Trong thập niên 1950, ai cũng thán phục cách chơi 4-2-4 của Hungary và Brazil, xem đấy là sự ưu việt hơn hẳn cách chơi WM. Brazil vô địch World Cup 1958 với cặp tiền vệ Zito - Didi quán xuyến khu giữa sân và bộ tứ tiền đạo Garrincha - Vava - Pele - Zagallo luôn đe dọa khung thành đối phương. Bước vào World Cup 1962, Brazil chẳng những lặp lại nguyên si sơ đồ ấy, mà còn dùng đúng những con người cũ. Họ chỉ hòa 0-0 với Tiệp Khắc ở vòng bảng. Cũng trong trận này, Pele chấn thương. Từ đó, vị trí của Pele do Amarildo đảm trách.
Khi gặp lại Tiệp Khắc ở trận chung kết thì đội hình Brazil đã khác, không chỉ ở chỗ Amarildo đá thay Pele. HLV Moreira kéo Zagallo về hàng tiền vệ. Đội hình Brazil trở thành 4-3-3 (từ tiền vệ trở lên: Zito, Didi, Zagallo - Garrincha, Vava, Amarildo) trong khi Tiệp Khắc trước sau vẫn trung thành với cách chơi 4-2-4. Brazil làm chủ khu giữa nhờ thế “3 chọi 2” về tiền vệ. Hệ quả là 4 tiền đạo Tiệp Khắc trở nên thừa thãi vì ít có bóng. Ngược lại, khi đã khóa được tiền vệ đối phương thì hàng thủ Brazil yên tâm, và các hậu vệ cánh tha hồ dâng cao tấn công.
Có thể xem việc chuyển từ 4-2-4 sang 4-3-3 là một trong những bước tiến lớn nhất trong lịch sử phát triển chiến thuật bóng đá. Ngoài Brazil, còn có rất nhiều đội khác chơi 4-3-3 tại World Cup 1962. Đức, Italia, TBN đều chơi như thế (còn chuyện thắng, thua là vấn đề khác). Ngay sau kỳ World Cup này, sân cỏ châu Âu đã tràn ngập cách chơi 4-3-3, với Inter Milan tiến đến tuyệt đỉnh thành công. Cũng cần lưu ý: cách chơi Catenacio nổi tiếng của Calcio dựa trên sơ đồ 4-3-3, và HLV huyền thoại Helenio Herrera của Inter chính là HLV đội TBN tại World Cup 1962.
Tại World Cup 1954, tỷ lệ ghi bàn bình quân đạt đến con số kỳ lạ: 5,38 bàn/trận. Tại World Cup 1958, tỷ lệ bình quân là 3,60 bàn/trận. World Cup 1962 thì “chỉ có” 2,78 bàn/trận. Bàn thắng ít thì kém hào hứng. Nhưng đấy mới đúng là bóng đá đỉnh cao?