Bóng Đá Plus trên MXH

Chủ tịch SLNA Nguyễn Hồng Thanh: 'Bóng đá trẻ Nghệ An đang chảy máu vì tiền'
07:35 ngày 13/07/2015
Lọt vào bán kết giải U17 QG báo Bóng đá – Cúp Thái Sơn Nam 2015 đã được coi là thành công ngoài mong đợi của U17 SLNA. Đấy có thể coi là chuyện lạ, bởi bao năm ở địa hạt bóng đá trẻ Việt Nam, SLNA luôn tự hào là “lò luyện gà chiến” cho các ĐTQG.
    Chủ tịch CLB SLNA – ông Nguyễn Hồng Thanh thẳng thắn nói rằng: “Công tác đào tạo trẻ của SLNA đang gặp nhiều khó khăn khi các trung tâm khác có nhiều tiền bạc, thực hiện chính sách: đi tắt đón đầu…”.

    “CHẢY MÁU” TÀI NĂNG TỪ LŨY TRE LÀNG
    - Phóng viên: Xin cám ơn ông đã tham gia cuộc đối thoại. Câu hỏi đầu tiên dành cho ông, năm nay U17 SLNA tiếp tục lỗi hẹn với chức vô địch giải U17 QG báo Bóng đá – Cúp Thái Sơn Nam 2015, nơi mà đội bóng đã từng vô địch đến 7 lần. Cảm giác của ông như thế nào?
    + Ông Nguyễn Hồng Thanh: Tôi cho rằng, việc lọt vào bán kết giải U17 QG báo Bóng đá – Cúp Thái Sơn Nam năm nay đã là một thành công với chúng tôi. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng tôi tự mãn với thành tích nói trên mà là vì năm nay chất lượng cầu thủ của SLNA không tốt bằng các năm trước. Hơn thế nữa, các CLB, trung tâm đào tạo khác được đầu tư bài bản, các cầu thủ của họ cũng rất chất lượng, bởi vậy, giành giải Ba cũng là một thành tích tốt để lứa cầu thủ này tiếp tục rèn luyện, học hỏi.

    - U19, U15 bị loại từ vòng loại, còn U17 SLNA dừng chân ở bán kết… Đây đều là những giải đấu mà SLNA luôn được giới chuyên môn nhận định là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, vậy mà những điều ít ai nghĩ lại xảy ra. Cá nhân ông là một nhà quản lý bóng đá ở Nghệ An, ông nghĩ gì?
    + Chúng tôi không bất ngờ vì những thành tích nói trên, bởi như đã đề cập lực lượng của SLNA không thật sự chất lượng. Với tư cách là một nhà quản lý bóng đá, tôi cho rằng: Đấy là điều hết sức bình thường trong bối cảnh, chúng tôi gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nơi khác. Và nó có rất nhiều nguyên do khách quan lẫn chủ quan…

    U17 SLNA nhận giải ba ở U17 Quốc Gia báo Bóng đá - Cúp Thái Sơn Nam 2015

    - Nguyên do như ông vừa đề cập là gì?
    + Trước đây SLNA luôn tự hào vì phát hiện và đào tạo ra những cầu thủ trẻ, không chỉ riêng cho bóng đá xứ Nghệ mà còn bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, thời gian qua, chúng tôi đã gặp không ít khó khăn vì các CLB, trung tâm bóng đá khác rất mạnh tay tham gia công tác đào tạo trẻ. 

    Tôi lấy một ví dụ mà có thể không ai tin, đó là bây giờ ở Nghệ An, các tuyến sau đã không còn phát huy sự hiệu quả như trước. Nguyên do, những tuyển trạch viên được nơi khác thuê, thậm chí có thể nói là nhận “lót tay” để đi săn tài năng trẻ Nghệ An. Bạn có tin nổi không, một cầu thủ trẻ xuất sắc có giá khoảng 150 – 250 triệu đồng nếu như được ký hợp đồng.  

    Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người làm công việc “săn đầu người” cho các trung tâm bóng đá khác đang trở thành một cái nghề và nó khiến cho chúng tôi phải bối rối…

    CƠ CHẾ, HAY CÂU CHUYỆN “ĐẦU TIÊN”?
    - Vậy SLNA có biện pháp gì để hạn chế vấn nạn nói trên?
    + Xét về lý, chúng tôi không thể ngăn cấm người ta tiếp xúc với các cầu thủ trẻ. Về tình, chúng tôi hoàn toàn thông cảm với các gia đình và con em họ. Bạn thử nghĩ xem, ở quê làm ruộng quần quật quanh năm, khó khăn vất vả lắm. Nay đứng trước giấc mơ đổi đời thì ít ai có thể cưỡng lại. Cũng nói thật, các gia đình có con cái đam mê bóng đá cũng muốn con mình có một sự bảo đảm về nơi ăn chốn ở và cả tương lai lâu dài nữa. Vì thế, họ đã có sự chủ động khi gửi gắm con cho ai đó.

    - SLNA từng được nhắc đến với mô hình đào tạo trẻ theo kiểu “chân rết”, tức là có các tuyến trải đều từ xã, huyện, tỉnh. Vậy mô hình này còn tác dụng không khi cuộc chạy đua đồng tiền trong địa hạt bóng đá trẻ đang trở nên quyết liệt?
    + Đúng thế, SLNA từng thành công với mô hình nói trên. Nhưng bây giờ, mô hình này đang gặp vô số khó khăn mà như tôi đã nói ở trên, các tuyển trạch viên của Nghệ An được trả tiền lương, thậm chí lót tay để tìm kiếm tài năng trẻ cung cấp cho các trung tâm đào tạo trẻ khác. Với cơ chế như hiện tại, chúng tôi không thể trả cho họ những khoản tiền như nơi khác. Thử đặt một câu hỏi, nếu bạn là một nhà tuyển trạch viên bạn có thể từ chối công việc như thế không?. Rất khó, chúng tôi phải cố gắng làm tốt nhất những gì có thể thôi…

    - Theo ông, với cơ chế, hay khó khăn hiện tại của SLNA, liệu rằng công tác đào tạo trẻ có bị tụt lại so với các CLB, trung tâm khác?
    + Tôi cho rằng, SLNA vẫn có những bản sắc riêng. Chúng tôi tự hào, SLNA vẫn là cái nôi phát hiện và đào tạo, đóng góp nhiều tuyển thủ cho các ĐTQG. Các cầu thủ trưởng thành từ lò SLNA có mặt khắp nơi của bóng đá Việt Nam. Chính vì thế, khoan hãy vội đưa ra kết luận nào đó vì công việc “trồng người” không chỉ một hay vài năm mà là cả một quá trình rất dài. 


    - Chúng ta đã nhắc đến cơ chế, vậy SLNA gặp khúc mắc ở phần nào?
    + Đấy là một câu chuyện dài của bóng đá xứ Nghệ. Bây giờ, bạn hãy nhìn vào đội 1 của SLNA đi, giả sử nếu không có “của nhà trồng được” thì chúng tôi lấy tiền đâu mà chạy theo các “đại gia” để chuyển nhượng cầu thủ. Cần phải xác định, SLNA sẽ tiếp tục những truyền thống vốn có, đó cũng là bản sắc bóng đá riêng biệt của chúng tôi.

    BÓNG ĐÁ TRẺ ĐANG CẠNH TRANH RẤT QUYẾT LIỆT
    - Nếu nhìn từ lò SLNA, có thể thấy, bóng đá Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực ở địa hạt đào tạo trẻ. Dưới lăng kính của mình, ông nhận xét như thế nào?
    + Nhìn vào bức tranh tổng thể ở công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, có thể thấy nó đã và đang có những tín hiệu rất khả quan. Chúng ta có các CLB, trung tâm, học viện rất tốt như: HA.GL-Arsenal JMG, PVF, Viettel, HN.T&T, Đồng Tháp… 

    Rõ ràng, khi mà các CLB tự đào tạo được cầu thủ thì câu chuyện bản sắc bóng đá sẽ càng rõ ràng hơn, hấp dẫn hơn. Tôi thấy, các CLB Việt Nam đã và đang có những chiến lược đường dài và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những điều tốt đẹp nhất.

    - Nhưng người ta vẫn đặt ra những dấu hỏi, chẳng hạn như trung tâm A, đào tạo cầu thủ ra để bán, hay làm gì khi họ chỉ đi thuê cơ sở hạ tầng và không có “đầu ra” sẵn, đó là CLB chuyên nghiệp?
    + Câu hỏi của bạn rất hay. Dưới góc độ của một nhà quản lý và đơn cử là ở SLNA, chúng tôi đào tạo cầu thủ để phục vụ cho chính đội bóng chuyên nghiệp tỉnh nhà. Hàng năm, chúng tôi đã đôn rất nhiều cầu thủ lên đội 1 để thi đấu tại V.League để thay thế cho những người đã hết hợp đồng, mà chúng tôi không đủ, hoặc không có khả năng tài chính giữ chân họ. Một số khác, nếu chưa được đưa lên đội 1, SLNA sẵn sàng cho các đội bóng khác ở các giải đấu mượn để cọ xát và tích lũy kinh nghiệm, sau đó trở về phục vụ đội bóng quê hương. 

    Với một vài đội bóng, tôi vẫn chưa hiểu cách làm của họ, khi không có đội bóng chuyên nghiệp thì các cầu thủ được đào tạo ra sẽ làm gì?. Cũng nên nhớ rằng, các cầu thủ đào tạo ra không phải ai cũng giỏi và không phải ai cũng bán được. Thế nên, cái này hãy cứ để thời gian trả lời…

    U17 SLNA (áo vàng) ngậm ngùi để Viettel vào chung kết

    - Cái gì cũng có mặt trái của nó, vậy hệ lụy từ những sự cạnh tranh là gì, thưa ông?
    + Trong bóng đá, vấn nạn gian lận tuổi tác luôn khiến các nhà làm giải trẻ phải đau đầu. Tôi đưa ra một ví dụ thế này, khi các trung tâm, CLB đi tuyển sinh họ thường chọn được những cầu thủ giỏi, trong đó có Nghệ An. Nhưng không phải tất cả trong số này đều chính xác về mặt tuổi tác, bởi nhiều gia đình vì muốn con mình thi đậu, muốn con mình đổi đời đã thay đổi tuổi tác trên giấy tờ. 

    Đây là vấn đề về nhận thức mà không phải ai cũng hiểu được. Trong trường hợp này, thật khó để trách các CLB vì họ căn cứ theo giấy tờ hợp lệ đã khai, còn phụ huynh vì giấc mơ của con cái họ sẵn sàng làm những việc mà họ cho là đơn giản. Bạn biết đấy, trong bóng đá trẻ vênh nhau 1 đến 2 tuổi là một vấn đề lớn, vì tư duy chơi bóng có thể khác biệt. 

    Ở SLNA, chúng tôi làm việc rất kỹ càng về mặt giấy tờ tuổi tác. Nhân đây, tôi cũng nói luôn, đã có một vài đội bóng bị phát hiện gian lận tuổi tác. Cũng thật lạ, có đội, dù có lực lượng nhưng không tham gia U11 hay giải U13 QG.

    - Câu hỏi cuối, giả sử SLNA trắng tay ở các giải đấu dành cho bóng đá trẻ sắp tới, thì sẽ như thế nào?
    + Đấy là điều bình thường, nhưng bóng đá trẻ thì chưa ai biết trước điều gì đâu, cứ đợi xem đã!.

    - Xin cám ơn ông về cuộc đối thoại!

    CÁC DANH HIỆU 
    VCK U17 QG báo bóng đá cúp thái sơn nam 2015
    Vô địch: PVF – HCV, cúp và 100 triệu đồng
    Hạng Nhì: Viettel – HCB và 60 triệu đồng
    Đồng hạng Ba: SLNA và Quảng Ngãi – HCĐ và 40 triệu đồng/đội
    Giải phong cách: Sông Lam Nghệ An 
    Cầu thủ xuất sắc: Bùi Tiến Dụng (PVF)
    Thủ môn xuất sắc: Phan Văn Biểu (PVF)
    Đồng vua phá lưới: Đỗ Thanh Tịnh (PVF), Phạm Trọng Hóa (PVF) – 5 bàn

    SLNA “vô đối” ở các giải bóng đá trẻ
    Vẫn chưa thể thống kê hết thành tích của SLNA ở các giải đấu trẻ của Việt Nam. Thế nhưng, những con số từ Google mà chúng tôi có được, cũng đủ để chứng minh rằng: SLNA đang là đội bóng “vô đối” ở địa hạt bóng đá trẻ. Ở giải U21 QG, SLNA đã thiết lập kỷ lục với 5 lần vô địch ở các năm 2000; 2001; 2002; 2012 và 2014. Ở giải U19 QG, vẫn chưa CLB, trung tâm nào có thể xổ đổ được kỷ lục 5 lần vô địch (1999; 2001; 2004; 2005 và 2006) của SLNA. Đặc biệt, ở giải U17 QG báo Bóng đá – Cúp Thái Sơn Nam, SLNA đã thiết lập một lịch sử “vô tiền khoáng hậu” đó là 7/12 lần vô địch giải do báo Bóng đá tổ chức. Ở giải U15 QG, đội bóng xứ Nghệ cũng đã 1 lần lên ngôi. Ở lứa tuổi thiếu niên, họ có 5 lần rước cúp về Vinh (1997; 1998; 2003; 2013, và 2014). Và ở giải nhi đồng toàn quốc, SLNA cũng đã từng 2 lần đăng quang ngôi vô địch và năm 2001 và 2002.

    Vì sao HA.GL – Arsenal JMG không tuyển quân ở Nghệ An?
    Trong các cuộc tuyển sinh của mình, Học viện bóng đá HA.GL – Arsenal JMG không thiết lập địa điểm tuyển sinh ở Nghệ An. Đây cũng là điều dễ hiểu vì SLNA luôn làm công tác phát hiện, đào tạo và giữ chân tài năng rất khoa học. Tuy nhiên, sau Công Phượng cũng đã có những cầu thủ người Nghệ An lên phố Núi. Để có điều đó, các bậc phụ huynh thường đưa con em mình đến các điểm tuyển sinh ở vùng lân cận như Hà Tĩnh, Thanh Hóa… hay vào tận Gia Lai.



    Đức Nguyễn (thực hiện) • 07:35 ngày 13/07/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay