MỘT KẾT THÚC VIÊN MÃN
Trong tháng này, Hoàng gia Anh sẽ chốt lại danh sách những nhân vật sẽ được phong tước sau khi đã kiểm tra mọi tiêu chuẩn. Becks được xác nhận là một nhân vật sáng giá. Anh có một sự nghiệp cầu thủ rực rỡ, đóng góp nhiều cho đất nước và từng được phong OBE vào năm 2003. Hội đồng thẩm định sẽ kiểm tra tất cả những yếu tố ấy, kể cả khối tài sản trị giá 165 triệu USD của anh, để xem Becks có xứng đáng trở thành một Sir trong xã hội Anh hay không.
Những thông tin về việc Becks được phong tước Hiệp sĩ đã râm ran một thời gian khá dài. Các phơi cược dành cho khả năng Becks thành “Sir” đã giảm từ 3/1 (đặt 1 ăn 3) xuống 5/4.
Nếu như Becks được phong tước, đấy sẽ là một niềm an ủi cực lớn cho anh sau cái chết của bà ngoại anh, Peggy West, 83 tuổi. Bà West là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cựu tiền vệ người Anh. Khi Becks bước vào cung điện Buckingham để nhận OBE cách đây 10 năm, bà West đã đi cùng với anh.
Bình thường, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ là người phong tước cho các Hiệp sĩ, nhưng lần này rất có thể Thái tử William sẽ tự tay mình phong tước cho Becks - người bạn của ông. Họ đã sát cánh trong hàng loạt chiến dịch từ thiện và các hoạt động vì cộng đồng. Mới đây nhất, Becks và Thái tử William đã xuất hiện trong một đoạn clip nói rất nhiều thứ tiếng (trong đó có tiếng Việt) kêu gọi mọi người hãy chấm dứt tệ nạn tiêu thụ ngà voi và sừng tê giác.
SIR DAVID, TẠI SAO KHÔNG?
Đã có nhiều người tranh cãi về việc Beckham, 38 tuổi, còn quá trẻ và đóng góp chưa đủ để được phong tước “Sir”. Họ cũng vin vào đời sống showbiz của vợ chồng anh, những hình xăm chi chít và những mẫu quảng cáo đồ lót sexy để phản bác lại ý định phong tước của Hoàng gia. Một số còn tỏ ra hoài nghi những chuẩn mực để được phong tước.
Thế nhưng, nếu nhìn lại những gì Becks đã cống hiến cho bóng đá Anh và Hoàng gia Anh nói chung, người ta không thể bỏ qua những hiệu ứng toàn cầu khủng khiếp mà tiền vệ này đã tạo ra. Trong kỷ nguyên Premier League, không một ngôi sao nào tạo ra những ảnh hưởng lớn như Becks.
Đẹp trai, tài năng, thu hút truyền thông, chính Becks là người có công lớn giúp bản quyền hình ảnh của Premier League tăng đều theo các năm. Với Becks, Man United trở thành CLB kiếm tiền số 1 hành tinh.
Sau khi Becks qua Real Madrid, CLB Hoàng gia đang tầm tầm nhảy vọt lên vị trí thứ 2 trên BXH kiếm tiền và gần đây đã qua mặt luôn chính M.U. Khi Becks sang Mỹ, anh nâng bóng đá ở đây lên một tầm cao mới. Anh kéo khán giả đến sân nườm nượp, điều mà đến cả “Vua bóng đá” Pele cũng không thể làm được.
Đấy là hiệu ứng xã hội? Vậy thì hãy nhìn vào những đóng góp thuần túy về chuyên môn của Becks. Anh chính là cầu thủ hay nhất của M.U trong hành trình “Cú ăn ba” năm 1999, năm anh đoạt “Quả bóng Bạc” chỉ sau danh thủ Rivaldo. Trong giai đoạn thống trị rực rỡ của M.U cuối những năm 1999 và đầu những năm 2000, Becks là một trong những nhân tố chủ chốt nhất.
Trong thời gian ấy, anh cũng là ngôi sao sáng chói nhất nước Anh. Khi Becks tiếp quản băng thủ quân của Tam Sư, đấy là vì tài nghệ và tầm ảnh hưởng của anh trên sân, chứ đâu phải vì anh nổi tiếng, đẹp trai hay thu hút truyền thông.
Sự nghiệp của Becks quá đồ sộ, khiến bất kỳ cầu thủ nào cũng phải mơ ước. Anh là người Anh duy nhất giành chức vô địch ở mọi quốc gia mà mình đi qua. Anh rời M.U khi CLB này vô địch Anh, rời Real Madrid sau khi giúp CLB này chấm dứt sự thống trị của Barcelona, rời L.A Galaxy cùng chức vô địch Mỹ và giã từ sự nghiệp tại PSG sau khi vô địch Ligue 1, nơi anh dành toàn bộ tiền lương cho từ thiện.
NHỮNG CỐNG HIẾN BÊN NGOÀI SÂN CỎ
Những quả tạt cầu vồng, những cú sút phạt đã trở thành thương hiệu của Becks. Đấy là những dấu ấn chuyên môn không thể chối bỏ khi người ta đánh giá sự nghiệp của anh. Tại ĐT Anh, Becks có 115 lần khoác áo đội tuyển. Trong lịch sử Tam Sư, anh là người chơi nhiều trận nhất nếu không tính vị trí thủ môn. Không có cú sút phạt của Becks ở cuối vòng loại World Cup 2002, ĐT Anh đã phải xem giải đấu ở Viễn Đông qua truyền hình.
Sau khi giải nghệ, Becks cũng đã hoạt động cộng đồng không biết mệt mỏi. Anh cùng Thái tử William chủ trì của rất nhiều chương trình từ thiện, gây quỹ. Họ cùng nhau vận động để mang Olympic 2012 về London thành công. Phái đoàn Anh thất bại trong cuộc vận động đăng cai World Cup, nhưng Becks cũng đã có những đóng góp thật sự nhiệt tình và đáng kể.
Cá nhân Becks là đại sứ của nhiều chương trình do UNICEF chủ trì, nổi bật là 2 chiến dịch phòng chống bệnh AIDS và sốt rét. Anh là đại sứ của bóng đá Trung Quốc, quốc gia đang muốn làm lại từ đầu sau cuộc chiến chống tham những. Nói cách khác, Becks đang là một niềm tự hào quốc gia. Nếu như một người với những đóng góp tuyệt vời như Becks còn không xứng đáng được vinh danh, thử hỏi ai mới có thể được đây?
Ở tuổi 38, Becks đã có tất cả những gì mà một người đàn ông trung niên mơ ước. Một khối tài sản khổng lồ, một sự nghiệp rực rỡ, một gia đình hạnh phúc với cô vợ giỏi giang và đàn con đông đúc, đủ nếp đủ tẻ. Nếu được vinh danh, chính thức bước vào cuộc sống của một người quý tộc Anh, cuộc đời Becks có thể gọi là đã viên mãn, không còn gì có thể phàn nàn hơn được nữa.