TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Mexico
Thời gian diễn ra: 31/05 - 21/06
Số đội tham dự: 16
Vô địch: Brazil
Á quân: Italia
Hạng 3: Đức
Vua phá lưới: Gerd Mueller (Đức, 10 bàn)
Số trận đấu: 32
Số bàn thắng: 95 (trung bình 2,97 bàn/trận)
Khán giả: 1,604,065 (trung bình 50,127 người/trận)
CÁCH CHỌN HLV KIỂU BRAZIL
Bây giờ, ai cũng biết rằng Brazil toàn thắng từ vòng loại đến giai đoạn đấu bảng của VCK, rồi lại toàn thắng các trận knock-out để đoạt vĩnh viễn Cúp Jules Rimet một cách thuyết phục tại World Cup 1970. Nhưng, khi cả thế giới đã gọi đội hình chính của Brazil tại World Cup 1970 là “Đội Bóng Đẹp” (The Beautiful Team) thì, xin nhớ cho, cái tên ấy không được tạo nên chỉ bởi những con số lạnh lùng.
Nằm trong bảng “nặng ký” nhất ở vòng loại World Cup 1970, Brazil vẫn toàn thắng 6 trận trước Paraguay, Colombia, Venezuela, ghi 23 bàn và chỉ thủng lưới 2 bàn. Đấy hẳn nhiên là thành tích đầy ấn tượng, bởi suy cho cùng thì Brazil chỉ là một đội thất bại ở kỳ World Cup 1966 trước đó. Nhưng điều thú vị ở đây: ai đã dẫn dắt Brazil vượt qua vòng loại World Cup 1970? Đấy là Joao Saldanha, một... nhà báo.
Thời trai trẻ, Saldanha có đá... vài trận cho CLB Botafogo. Nhưng tóm lại, chẳng ai biết rõ khả năng chơi bóng của Saldanha là như thế nào. Ông chỉ nổi tiếng từ khi viết lách, với đặc điểm rõ ràng là chỉ “chê” chứ rất ít “khen”. Saldanha thường xuyên chỉ trích các cầu thủ, HLV hoặc cách chơi của các CLB, và được biết đến bởi cách bình luận sắc sảo. Năm 1957, đội Botafogo bất ngờ trao ghế HLV trưởng cho Saldanha, và ông dẫn dắt đội này đến chức vô địch bang Rio trước khi từ chức vào năm 1959.
Thế rồi, để chứng tỏ quyền lực của mình, Saldanha đã... dại dột tuyên bố một điều mà cả Brazil không thể chấp nhận. Khoan nói Dario, HLV Saldanha còn dọa sẽ không gọi Pele vào đội tuyển tham dự World Cup. Thế thì rắc rối quá to rồi.
Tổng thống Medici mời đội tuyển Brazil dự tiệc mừng công sau vòng loại World Cup 1970. Saldanha khước từ, viện cớ đội vẫn phải tập theo đúng lịch trình. Thế là giới chức lãnh đạo bóng đá Brazil, với ảnh hưởng khá rõ từ phía chính quyền, sa thải Saldanha.
Làm sao thì làm, cứ phải bảo đảm Pele có mặt trong đoàn quân dự World Cup. Hội đồng cầu thủ nhóm họp và quyết định: Mario Zagallo - đồng đội của Pele trong đội hình vô địch các kỳ World Cup 1958, 1962 - sẽ dẫn dắt Brazil tại Mexico 1970.
ĐT BRAZIL KHÔNG CHỈ SIÊU VỀ KỸ THUẬT
Thế là Zagallo giữ ghế HLV trưởng ở thời điểm chỉ vài tháng trước khi World Cup 1970 khai diễn. Tổng thống Medici lại cử Claudio Coutinho, một viên đại úy từng hợp tác với NASA, đến giúp Zagallo trong việc huấn luyện thể lực. Coutinho cho rằng các tuyển thủ Brazil có thể học cách huấn luyện thể lực của các phi hành gia Hoa Kỳ.
Cách đây hơn 40 năm, đấy là chuyện quá lạ đối với bóng đá. Nhưng thực tế, Brazil quả đã đi trước thời đại, đã biết rõ tầm quan trọng của việc huấn luyện thể lực trước một giải đấu lớn. Bóng đá Brazil không chỉ đẹp về kỹ thuật và... amateur như nhiều người tưởng.
Đóng góp của đại úy Coutinho trở nên có giá trị khi các đội mạnh “té ngửa” trước khí hậu khó chịu của Mexico. Trời rất nóng, các trận quan trọng lại đá lúc giữa trưa để phục vụ khán giả truyền hình ở châu Âu (đây là lần đầu tiên người ta không chỉ được xem World Cup trực tiếp, mà còn được xem qua TV màu)!
Zagallo dĩ nhiên là quá am tường bóng đá. Ông là cầu thủ được đánh giá cao nhất về ý thức chiến thuật trong đội hình vô địch World Cup 1958, 1962. Khi Brazil chuyển từ sơ đồ 4-2-4 sang 4-3-3 và bảo vệ thành công vương miện tại World Cup 1962 thì Zagallo chính là cầu thủ lùi từ hàng tiền đạo về hàng tiền vệ.
Tại World Cup 1970, ông trở thành người đầu tiên vô địch World Cup trong cả 2 vai cầu thủ, HLV. Sau này, Zagallo còn vô địch World Cup 1994 trong vai trò trợ lý cho Carlos Alberto Parreira, rồi Zagallo lại đưa Brazil vào trận chung kết World Cup 1998 trong vai trò HLV trưởng.
Thử hỏi, còn có sơ đồ chiến thuật nào, đấu pháp nào, cách chơi nào, mà Zagallo không rành rẽ? Thủ quân đội tuyển Brazil tại World Cup 1970, Carlos Alberto bình luận: “Zagallo không chỉ am tường đấu pháp. Điều quan trọng là ông rất thông minh và biết cách truyền đạt một cách ngắn gọn để chúng tôi hiểu rõ ông muốn gì”.
“ĐỘI BÓNG ĐẸP” KHÔNG CÓ ĐỐI THỦ
Với một HLV như vậy, với cách chuẩn bị thể lực như vậy, và với cả tài năng lồ lộ của cả một chùm sao quanh Pele, Brazil trở thành đội bóng không có đối thủ tại VCK World Cup 1970. Nói vậy là thừa, bởi bây giờ người ta vẫn công nhận đấy là đội bóng mạnh nhất trong lịch sử World Cup.
Cách vận hành và hoán chuyển nhuần nhuyễn giữa các sơ đồ 4-3-3, 4-4-2, 4-2-4 của Brazil làm cho báo giới choáng ngợp. Hệ quả là bây giờ, có rất nhiều cách ghi nhận khác nhau về đội hình của Zagallo tại kỳ World Cup lịch sử ấy.
Tất nhiên, đứng theo sơ đồ nào là tùy tình huống cụ thể. Điều rõ ràng là khi Brazil có bóng thì đối phương không thể chống đỡ. Ở khu giữa sân, Gerson luôn là ngôi sao trung tâm, là bộ óc của toàn đội. Tostao thì luôn biết cách di chuyển khôn khéo để người đá cặp ở vị trí trung phong là Pele không bao giờ đói bóng. Jairzinho tuy chỉ đá cánh, nhưng đấy lại là cầu thủ duy nhất trong lịch sử ghi bàn ở mọi trận đấu, thuộc mọi vòng đấu, trong một kỳ World Cup.
Hễ Gerson có bóng, đối phương phải đối phó bằng 2 cầu thủ. Thế là Tostao chiếm được khoảng trống. Lại phải có 2 cầu thủ đối phó với Tostao. Thế là khoảng trống và cơ hội lại mở ra cho Pele, Jairzinho, Rivelino... Cứ thế, “Đội Bóng Đẹp” nhảy múa đến ngôi vô địch World Cup 1970!