Một trong số đó nhìn khá nhút nhát, đầy lo lắng, bước ra sân trong sự hoài nghi từ trên các khán đài: “Thằng nhóc gày gò này là ai nhỉ?”. Chàng trai run như cầy sấy, luống cuống bắt tay người bị thay ra Vegard Heggem, vào sân và hoàn toàn không để lại ấn tượng nào đáng kể.
NHÚT NHÁT & LUÔN LO LẮNG
Liverpool thời điểm ấy đang bị đánh giá rất thấp. HLV Roy Evans đã rời đội sau khi đưa The Kop cán đích thứ nhì ở mùa 1996/97, với 7 điểm ít hơn nhà vô địch M.U.
Houllier lên thay và ngập trong một mớ bòng bong: Liverpool vừa thua Derby ngay trên sân nhà, bị Tottenham loại ở Cúp Liên đoàn và bước vào trận gặp Blackburn khi đang đứng thứ 9 ở Premier League. Đó là buổi hoàng hôn của một loạt những ngôi sao già: David James, Jason McAteer, Jamie Redknapp và Steve McManaman...
Phía sau họ, chưa có một bình minh nào lớn lên ở Anfield, ngoài Michael Owen, người đã cùng Gerrard trưởng thành ở đội trẻ Liverpool và được xem là ứng viên sáng giá cho danh hiệu nhà thể thao của năm khi mới 18 tuổi.
Owen trở về từ World Cup 1998, với một bàn thắng để đời vào lưới Argentina, và ai cũng tin rằng đó mới là ngôi sao dẫn đường của Liverpool, trong thời kỳ tranh tối tranh sáng này. Không ai kỳ vọng vào một cậu nhóc mảnh khảnh nhìn như thể sắp đánh rơi tim ra khỏi lồng ngực trong trận ra mắt, và một tuần sau, chơi trận đá chính đầu tiên của mình rất thảm hại. Một cậu nhóc có tên Steven Gerrard.
Houllier xếp Gerrard chơi ở biên phải trong trận gặp Tottenham, và đó là một sai lầm. Stevie hoàn toàn bị “khớp” khi đối đầu với David Ginola, ứng viên số một cho danh hiệu Cầu thủ của năm do Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp bầu chọn.
“Ginola đang có phong độ bùng nổ. Anh ta chế giễu tôi. Anh ta quá mạnh mẽ, và cứ như thể muốn nói: Cút đi chỗ khác chơi, thằng nhóc, mày không đủ tuổi, hãy tránh đường và trở lại cho đến khi mày mạnh mẽ được như tao. Tôi đã căng thẳng, và run sợ” - Gerrard nhớ lại. Anh nhận một đường chuyền, và vì quá sợ hãi, đã đá bừa nó lên trên mà không quan sát. Paul Ince túm lấy Gerrard và hét vào mặt: “Giữ bóng cho chắc, đồ chết tiệt!”
Trong cuốn tự truyện “My Liverpool Story” (Câu chuyện Liverpool của tôi), Gerrard rất nhiều lần miêu tả cảm giác bối rối của bản thân bằng những cụm từ đại loại như “Tai tôi ù đi”, “Đầu tôi ngập nỗi sợ hãi”, “Trong đầu tôi là mớ lùng bùng”, “Có cái gì đó đang gặm nhấm tâm trí tôi”. Khi bước vào trung tâm huấn luyện trẻ của Liverpool, nếu Owen luôn rực rỡ và cởi mở, thì Gerrard lặng lẽ, nhút nhát, sống nội tâm và chỉ thực sự được “bật công tắc” khi vào sân thi đấu.
KHÔNG PHẢI THỦ LĨNH BẨM SINH
Cậu tỏ ra vui vẻ với công việc đánh giày và bơm bóng: “Tại Melwood (sân tập của Liverpool), các cầu thủ học việc thường phải bơm bóng, quét dọn phòng thay đồ và đánh giày. Tôi được giao việc trong 1 tuần, nhưng đã xin làm tận 2 tuần. Tôi muốn chạm vào tất cả ở nơi đây. Tôi luôn làm sạch mọi thứ, đánh giày cho các đàn anh và phấn đấu được như họ. Jamie Redknapp, Robbie Fowler, David James, Paul Ince, tất cả đều là những cầu thủ hàng đầu, tôi mơ ước được như họ.”
Nhưng giờ thì Gerrard đã nhận được sự tôn trọng từ các CĐV nhà theo cách mà Owen và rất nhiều huyền thoại lớn của Liverpool không bao giờ có, dù anh không phải và chưa bao giờ là một “đại ca” của đội, giống như Roy Keane ở Man United, Patrick Vieira của Arsenal hay John Terry của Chelsea.
Một cú tắc bóng của Keane là toan tính, thậm chí triệt hạ, còn một pha xoạc bóng của Gerrard đơn giản là vì “tôi thấy cần phải làm thế”. Mùa này, anh vẫn nằm trong số những cầu thủ chạy nhiều nhất Premier League, dù từ cách đây 10 năm, Rafa Benitez đã nói thẳng vào mặt Gerrard: “Vấn đề của cậu là chạy quá nhiều.”
Nhưng cũng chính vì thế, anh đã trở thành biểu tượng của Liverpool. Gerrard không phải thiên tài, cũng không phải người có bản chất lãnh đạo và dẫn đầu. Nhưng sự nhiệt tình của anh đủ để đốt cháy một ngọn lửa soi đường cho tất cả. Tất cả nhìn vào Gerrard và tiến lên, có lẽ bởi vì anh không phải là một thủ lĩnh theo quan niệm thông thường. Đơn giản, anh chính là Liverpool.
“Tắc bóng là một liều adrenalin”
Zidane đã từng so sánh Gerrard là một Makelele của Liverpool, nhưng có lẽ đó là một nhận xét vội vàng. Gerrard không phải một mẫu tiền vệ thủ có “nghệ thuật” như Makelele, Roy Keane hay Patrick Vieira, những người đã biến những cú xoạc bóng trở thành một vũ khí đáng nể, gói trong đó sự hăm dọa, thách thức lẫn toan tính.
Gerrard quan niệm về bóng đá một cách rất đơn giản: Đối với hầu hết cầu thủ chuyên nghiệp, xoạc bóng là kỹ thuật. Đối với tôi, đó là liều adrenalin… phải thấy đối phương cầm bóng trong chân là điều làm tôi phát ốm… tôi phải giành bóng lại. Đó là bóng của tôi, và tôi sẽ làm hết sức để cướp lại nó. Xoạc bóng là một va chạm có thể phân biệt xem đâu là hèn nhát và đâu là sự dũng cảm.”
Bạn có thể kinh ngạc, nhưng đó là sự thật: Một trong những tiền vệ được đánh giá là vĩ đại nhất thế hệ của mình lại đang nói về bóng đã như một kẻ nghiệp dư. Makelele, một “sát thủ “ chuyên nghiệp ở giữa sân, coi xoạc bóng là một kỹ thuật cần phải “đúng lúc và đúng cách”, đồng thời phải “tránh mọi va chạm, vì chúng chỉ mang đến sự đau đớn”.
Gerrard thì đã từng khiến Phil Jagielka của Everton phát khóc trong một trận derby vùng Merseyside bằng hai cú xoạc liên hoàn chỉ trong có vài giây, cho đến khi hậu vệ đối phương chịu nhả bóng cho Stevie!
“Tôi không thích làm đội trưởng”
Gerrard đã nói như thế trong một bài trả lời phỏng vấn với trang tin Lfchistory.net. Anh tự nhận rằng mình không phải một người giàu tham vọng và mạnh mẽ gì cho lắm: “Tôi không hề kỳ vọng rằng mình sẽ trở thành đội trưởng, dù rõ ràng ai cũng mơ ước được là đội trưởng một ngày nào đó. Tôi sẽ không bao giờ là một đội trưởng thích quát nạt và la hét mọi người cứ hai phút một lần. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là thử và làm gương cho các cầu thủ khác trong và ngoài sân cỏ.”
Khi HLV quyết định tước băng đội trưởng từ Sami Hyypia để trao cho Gerrard, tiền vệ người Anh thậm chí đã rất lo lắng: “Tôi chỉ sợ điều đó làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa tôi và Sami. Tôi có thể mất đi một người bạn lẫn đồng đội tốt. Anh ấy luôn tốt với tôi. Anh ấy bắt tay tôi và nói: ‘Rồi cũng sẽ có ngày này thôi và bất kỳ khi nào cậu cần sự giúp đỡ hay lời khuyên, tôi luôn ở đây để chìa tay cho cậu.”
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?
Thần tượng thể thao: John Barnes và Peter Beardsley, đều là những cựu cầu thủ của Liverpool. Ngoài ra, Gerrard từng thú nhận rằng anh cũng là một fan cuồng nhiệt của Patrick Vieira và Roy Keane. John Barnes là cầu thủ có ảnh hưởng rõ nét nhất đến lối chơi của Gerrard.
Vua thẻ đỏ: Một thống kê có thể khiến bạn sốc nhưng là sự thực: Steven Gerrard chính là cầu thủ phải nhận thẻ đỏ nhiều nhất trong lịch sử Liverpool, với 6 lần bị đuổi khỏi sân. 2 người đứng gần anh nhất là Mascherano và Carragher.
Tín đồ siêu xe: Gerrard nổi tiếng là một người đam mê xe. Trong bộ sưu tập xe hơi mà anh sở hữu, có một chiếc Bentley Continental GT , Aston Martin Vanquish, Porsche 911 Turbo , Porsche Cayenne Turbo , Ferrari F430, một vài chiếc BMW X5 và một xe Merc CLK 320.
Đã từng đóng phim: Gerrard đã từng xuất hiện trong bộ phim truyền hình về thể thao “Will” chiếu vào năm 2011, về một CĐV Liverpool 11 tuổi đã đi xuyên châu Âu để xem Liverpool chơi ở Champions League tại Istanbul. Ngoài ra, anh cũng là nhân vật chính của hai bộ phim tài liệu có tên “Steven Gerrard, một năm trong đời tôi” và “Steven Gerrard: Câu chuyện của tôi”.
Có người nhà là nạn nhân thảm họa Hillsborough: Thậm chí là nạn nhân trẻ nhất. Jon-Paul Gilhooley, anh họ của Gerrard, đã qua đời khi mới 10 tuổi trong thảm kịch Hillsborough. Gerrard đã chứng kiến tất cả qua truyền hình, và người báo tin cho anh là ông nội Tony. Khi trận đấu với Man City kết thúc với kết quả 3-2 nghiêng về Liverpool, Gerrard đã khóc, và có lẽ những giọt nước mắt đó không chỉ dành cho bóng đá.