Trong lịch sử bóng đá xứ Sương mù, Tam sư chưa bao giờ lâm vào tình cảnh khan hiếm “súng ống” như hiện tại. Dường như thời nào, nước Anh cũng đều sản sinh ra những tiền đạo tài danh: Stanley Matthews của thập kỉ 50, Bobby Robson, Geoff Hurst những năm 60, Keegan thập niên 70, Lineker cuối 80 đầu 90, Alan Shearer, Sheringham, Fowler những năm 90 và rồi tới thời của Michael Owen đầu những năm 2000.
Ấy thế mà hãy nhìn vào hiện tại để xem Tam sư đang sở hữu những cái tên nào trên tuyến đầu: Carroll - bản hợp đồng thất bại nhất nhì lịch sử Liverpool; Jermain Defoe - đã ngừng phát triển từ lâu dù tiềm năng rất lớn, và hiện chỉ là "siêu dự bị" tại White Hart Lane; Rickie Lambert - mới đá tổng cộng 94 phút cho tuyển Anh, vài mùa trước còn "ngụp lặn" tại Championship, hay Daniel Sturridge và Danny Welbeck, những người chưa bao giờ là mẫu tiền đạo săn bàn điển hình.
Thực ra, đi sâu vào vấn đề, đẳng cấp cỡ Andy Carroll trước đây sẽ chỉ được dùng làm “nền” cho một “sát thủ” tỏa sáng, thay vì là “chủ lực hàng công” như trong đội hình của Hodgson hiện nay. Điển hình chính là trường hợp “cặp bài trùng” Emile Heskey - Michael Owen của Liverpool và ĐT Anh những năm 2000. Vấn đề ở chỗ ĐT Anh giờ chỉ có “nền” mà lại thiếu đi “sát thủ”.
Owen và Heskey từng làm mưa làm gió tại Premier League
Trên hàng công Tam sư lúc này, bỏ qua nạn chấn thương thì ngoài Rooney và Sturridge, gần như cũng chẳng còn ai xứng đáng với cái mác “sao”. Ngay cả 2 cái tên kể trên cũng đã quá quen đá lùi hoặc dạt cánh, đóng vai “nền” cho đồng đội hơn là tự mình tỏa sáng. Riêng trường hợp Sturridge lúc này đang ghi bàn rất tốt, nhưng chẳng có gì đảm bảo anh sẽ duy trì được phong độ ấy bởi tiền đạo của Liverpool không phải mẫu “sát thủ vòng cấm” như mong đợi.
Vậy, những tiền đạo Anh có khả năng ghi hơn 20 bàn/mùa đều như vắt chanh giờ ở đâu? Không lẽ họ đều đã “tuyệt chủng”? E rằng điều đó ít nhiều đã trở thành sự thực. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng có một lý do lớn nhất dẫn tới tình trạng ấy: xu hướng “ngoại nhập” của Premier League đang “giết chết” các chân sút tiềm năng ngay từ khi còn trong “trứng nước”.
Nhìn những “sát thủ” như Robin Van Persie, Christian Benteke hay Sergio Aguero tung hoành, mấy ai dám “chơi ngông” dồn tiền đưa về “hàng thất sủng” Daniel Sturridge từ Chelsea như Liverpool? Và nếu cứ ở lại Stamford Bridge “mài mòn” ghế dự bị, sớm muộn tiền đạo 24 tuổi cũng sẽ thui chột và “lang bạt” tới giải hạng Nhất. Đó cũng là dấu chấm hết cho một tài năng, và đa phần những cầu thủ triển vọng của bóng đá Anh đã đi theo con đường ấy.
Tuyển Anh vẫn phụ thuộc nhiều vào các "ông lão" Lampard, Gerrard
Đâu chỉ có vị trí tiền đạo, mà ngay cả thủ môn và tiền vệ trung tâm nước Anh cũng đều đang thiếu. Thử hỏi ngoài Joe Hart, những cái tên John Ruddy (Norwich) hay Fraser Foster (Celtic) liệu có xứng tầm đứng trong khung gỗ một đội tuyển mạnh như Tam sư? Hay tuyến giữa của Hodgson sẽ ra sao, sau khi Gerrard, Lampard và Carrick giải nghệ? Chẳng ai muốn nghĩ tới điều đó.
Dễ thấy, ba vị trí đề cập ở trên đều là những vai trò trọng yếu cần sự ổn định. Các CLB Premier League có thể tạo điều kiện cho những tài năng trẻ bản địa chạy cánh, tham gia phòng ngự hay kiến tạo, nhưng không đời nào đặt niềm tin vào họ cho những vị trí quan trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức mạnh đội bóng. Xu hướng “ăn xổi” giờ không còn là "độc quyền" của các đại gia. Dù mọi CLB đều biết đó là sai lầm, nhưng lại chẳng ai dám từ chối chạy theo nó.
Bởi vậy, muốn tuyển Anh trở lại với kỉ nguyên huy hoàng của những “siêu tiền đạo” như Shearer hay Lineker, bóng đá xứ Sương mù cần một sự thay đổi ở tầm vĩ mô và lâu dài, thay vì việc các nhà chức trách cứ đôi lúc lại gân cổ lên chỉ trích CLB, để rồi chẳng có gì thay đổi. Hình mẫu của bóng đá Đức đã quá rõ ràng, nhưng với sự bảo thủ đã thành… truyền thống của dân Ăng-lê, thật khó để kỳ vọng “họng súng” của họ trong tương lai có thể vượt qua tầm vóc những Rickie Lambert hay Andy Carroll. Và hãy tin người Anh sẽ còn phải chờ “dài cổ” nếu muốn nhìn thấy Tam sư giành danh hiệu.