia theo ngôn ngữ
Tính từ những năm 1970, các Liên đoàn thể thao của Bỉ cũng chia theo... ngôn ngữ, không chỉ bóng đá mà cả đua xe đạp, quần vợt, bơi và judo. Chẳng hạn, cây vợt nữ Kim Clijsters (ảnh phải) mãi mãi bị coi là “người Hà Lan”, trong khi Justine Henin được coi là “người Pháp”. Cả 2 tay vợt nữ này đều từng xếp số 1 thế giới, nhưng không ai tự coi mình là “người Bỉ” cả.
Phân hóa cả trên… truyền hình
Sự phân hóa xã hội trong làng túc cầu Bỉ thậm chí còn được thể hiện công khai cả trong công tác truyền hình. Trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2014, tất cả các trận sân nhà của ĐT Bỉ được tường thuật trên một kênh truyền hình nói tiếng Hà Lan (chiếm 60% dân số Bỉ), trong khi đó các trận sân khách lại được tường thuật trên kênh nói tiếng Pháp.