Nhìn vẻ ngoài, Cech vẫn điển trai, bất chấp cái sẹo chạy dài từ môi đến cằm - vết tích còn lại của ca phẫu thuật mà trong đó anh phải khẩn cấp khâu 50 mũi sau cú va chạm với đồng đội Tal Ben Haim hồi năm 2008. Nhưng chấn thương suýt lấy đi tính mạng của Cech lại xảy ra khoảng 1 năm rưỡi trước đó.
THÊM 1mm LÀ... CHẾT
Tháng 10/2006, Cech và tiền vệ Stephen Hunt của Reading va chạm mạnh trong một tình huống tranh bóng ngay phút đầu tiên của một trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh. Đầu gối của Hunt va vào đầu của Cech. Anh rời sân trên cáng vài phút sau đó, rồi mất dần khả năng tự kiểm soát với những câu nói và hành động không chút liên quan với nhau.
Pha va chạm định mệnh năm 2006 và lần chấn thương khâu 50 mũi
Ban đầu, mọi người đã biết rằng Cech chấn thương rất nặng. Nhưng chỉ đến khi các bác sĩ xác nhận sự việc và cung cấp thông tin chuyên môn, giới hâm mộ mới thật sự lạnh người về tình trạng nguy kịch mà Cech trải qua. Chi tiết duy nhất có thể gọi là may mắn, đối với bản thân Cech: anh không hề biết gì về mình. Sau này, khi đã an toàn xuất viện, Cech vẫn không mảy may nhớ được chi tiết nào về cú chấn thương kinh hoàng của mình.
Vì sao gọi là may mắn? Chúng ta sẽ trở lại chi tiết này ở phần sau. Ở đây, lại phải nói thêm: khi thực hiện ca mổ, ngay cả các bác sĩ giỏi đã phẫu thuật thành công cho Cech thậm chí cũng chưa biết hết về sự nguy hiểm mà nạn nhân của họ phải chịu đựng.
Số là, Cech thuộc trường hợp sinh ba khi anh chào đời vào năm 1982. Dĩ nhiên, chi tiết ấy không được đề cập trong ca phẫu thuật. Chỉ sau đó, giới chuyên môn mới tiết lộ thêm: nghiên cứu cho thấy xương sọ của những người sinh ba luôn yếu hơn người bình thường, và Cech chính là một trường hợp như vậy!
TRỞ LẠI VÀ... LỢI HẠI HƠN XƯA
Khoảng 3-4 ngay sau khi phẫu thuật, Cech mới nhận diện được những người vào thăm mình. Tất nhiên, sau đó thì anh được nghe kể chuyện. Nhưng có hai điều quan trọng. Thứ nhất, Cech quả quyết anh sẽ tập lại và nóng lòng chờ ngày ra sân - ngược với khuyến cáo của các bác sĩ. Thứ hai, nghe kể và thấy rõ sự kiện là hai điều hoàn toàn khác nhau. Chưa chắc Cech còn giữ nguyên lối chơi quả cảm, dũng mãnh, trong trường hợp anh thật sự cảm nhận được hậu quả của cú va chạm với Stephen Hunt là như thế nào.
Năm 2008 đã không thể ngăn Peter Cech trở thành một huyền thoại ở Chelsea
Cuối cùng, Cech trở lại sân cỏ chỉ sau 3 tháng, với chiếc mũ bảo vệ đầu như mọi người đã biết. Chelsea thua Liverpool 0-2. Nhưng sau đó, Cech thi đấu 810 phút liên tiếp mà không thủng lưới bàn nào. Thành tích giữ nguyên mành lưới trong 8 trận liên tiếp giúp Cech đoạt giải “Cầu thủ hay nhất trong tháng” ở Premier League, và anh là thủ môn đầu tiên trong 7 năm được trao giải này.
Hồi Cech gia nhập Chelsea (2004), anh có giá chuyển nhượng vỏn vẹn 7 triệu bảng. Còn khi trở lại sau cú chấn thương kinh hoàng, Cech được HLV Jose Mourinho đánh giá: “Tài năng ấy phải có giá khoảng 50 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng”!
Có thể tin lời Mourinho khi ông nói về Cech, vì Mourinho chính là người đã đưa Cech từ ghế dự bị vào đội hình chính ngay khi ông tiếp quản Chelsea (thời Claudio Ranieri huấn luyện, Cech chỉ là thủ môn số 2, sau Carlo Cudicini).
THỦ MÔN XUẤT THÂN TỪ... TIỀN ĐẠO
Từ cõi chết trở về, Cech tiếp tục tỏa sáng như không hề có chuyện phải thay hai mảnh xương trong đầu bằng những tấm kim loại. Chi tiết ít biết: ngay cả chiếc mũ bảo hộ, Cech cũng không muốn đội. Tất nhiên, anh không thể tự quyết định một vấn đề liên quan đến tính mạng như thế.
Kể cũng lạ. Hồi là cầu thủ năng khiếu, Cech chơi... tiền đạo. Sau đó, anh chuyển sang đá tiền vệ, vì tiền vệ là vị trí mà hồi trẻ, Cech cho là “sướng” nhất trên sân! Ở vị trí ấy, anh không chịu áp lực phải ghi bàn, càng không có lỗi khi đội mình thủng lưới. Nhiệm vụ phòng ngự đã được cáng đáng bởi các hậu vệ sau lưng mình.
Thế rồi, đến một lúc nào đó thì Cech “tự phát hiện”: thủ môn mới là vai trò hấp dẫn nhất. Mục tiêu của bóng đá là bàn thắng. Và khi đứng trong khung thành, Cech thấy sung sướng khi anh cản phá được cái mục tiêu tối thượng ấy từ phía đối phương.
Bây giờ, bóng đá đỉnh cao có một tượng đài Petr Cech trong khung thành, phần nào nhờ những suy nghĩ kỳ lạ như vậy. Cech hiện đã có 143 lần giữ nguyên mành lưới cho Chelsea - tỷ lệ cao nhất trong lịch sử Premier League nếu tính theo số trận đấu. Anh chỉ mất 180 lần ra sân để đạt đến thành tích 100 lần giữ nguyên mành lưới - cũng là một kỷ lục.
Một gã cuồng khỏa thân chạy xuống sân và bị bắt giữ? Cech không bao giờ quan tâm. Cũng vậy, anh không bao giờ xuýt xoa khi đồng đội sút hỏng phạt đền hoặc có một pha lừa bóng đẹp mắt. Những tình huống như thế, Cech quên rất nhanh khi “lỡ” nhìn thấy. Anh chỉ quan tâm đến quả bóng, và những cầu thủ đối phương có thể chạm bóng, bất kể khi nó ở vị trí nào trên sân.
Sang Chelsea năm 2004 với giá 14 triệu bảng, đến nay Petr Cech hiện đang được định giá 25 triệu bảng (tăng gần gấp đôi). Ở tuổi 31, anh đã sưu tập cho mình đủ mọi danh hiệu cao quý cả cá nhân lẫn tập thể như chức VĐ Premier League, Champions League, Europa League hay giải thưởng “Thủ môn xuất sắc nhất” châu Âu và thế giới. Hiện Cech nắm giữ 3 kỷ lục: Giữ sạch lưới trong 855 phút tại giải VĐQG CH Czech; Giữ sạch lưới trong 1.025 phút tại Premier League; 25 trận giữ sạch lưới tại Premier League 2004/05, để lọt lưới 15 bàn. Anh vẫn đang nằm trong Top những thủ môn hàng đầu thế giới và còn ít nhất 4 đến 5 năm thi đấu đỉnh cao nữa.