Suốt một thập kỷ làm thầy, bằng cái tâm với nghề, cái duyên với nghiệp và cái nhân, cái đức trong đối xử với các học trò, anh dần gặt hái được những quả ngọt bằng chính triết lý mà mình định hướng. Việc đưa CLB Hà Nội thăng hạng V.League 2016 chính là một trong những thành công tiêu biểu như vậy.
LÀM THẦY KHÔNG DỄ
Giống như Đức Thắng, rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp sau khi treo giày thường hướng tương lai của mình theo nghiệp cầm quân, nơi họ có thể tiếp tục gắn chặt tình yêu của mình với bóng đá trên một cương vị mới. Song không phải ai cũng có thể “xuôi chèo mát mái” trong vai trò là một người thầy, ngay cả với những người từng là danh thủ lẫy lừng trong quá khứ.
Xuất phát điểm của Đức Thắng cũng tương tự như nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ. Sau khi treo giày năm 2005, anh bắt đầu tham gia vào công tác huấn luyện đội U11 và U13 Thể Công. Ba năm sau, khi Viettel trở thành người thừa kế di sản của đội bóng nhà lính, Đức Thắng trở thành HLV trưởng đội U15 trước khi chuyển sang Hà Nội T&T dẫn dắt các đội U21 và U19.
Với khả năng nắm bắt tâm lý cầu thủ rất tốt, HLV Đức Thắng (ảnh bên) đã đạt được nhiều thành công trong nghiệp huấn luyện mà tiêu biểu là chức vô địch giải hạng Nhất năm 2015 cùng CLB Hà Nội
Xuyên suốt quãng thời gian ấy, cựu danh thủ sinh năm 1976 còn làm việc cùng những HLV như Nguyễn Văn Sỹ, Henrique Calisto hay Falko Goetz trong vai trò trợ lý huấn luyện, cùng với đó là tham gia các lớp huấn luyện bằng C, B, A. Hai năm trở lại đây, Đức Thắng lần lượt lĩnh ấn ở Công an Nhân dân và Hà Nội ở các giải hạng Nhì và hạng Nhất.
So với nhiều đồng nghiệp cùng thời, Đức Thắng tỏ ra mát tay hơn hẳn trong nghiệp “gõ đầu trẻ”. Bằng chứng là hai chức vô địch ở VCK U21 Quốc gia 2013 cùng U21 Hà Nội T&T, giải U19 quốc gia 2014 cùng U19 Hà Nội T&T và quan trọng nhất là giúp Hà Nội lên hạng ở V.League mùa tới.
Vậy điều gì đã tạo ra sự khác biệt giữa Đức Thắng với nhiều đồng nghiệp cùng thế hệ? Hẳn nhiên đó chính là triết lý trong cách điều binh khiển tướng. Với Đức Thắng, việc trở thành một người thầy giỏi chẳng phải là chuyện dễ dàng. Bởi bên cạnh chuyên môn ở trên sân, người đó còn phải biết kiên trì, có cái nhìn đúng đắn với năng lực của từng cầu thủ cũng như lựa chọn giáo án tập luyện phù hợp với các lứa tuổi đối với các nhân tố ấy.
Đặc biệt hơn với Đức Thắng, một HLV giỏi còn phải là người biết nắm bắt tâm sinh lý của các cầu thủ. “Đối với tôi, cầu thủ là đồng nghiệp, là bạn, là em và có thể là con là cháu. Việc huấn luyện các cầu thủ trẻ khác hẳn với đàn anh đã bước vào thi đấu chuyên nghiệp. Bởi suy nghĩ của họ còn non nớt, động lực của họ còn chưa rõ ràng. Vai trò của người thầy khi ấy đặc biệt quan trọng. Muốn để các cầu thủ hiểu và có ý thức phấn đấu thì bản thân HLV phải hiểu các học trò của họ trước đã. Và đó là vì sao tôi luôn cố gắng nói chuyện, chia sẻ bất kể vấn đề gì đối với các cầu thủ. Chỉ bởi như vậy tôi mới hiểu và đồng cảm những suy nghĩ, tình cảm của học trò tôi”, HLV Đức Thắng cho biết.
BỨC ẢNH HAI CHIỀU VÀ THẤT BẠI KHÓ QUÊN
Phòng làm việc của HLV Đức Thắng có treo một bức ảnh đặc biệt. Đó là bức ảnh hai chiều in hình chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp mà anh tình cờ mua được tại Gia Lai, trước thời điểm trận chung kết giải U19 Quốc gia năm 2014 bắt đầu.
“Tôi nảy lên một ý tưởng thú vị khi thấy bức ảnh đặc biệt này. Sau đó tôi đã mua lại và đưa nó ra cuộc họp đấu pháp. Các cầu thủ thoạt nhiên rất đỗi bất ngờ. Tôi hỏi họ bạn có biết chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cống hiến những gì cho dân tộc Việt Nam không? Họ im lặng. Chính xác họ ngại trả lời hoặc không đủ tự tin để nói ra những điều mình nghĩ.
Nhưng sau khi tôi gợi lên những quan điểm từ cá nhân mình, họ bắt đầu suy nghĩ và đó chính là điều mà tôi cần. Tôi muốn họ để tâm nhiều hơn đến những vấn đề khác ngoài bóng đá. Và từ đó những điều thầm kín trong tâm tư tình cảm được các cầu thủ thổ lộ nhiều hơn. Tôi hiểu, để ý và quan tâm nhiều hơn đến họ. Và đó chính là phương pháp để tôi và cầu thủ có một sợi dây liên hệ khăng khít”, HLV Đức Thắng kể lại kỷ niệm đáng nhớ.
Tuy nhiên không phải lúc nào Đức Thắng cũng thành công trong công tác ươm mầm tài năng trẻ. Anh vẫn nhớ mãi một thất bại đặc biệt trong nghiệp cầm quân. Đó không phải một trận thua về chuyên môn mà chính là giúp các cầu thủ hiểu được họ cần cái gì và muốn cái gì. Anh nhắc tới trường hợp tiền đạo Xuân Nam – cầu thủ ghi bàn nhiều thứ 2 tại giải Lào Premier League mùa vừa rồi – trong sự bùi ngùi cay đắng.
“Khi tôi mới về làm tại trung tâm đào tạo của Hà Nội T&T, Xuân Nam là một cầu thủ có tiềm năng. Đáng lẽ cậu ấy có thể phát triển nhanh hơn nữa cùng với Văn Thành, Duy Mạnh hay Quang Hải nhưng tiếc rằng lại bị chững lại. Sau khi kết thúc giải U21 Quốc gia năm 2014, Xuân Nam bất ngờ muốn xin nghỉ bóng đá. Tôi đã hỏi: “Thế cháu nghỉ cháu sẽ làm việc gì, cháu suy nghĩ kỹ chưa?”, rồi tôi quyết định cho cậu ấy 1 tuần suy nghĩ.
Sau đó, tôi đã đưa Xuân Nam lên đội Hà Nội tập luyện nhưng lại bị trả về sau đó. Rồi theo đề xuất của HLV Trần Doãn Dũng, tôi đồng ý để Xuân Nam sang Lào. Thật may cậu ấy tìm lại được suy nghĩ cần thiết khi chơi bóng. Song trong thời gian làm việc với Xuân Nam, thực sự tôi đã không thể giúp Xuân Nam hiểu và có được đam mê ấy. Đó là thất bại trong nghề nghiệp của cá nhân tôi”.
Với mỗi một cầu thủ, Đức Thắng lại có cách chia sẻ khác nhau. Cầu thủ chấn thương, anh nhắn tin động viên. Cầu thủ thất bại, anh vỗ về an ủi. Và khi họ đang ở cảm giác lâng lâng trong men say chiến thắng, Đức Thắng lại khéo léo kéo đôi chân của họ xuống mặt cỏ. Những câu nói của Đức Thắng có thể không dài, không hoa mỹ nhưng đủ để nhiều cầu thủ hiểu được vấn đề mà họ đang trải qua là gì. Đó là nghệ thuật đắc nhân tâm. Một nghệ thuật mang thương hiệu thầy Đức Thắng.