Bóng Đá Plus trên MXH

Leicester dẫn đầu Ngoại hạng Anh: Phép lạ hay chỉ là giấc mộng vàng?
20:14 ngày 13/12/2015
Giấc mộng vàng dù đẹp đến mấy thì cũng có lúc tan vỡ, để tất cả cùng trở về hiện thực. Nhưng nếu không phải “trở về hiện thực”, mà là “trở thành hiện thực”, người ta sẽ gọi đấy là phép lạ. Kết quả vào tháng 5/2016 sẽ trả lời câu hỏi: giới hâm mộ Leicester City đang được xem một “giấc mộng vàng” hay một “phép lạ” trong những ngày này?

    KHÔNG BAO GIỜ LÀ ĐỘI MẠNH

    Leicester chỉ là một đội bóng vừa nhỏ, vừa yếu? Tùy bạn. Giờ này năm ngoái, họ đang đứng ở vị trí chót bảng, trong mùa đầu tiên được trở lại Premier League. Mùa này, giới quan sát xếp Leicester vào nhóm ứng viên rớt hạng không chỉ vì vấn đề đẳng cấp, như vừa nêu. 
    Người ta còn cho rằng đây là trường hợp điển hình của bóng đá Anh cấp CLB: kinh doanh rất hay nhưng quản lý rất tồi. Leicester sa thải Nigel Pearson - HLV đã có công đưa đội lên giải Ngoại hạng, sau đó trụ hạng một cách hiển hách. Họ dùng ai để thay Pearson? Xin thưa, đấy chỉ là một Claudio Ranieri vừa bị đội tuyển Hy Lạp sa thải vì huấn luyện quá kém, thua cả Đảo Faroes ngay tại sân nhà!

    Có rất nhiều câu chuyện kỳ dị như thế, khi Leicester bỗng dưng chơi rất ổn định và đang dẫn đầu Premier League sau 15 vòng. Họ có Jamie Vardy dẫn đầu danh sách vua phá lưới, vừa xô ngã một kỷ lục ghi bàn của tượng đài Ruud Van Nistelrooy. Nhưng Vardy chỉ là một cầu thủ xuất thân từ đẳng cấp phong trào. Mãi đến năm ngoái, ở tuổi 27, Vardy mới được xuất hiện lần đầu tiên ở Premier League.
    Đấy là giấc mộng vàng, hay phép lạ? Chỉ biết chắc một điều: tác giả của phép lạ hoặc giấc mộng ấy không bao giờ là một đội mạnh. Họ dẫn đầu bảng? Tất nhiên, nhưng đấy không phải là đặc điểm của một đội mạnh. Từ vị trí số 13 trở lên, không có đội nào ở Premier League thủng lưới nhiều hơn Leicester. Một đội mạnh đấy ư?

    CHỈ VÌ PREMIER LEAGUE THỜI HỖN LOẠN...

    M.U ngày càng trở nên “không thể chịu nổi”, kể cả trong mắt fan ruột. ĐKVĐ Chelsea thì đang đứng cách 4 bậc so với nhóm đội rớt hạng. Toàn giải chỉ có 2 đội khác thua nhiều hơn Chelsea. Man City kiệt quệ lực lượng vì vấn nạn chấn thương. Arsenal cũng thiếu trước hụt sau vì chấn thương, hoặc vì chính HLV Arsene Wenger tạo ra vấn nạn ấy bằng phương pháp huấn luyện lỗi thời của mình.
    Liverpool chỉ vừa khôi phục được vài đường nét đáng xem dưới thời Juergen Klopp - thế mà người ta đã vội xem Klopp là thánh. Tóm lại, hiếm khi Premier League thực sự hỗn loạn như mùa bóng này.

    Leicester chiếm được ngôi đầu chẳng qua vì sự tan hoang ấy? Đấy là thực tế, cho dù người ta có thể nhận định những điều hoàn toàn trái ngược từ thực tế ấy. “Vì các đội mạnh đồng loạt suy yếu”, nghĩa là bản thân Leicester chả có gì hay. Họ chỉ hưởng lợi. Một đội không có thực tài như thế trước sau gì cũng phải lùi về vị trí đích thực của mình. 


    Ngược lại, người ta cũng có quyền nói: Leicester có đủ khả năng giữ vững ngôi đầu vì các đội mạnh đều không còn là chính mình nữa. Bao quát hơn, Leicester có thể giữ vững thành công dù không nhất thiết phải đứng đầu bảng (có vé dự Europa League là quá tốt rồi). Wenger đã thật sự hết thời ở Arsenal. Jose Mourinho và Louis Van Gaal còn không biết chắc sẽ được dẫn dắt Chelsea và M.U đến thời điểm nào. Premier League còn bao nhiêu đội đáng gọi là mạnh?

    LEICESTER KHÔNG GIỐNG BLACKBURN ROVERS
    Cách đây khoảng 20 năm, Blackburn bất ngờ đoạt chức vô địch Premier League. Cho tới nay, đấy vẫn là đội duy nhất ngoài 4 đại gia M.U, Arsenal, Chelsea, Man City từng vô địch Premier League. Leicester có thể trông vào bài học Blackburn 1995 để củng cố niềm tin, hy vọng lặp lại một bất ngờ như thế?

    Rất khó, nếu không muốn nói rằng đấy chỉ là hy vọng viển vông. Xét kỹ, không thể cho rằng “bất ngờ Leicester” mùa này là tương tự với “bất ngờ Blackburn” ở mùa bóng 1994/95. 

    Mùa này, Jamie Vardy chỉ nổi lên như một hiện tượng lạ. Về mặt đẳng cấp, anh không sánh được với Alan Shearer ở Blackburn. Ranieri bây giờ cũng không “khạc ra lửa” như HLV Kenny Dalglish ngày trước. Và trong tay Dalglish không phải chỉ có mỗi Shearer. Chẳng hạn, ông còn có Chris Sutton - cầu thủ đắt giá nhất Premier League thuở ấy.

    Một khác biệt quan trọng nữa: Premier League chỉ mới có vài ngôi sao nước ngoài trước khi khai diễn mùa bóng 1994/95. M.U gần như là đối thủ đáng gờm duy nhất của Blackburn trong cuộc đua giành chức vô địch. Thời ấy, Man City còn được chơi ở Premier League đã là may mắn, Chelsea và Arsenal đều chỉ là các đội trung bình - khá. 

    Không có nhiều đội mạnh đã đành, các đội thời ấy cũng chẳng có đến 4 suất dự Champions League để tranh chấp như bây giờ (năm 1995, chỉ có nhà vô địch được dự Champions League). Vậy nên, các đội buông xuôi khi không còn khả năng tranh chấp ngôi cao. Hoàn cảnh bây giờ khác hẳn. Leicester sẽ phải chiến đấu với rất nhiều đối thủ mạnh, ở rất nhiều cuộc đua khác nhau. Chắc chắn sẽ phải đến lúc giấc mộng vàng của Leicester tan vỡ.

    CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?
    - Suốt 34 năm đầu tồn tại (1884 - 1918), Leicester City (tên ban đầu là Leicester Fosse) không có chức danh HLV trưởng. Hội đồng tuyển chọn và ban điều hành đội bóng kiểm soát mọi chuyện. Sau Thế chiến I, Peter Hodge được chọn làm HLV trưởng đầu tiên trong lịch sử Leicester.

    - Gordon Banks và Peter Shilton là hai thủ môn vĩ đại nhất xưa nay trên quê hương bóng đá. Họ đều trải qua phần lớn sự nghiệp đỉnh cao ở Leicester City. Không chỉ sở hữu các thủ môn huyền thoại, Leicester còn là CLB của một trong những tiền đạo nổi tiếng nhất nước Anh xưa nay: Gary Lineker (ông gắn bó với CLB này lâu nhất, đá nhiều trận nhất).

    - Ngày 18/12/1954, Stan Milburn và Jack Froggatt của Leicester cùng đi vào lịch sử với một trong những kỷ lục lạ nhất trên sân cỏ Anh. Họ được công nhận là “đồng tác giả” của một pha... phản lưới nhà. Cả hai lao vào phá bóng cùng lúc, chạm bóng cùng lúc và quả bóng đi luôn vào lưới! Leicester thua Chelsea 1-3 trong trận ấy.

    - Lần đầu tiên Leicester được dự các Cúp châu Âu là ở Cúp C2 mùa bóng 1961/62. Họ thua Atletico Madrid ở vòng 1. Mãi 36 năm sau, Leicester mới lại xuất hiện ở trận địa châu Âu. Và họ lại thua Atletico Madrid ở vòng 1 của Cúp UEFA mùa bóng 1997/98. Ngoài ra, Leicester chỉ xuất hiện ở đấu trường châu lục trong một lần khác: dừng chân ở vòng 1 Cúp UEFA mùa bóng 2000/01.

    - Thành tích cao nhất của Leicester ở giải VĐQG Anh xưa nay là vị trí Á quân, mùa bóng 1928/29. “Sân khấu chính” của Leicester là giải hạng Nhì, nơi họ đang giữ kỷ lục 7 lần vô địch. Ở cúp FA, Leicester lại giữ kỷ lục đá trận chung kết nhiều nhất mà vẫn chưa bao giờ thắng (4 trận).
    KINH THI • 20:14 ngày 13/12/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay