HLV Alejandro Sabella có thể nghiên cứu tỉ mỉ các trận Đức gặp Algeria và Ghana để rút ra vài điều bổ ích. Đành rằng Algeria chỉ biết cố thủ chứ không có khả năng phản công, có nghĩa cách chơi quá nặng về phòng thủ mà Algeria áp dụng chẳng qua chỉ giúp được họ kéo dài thời gian không thủng lưới khi gặp Đức. Nhưng nếu thay chỗ Algeria là một Argentina thực sự đáng gờm? Và nếu Argentina cũng phòng thủ thành công như Algeria? Đương nhiên cơ hội tung phản đòn sẽ đến với đội bóng Nam Mỹ.
Ở trận gặp Ghana tại vòng bảng, Đức chỉ hòa trong tình thế bị dẫn điểm. Hàng thủ Đức thỉnh thoảng lại phạm sai lầm trong khi hàng công chơi rất khó khăn ở trận này. Điểm chung giúp Ghana và Algeria làm cho các cầu thủ Đức toát mồ hôi hột: họ đều có thể lực tốt.
Thể lực giúp các cầu thủ Algeria đối chọi thành công trong các tình huống tranh chấp tay đôi với các cầu thủ Đức nhìn chung là chơi không quá quyết liệt. Và thể lực giúp Ghana chơi pressing thành công đến nỗi có những thời điểm người ta thấy Ghana hay hơn cả Đức! Bây giờ, Sabella có thể rút ra bài học: họ không nhất thiết phải chơi pressing như Ghana, nhưng họ có thể dùng tốc độ và lối chơi quyết liệt để tấn công đại diện châu Âu trên sân cỏ Nam Mỹ. Nếu cần tìm một CLB danh tiếng ở châu Âu để so sánh thì có lẽ Argentina giống nhất với đội ĐKVĐ Champions League, Real Madrid.
Argentina chơi thiên về công, nhưng họ lại có khả năng phản công rất tốt nhờ tốc độ và kỹ thuật tuyệt vời của các ngôi sao phía trên. Khi tấn công nhanh, Argentina thường trải rộng đội hình, mở rộng các hướng tấn công và bất cứ mũi tấn công nào trong tay Sabella cũng có đủ kỹ thuật cá nhân để tự mình giải quyết vấn đề. Lionel Messi dĩ nhiên là quá nguy hiểm, nhưng Argentina không chỉ có mỗi Messi.
Trên nguyên tắc, lối chơi của Đức dựa vào việc giữ và chuyền bóng nhiều. Khó mà kể hết các ưu điểm trong sức tấn công của Đức, của các cầu thủ chơi từ hàng tiền vệ trở lên. Nhưng hậu vệ Đức? Họ không bao giờ sở trường về tốc độ, nhất là đối với các trung vệ. Đức càng giữ bóng nhiều, càng mải lo tấn công, và nếu hậu vệ Đức càng dâng cao, thì đấy chính là cơ hội để Argentina tung đòn tấn công hoặc phản công nhanh mỗi khi có bóng. Một khi Ghana đã có thể chọc thủng hàng thủ Đức thì Argentina đương nhiên cũng có thừa khả năng ấy.
Thật ra, HLV Loew đương nhiên hiểu hơn ai hết những nhược điểm của các trung vệ Đức. Thế nên, ông phải bố trí đội hình khá thấp, phòng thủ thật chắc khi gặp Pháp ở vòng tứ kết. Pháp tấn công khá nhanh, khá đẹp, và hoàn toàn không thiếu ngôi sao. Nhưng cách tấn công của Pháp lại thiếu hẳn chi tiết quan trọng nhất, đó là hiệu quả. Nói rằng Đức “nhường sân” cho Pháp tấn công một cách vô vọng thì đúng hơn. Nhưng Đức có dám “nhường sân” cho Argentina?