Đặt giả thiết rằng một HLV được lựa chọn mua Sergio Aguero (39 triệu bảng) và Andy Carroll (35 triệu bảng), có lẽ chỉ những ai không hiểu gì về bóng đá mới không nghiêng về tiền đạo của Man City, bất chấp anh đắt hơn chân sút người Anh 4 triệu bảng. Tương tự như vậy, Lescott (23 triệu) chẳng thể so sánh với bộ đôi Vermaelen và Mertesacker (tổng cộng chỉ gần 20 triệu bảng).
Nói vậy để thấy được mức giá quá cao người Anh đang tự đặt ra cho những cầu thủ của mình. Nhìn toàn bộ xứ sương mù, liệu có cầu thủ nào đáng gọi là ở đẳng cấp thế giới? Wayne Rooney, cầu thủ được cho là xuất sắc nhất bóng đá Anh hiện tại, liệu có thể “ngồi cùng mâm” với Lionel Messi hay Cris Ronaldo? Ngay cả Neymar hay Iniesta chưa chắc “gã Shrek” đã vượt qua được, chứ đừng nói tới hai siêu sao hàng đầu thế giới. Nhưng giá trị của Rooney, nếu theo “cán cân” riêng của người Anh, chẳng thua kém gì Messi hay CR7, và chắc chắn phải hơn Bale, cầu thủ đắt giá nhất thế giới hiện nay.
Rooney có hay hơn Bale?!
Hãy nhìn sang ĐT Anh, đội bóng hấp dẫn và “lung linh” bậc nhất thế giới nhờ vào tài “tâng bốc” của giới truyền thông. Người ta xem Tam sư đá không vì những pha phối hợp mạch lạc nhuần nhuyễn, không vì những pha xử lý xuất thần và kĩ thuật của các cầu thủ ngôi sao, mà bởi họ muốn xem Ashley Cole sau khi… qua đêm với gái làng chơi đá bóng thế nào, Wilshere… hút thuốc xong thì phong độ ra sao…
ĐT Anh khó có thể được gọi là một đội bóng mạnh. Bởi một đội bóng mạnh sẽ không triệu tập những cầu thủ như Rickie Lambert, người đã gắn bó gần như cả sự nghiệp với giải hạng nhất. Họ sẽ không “bí” thủ môn đến mức phải thuyết phục Manuel Almunia, một thủ môn ở mức trung bình và lại là người TBN 100%, đóng vai trò “gác đền” cho ĐT. Và hơn hết, tầm vóc của Roy Hodgson cũng chưa xứng gánh vác một ĐTQG lớn.
Thế nhưng, mức giá của các cầu thủ Anh thì vẫn cứ là “vô đối”. Truyền thông xứ Sương mù giỏi “quảng cáo” thế nào thì ai cũng rõ, đó tưởng chừng là điều tốt, nhưng lại đang làm hại chính nền bóng đá nước này. Cầu thủ Anh luôn tự huyễn hoặc rằng họ là những ngôi sao, họ đặc biệt hơn tất cả, và do đó họ mặc nhiên có cái giá “trên trời”.
Báo chí Anh biến cầu thủ Anh thành những siêu sao
Luật hạn chế cầu thủ ngoại do FA đề ra với mục đích “cao cả” là tạo thêm cơ hội cho những tài năng bản địa, nay lại đang “phản” lại chính bóng đá Anh. Nó làm cho những cầu thủ nội địa càng trở nên quý giá với CLB chủ quản, đáng tiếc không phải bởi trình độ chuyên môn. Các CLB Premier League cần họ, và tất nhiên sẽ đòi giá cao hơn những cầu thủ nước ngoài ở cùng đẳng cấp.
Bên cạnh đó, cầu thủ Anh rất hiếm khi ra nước ngoài thi đấu. Họa hoằn lắm mới thấy một trường hợp như của McManaman, Beckham hay Owen... Tiền lệ thất bại nhiều hơn thành công của thế hệ đi trước khiến cầu thủ Anh "rụt rè" hơn, và ở lại Premier League sẽ là lựa chọn an toàn cho sự nghiệp của họ. Điều đó có nghĩa những tài năng bản địa sẽ chỉ chuyển từ một CLB Anh này sang CLB Anh khác cùng giải đấu. Và đương nhiên đội bóng chủ quản sẽ không dễ dàng bán cầu thủ của họ với giá rẻ cho kình địch.
Một yếu tố nữa thuộc về tâm lý: những đội bóng Anh luôn tin tưởng vô điều kiện rằng để thành công tại Premier League, một cầu thủ tốt nhất nên là người Anh. Theo họ, chỉ có thể lực, tốc độ và lối chơi của cầu thủ Anh mới dễ thích nghi với bóng đá nước này. Cầu thủ Anh do đó được xem là có những "tố chất" phù hợp hơn cầu thủ ngoại quốc, và giá cũng sẽ phải cao hơn.
Thiết nghĩ với cách làm hiện tại của FA, bóng đá Anh sẽ chẳng bao giờ vươn được tới tầm vóc của Italia, chứ đừng nói tới TBN và Đức, hai nền bóng đá thành công bậc nhất châu Âu. Nên nhớ, Azzurri đã vô địch World Cup 2006, điều mà người Anh chỉ thấy được… trong những giấc mơ. Thay đổi là điều người Anh cần làm, tất nhiên. Nhưng thay đổi cách nào, khi họ đã sai ngay từ nền móng?