Chơi golf
(Hristo Stoichkov, Barcelona 1992)
Tại vòng 2 mùa giải 1991/92, Barcelona đáng ra đã bị loại trước Kaiserslautern nếu như Mari Bakero không ghi bàn vào phút cuối để gỡ 1-3 và giúp chúng tôi đi tiếp nhờ luật bàn thắng sân khách. Đó là trận đấu mà chúng tôi đã bị căng cứng dù đối thủ Kaiserslautern yếu hơn hẳn.
Ở trận đấu quyết định giành vé chơi trận chung kết, chúng tôi đã thắng Benfica thuyết phục. Khi đó, tất cả đều hiểu rằng với một tâm lý thoải mái nhất, chúng tôi sẽ giành chiến thắng. Chính vì thế mà 9 giờ sáng trước trận chung kết với Sampdoria, HLV Johan Cruyff đã cùng chúng tôi đi chơi golf.
Chúng tôi thực sự cảm thấy thoải mái và hứng thú trong buổi sáng hôm đó. Kết quả là Barcelona đã chơi tốt ở trận chung kết, đánh bại Sampdoria và giành chiến thắng với pha làm bàn duy nhất của Ronald Koeman trong hiệp phụ.
Biết mình, biết ta
(Sinisa Mihajlovic, Sao Đỏ Belgrad 1991)
Tôi cho rằng Sao Đỏ Belgrad gặp Marseille trong mùa 1990/91 là trận chung kết C1 buồn tẻ nhất lịch sử. Ít giờ trước khi trận đấu bắt đầu, HLV Ljupko Petrovic tập trung chúng tôi họp chiến thuật. Ông ấy nói “nếu chúng ta tấn công, chúng ta sẽ tạo cơ hội cho Marseille phản đòn và sẽ tự làm hại mình”. Khi đó, tôi đã hỏi lại “vậy chúng ta phải làm gì?”. Ông ấy nói với giọng nghiêm túc “nếu đoạt được bóng, hãy trả lại nó cho họ”.
Hôm đó, chúng tôi đã chơi một trận đấu chặt chẽ suốt 120 phút mà không hề có ý định tấn công đối thủ. Trận đấu bước sang loạt luân lưu. Manuel Amoros không thể ghi bàn cho Marseille trong khi chúng tôi thực hiện thành công cả 5 lượt sút để thắng trận.
Theo tôi, Petrovic đã có một quyết định đúng đắn. Chúng tôi không chơi tấn công, không phải vì yếu hơn đối thủ mà bởi Marseille rất mạnh trong phản công và thích chơi với lối chơi đó ở các trận đấu lớn. Ở một trận chung kết, quan trọng nhất là chiến thắng, bất kể bằng cách nào.
Xem trận đấu như một con diều hâu
(Lars Ricken, Borussia Dortmund 1997)
Ở trận chung kết Champions League 1997 với Juventus, tôi đã phải ngồi dự bị trong khoảng 70 phút đầu. Chúng tôi ngồi theo dõi trận đấu rất chăm chú và nhận ra rằng thủ thành Angelo Peruzzi thường rời rất xa khung thành trong những tình huống tấn công của Juventus. Khi đó, tôi đã nói với các đồng đội rằng nếu vào sân, tôi sẽ tìm cách lốp bóng.
Cơ hội đến với tôi chỉ sau khoảng 10 giây vào sân và tôi đã thực hiện một cú lốp bóng hoàn hảo để ấn định tỷ số 3-1. Khi đó, tôi mới 20 tuổi và đó là bàn thắng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của tôi. Một pha bóng đáng nhớ, một khoảnh khắc lịch sử nhưng tôi không nghĩ mình gặp may trong pha dứt điểm đó.
Chọn thủ môn biết bắt phạt đền
(Helmuth Duckadam, Steaua Bucharest 1986)
Một thủ môn biết và thích bắt phạt đền có thể sẽ giúp ích cho đội bóng tại một trận chung kết. Ở loạt sút luân lưu với Barcelona trong trận chung kết C1 1985/86, tôi đã cản phá thành công cả 4 loạt sút của đối thủ bởi đã nghiên cứu rất kỹ về các thói quen của họ.
Sau khi cản phá thành công quả sút đầu tiên của Alexanko, tôi đã quyết định giữ nguyên góc bay và cản phá được cú sút của Pedraza. Quả tứ 3 và 4 cũng vì thế và trở nên đơn giản hơn rất nhiều bởi khi đó các đối thủ đã rất sợ hãi khi phải đối mặt với tôi.
Tấn công bằng cả thủ môn
(Peter Schmeichel, Manchester United 1999)
Xâm nhập vòng cấm đối phương vào cuối trận, khi đội nhà đang bị dẫn điểm là thói quen của tôi. Tại sao ư? Tôi chẳng thấy khác biệt lớn nào giữa việc thua 0-1 và 0-2. Khi một cầu thủ to cao như tôi xâm nhập vòng cấm, ở thời điểm mà tất cả các cầu thủ đối phương đều đã có người để kèm, rõ ràng là một cơ hội.
Đó là điều mà tôi đã làm ở trận chung kết Champions League 1998/99 với Bayern. Ở tình huống đá phạt góc đó, David Beckham rất hiểu tôi và treo bóng vào vị trí mà tôi đã chọn trước. Điều đó đã tạo nên một tình huống lộn xộn và sau đó, Teddy Sheringham đã gỡ hòa và Man United đã có màn ngược dòng lịch sử.
Hát thật to
(Mark Lawrenson (x), Liverpool 1984)
Liverpool tới sân 1 tiếng rưỡi trước giờ bóng lăn của trận chung kết C1 mùa 1983/84. Sau những thủ tục cần thiết, chúng tôi đã cùng nhau hát. Đó là những bài hát của Chris Rea. Tôi không biết thực sự nó có ý nghĩa như thế nào và hoàn toàn ngẫu hứng. Nhưng càng lúc các cầu thủ càng hứng thú với điều này.
Phòng thay đồ tại sân Olimpico khá sát nhau và trong lúc ra sân, chúng tôi vừa hát vừa đi qua phòng thay đồ của đội chủ nhà Roma. Ở cuộc họp báo sau trận đấu đó, HLV Nils Liedholm của Roma nói: “Tôi đã tiên liệu trước thất bại của Roma. Sát giờ bóng lăn, trong khi chúng tôi vẫn bàn về điểm mạnh, yếu của Liverpool thì các cầu thủ của họ lại hát say sưa và ngày càng to. Họ đã có một tâm lý thoải mái hơn so với chúng tôi ở trận chung kết và chính điều đó đã mang về chiến thắng”.
Đánh lừa đối thủ
(Marcel Desailly, Milan 1994)
Milan bị đánh giá yếu hơn so với Barcelona ở trận chung kết Champions League 1993/94. Thế nhưng, chúng tôi đã có một kế hoạch chi tiết cho trận chung kết. Trước trận đấu, tất cả các cầu thủ khi tiếp xúc với truyền thông đều cho rằng “Milan không có cơ hội”, “Barcelona quá mạnh với chúng tôi”…
Đó là một chiến thuật, ngoài việc làm đối thủ chủ quan còn giúp các cầu thủ quyết tâm và tập trung cao độ. HLV Fabio Capello cũng biết cách để tận dụng những điều đó trong trận đấu để giúp Milan gây bất ngờ cho Barcelona với lối chơi tấn công và thắng đậm 4-0.
Không được xao động
(Phil Neal, Liverpool 1977, 1978, 1981, 1984)
Tôi đã chơi 5 trận chung kết C1 từ 1977 tới 1984 và cho rằng điều quan trọng nhất với các cầu thủ và các đội bóng là phải giữ được một cái đầu lạnh và gắn kết với nhau. Trước đây, phần lớn những chuyến đi xa đều khá lạ lẫm với các cầu thủ. Thế nên, việc giữ được sự bình tĩnh trước mọi tình huống và chơi bóng đúng với những gì đã tập luyện và chuẩn bị từ trước là điều quan trọng nhất.
Đó không phải là một bí quyết mà là điều bắt buộc. Song, không phải đội bóng nào, cầu thủ nào cũng làm được, đặc biệt là trong một trận chung kết.