VŨ KHÍ THỨ 4 CỦA LÀN SÓNG HALLYU
Với những bạn trẻ yêu thích điện ảnh hay âm nhạc Hàn Quốc, thuật ngữ làn sóng Hallyu hẳn nhiên không phải điều gì quá xa lạ. Làn sóng Hallyu hay nói đơn giản hơn là làn sóng Hàn Quốc là cách thức truyền bá đặc trưng văn hóa, con người và hình ảnh xứ sở Hàn Quốc đến với các nước trong châu lục cũng như toàn thế giới.
Theo ông Kim Kwon Yong, phóng viên thường trú báo Yonhap News tại Hà Nội từng chia sẻ trong một cuộc hội thảo diễn ra năm 2012 về văn hóa Hàn Quốc rằng chiến lược phủ sóng của Hallyu chia thành 3 giai đoạn.
Thứ nhất là bằng những bộ phim truyền hình tâm lý tình cảm. Thứ 2 là âm nhạc hiện đại Hàn Quốc (K-Pop). Và thứ 3 là điện ảnh Hàn Quốc. Và thực tế ở Việt Nam, chỉ cần thông qua hai giai đoạn đầu tiên với những bộ phim như “Trái tim mùa thu”, “Giày thủy tinh” hay các nhóm nhạc đình đám của K-Pop như DBSK, Super Junior, BIGBANG hay SNSD… là đủ để đông đảo thế hệ trẻ từ 8x, 9x và cho đến nay là 10x ảnh hưởng sâu sắc từ cách ăn mặc, gu thời trang hay cuồng nhiệt hơn là tìm hiểu kỹ lưỡng văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc.
Song có lẽ người Hàn Quốc sẽ không dừng lại chỉ ở 3 giai đoạn như vậy. Họ mong muốn có thể thu hút hơn nữa tầm ảnh hưởng của làn sóng Hallyu trên mọi lĩnh vực có thể tác động đến.
K.Movie thông qua bản quyền 3 năm của VTV Cab
Rất có thể vũ khí thứ 4 mà họ hy vọng chính là K.League- giải bóng đá hàng đầu đất nước này, đúng như kỳ vọng của tiền vệ Lee Chun Soo (một trong những cầu thủ giúp Hàn Quốc lọt vào bán kết World Cup 2002) chia sẻ: “Hy vọng rằng K.League sẽ là cầu nối giao lưu giữa cầu thủ hai nước và cũng là hoạt động thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của làn sóng Hallyu tại Việt Nam”.
Thông qua K.League, người Hàn Quốc không chỉ quảng bá chất lượng của giải đấu đã tồn tại và phát triển hơn 3 thập kỷ mà họ còn mong muốn thu hút người hâm mộ Việt Nam, đặc biệt là khán giả nữ nhiều hơn về những cầu thủ điển trai, văn hóa cổ vũ… giống như những gì mà “cơn sốt” K-Pop đã mang lại. Nhờ vậy làn sóng Hallyu ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc sắc hơn.
CẦU THỦ VIỆT NAM ĐỨNG TRƯỚC CƠ HỘI CHƠI BÓNG Ở HÀN QUỐC
Tuy nhiên, không thể không kể đến những tác động tích cực mà làn sóng Hallyu mang lại. Chính những ảnh hưởng từ đó giúp giới trẻ Việt Nam dần hình thành phong cách riêng, thể hiện được cá tính và quan trọng hơn là dám làm những điều tích cực mà mình mong đợi.
Những bộ phim truyền hình, những bài hát “hit” đình đám gần đây có dấu ấn không nhỏ từ sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, với linh hồn chính là làn sóng Hallyu.
Xét trên khía cạnh bóng đá, việc VTV Cab phát sóng 3 mùa giải liên tiếp không hẳn chỉ mang đến quyền lợi cho giải K.League đơn thuần. Bởi nhìn theo hướng tích cực ngược lại, bóng đá Việt Nam cũng hứa hẹn có thêm nhiều tín hiệu đáng mừng khi giải bóng đá số 1 Hàn Quốc phổ biến rộng rãi ở nước ta.
Chất lượng của K.League không phải bàn cãi. Đó là một trong những giải đấu đẳng cấp cao nhất ở tầm cỡ khu vực với 32 năm tồn tại và phát triển. Giải đấu này cũng sở hữu số nhà vô địch AFC Champions League áp đảo các cường quốc khác trong khu vực, với 10/33 lần xưng vương ở châu Á.
Lối chơi nhanh, hiện đại và giàu kỹ thuật mang đến cho cầu thủ Hàn Quốc những tố chất đủ khả năng chinh chiến ở những giải đấu hàng đầu châu Âu. Đó chính là điều mà bóng đá Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình tổ chức, đào tạo, tư duy chiến thuật cho đến cách thức xây dựng đội hình cho đội tuyển quốc gia; bên cạnh việc “tầm sư học đạo” ở J.League, châu Âu hay Thai Premier League.
Một điểm nữa cần nhấn mạnh là cơ hội có thể sang thi đấu ở Hàn Quốc cũng rộng mở hơn đối với những cầu thủ Việt Nam thông qua mối quan hệ bền vững của hai nước. Dù không khẳng định chính xác những cái tên hay thời điểm song đại diện BTC K.League cũng cho biết sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện có thể để các cầu thủ Việt Nam được thi đấu ở K.League.
K.League có gì lạ? - Giờ thi đấu vào buổi trưa: Các trận đấu ở K.League diễn ra vào khung giờ buổi trưa thay vì chiều tối hay ban đêm như thường lệ do sự chênh lệch về múi giờ địa lý ở Việt Nam so với Hàn Quốc. - Thể thức thi đấu: 12 đội bóng thi đấu trong 33 vòng đấu tính điểm. Sau đó 6 đội xếp hạng cao nhất thi đấu vòng phân định vô địch và suất dự AFC Champions League. Trong khi đó, 6 đội bóng còn lại sẽ thi đấu một vòng khác nhằm tranh suất trụ hạng. - Chiến dịch 5MM (Five more minute): Nhằm tăng tốc độ và diễn biến trên sân, BTC khuyến khích các HLV và cầu thủ hạn chế phản ứng quyết định của trọng tài và giảm thiểu những pha tranh bóng thô bạo - Mọi cầu thủ phải kiểm tra… nói dối: Cầu thủ ở K.League còn phải tiến hành bài kiểm tra nói dối bất chợt. - Kết hợp với K-Pop: Các đội bóng K.League thường mời các ca sỹ, nhóm nhạc thậm chí là có các bài hát cho riêng mình nhằm gây sức hút đối với người hâm mộ. Tiền đạo Lee Chun Soo: “Sao sân cỏ Hàn cực hút hồn” Tiền đạo Lee Chun Soo, một trong những thành viên từng cùng đội tuyển Hàn Quốc đi tới bán kết World Cup 2002 chia sẻ hiện tại các CĐV nữ tại Hàn Quốc cũng rất yêu thích bóng đá, bên cạnh các “đặc sản” xứ kim chi như âm nhạc, ẩm thực hay điện ảnh. “Cá nhân tôi không biết chính xác là họ yêu bóng đá vì thích thực sự hay vì các cầu thủ nữa. Nhưng ví dụ như tôi, sau khi tham gia World Cup 2002 thì khi ra đường mọi người đều nhận ra. Các CĐV nữ hiện tại quan tâm nhiều đến bóng đá hơn. Thậm chí ở Hàn Quốc còn truyền tai nhau một câu nói nổi tiếng. Đó là: “Chỉ cần chơi đá bóng giỏi thì chắc chắn sẽ kết hôn được với một cô vợ rất đẹp, thậm chí là mỹ nhân” “Trung bình mỗi đội bóng tại K.League có khoảng 2-3 cầu thủ đặc biệt có sức hút với các CĐV nữ, đặc biệt là những CĐV nữ ở dạng tuổi teen. Họ đẹp trai, nổi tiếng và chơi bóng đá giỏi. Bên cạnh đó, một số cầu thủ khác lại thu hút được sự quan tâm của những phụ nữ đã kết hôn. Người ta thường gọi đấy là “A-chu-ma”, tiền đạo Lee Chun Soo cho biết. |