Phải thừa nhận một điều, mỗi khi nhắc đến U19 Việt Nam là nhiều người lại nghĩ ngay đến một phiên bản với nòng cốt là lứa cầu thủ được trưởng thành từ lò đào tạo HAGL - Arsenal JMG. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… làm nức lòng khán giả với các pha bóng thêu hoa dệt gấm, những thắng lợi và hàng loạt pha lập công đẹp mắt vào lưới U19 Arsenal, U19 Australia… Trong bối cảnh bóng đá Việt Nam gặp nhiều khó khăn ở giải VĐQG cũng như đấu trường khu vực lẫn quốc tế thì sự thăng hoa về cả về lối chơi lẫn kết quả khi ấy của U19 Việt Nam mang đến cho người hâm mộ một điểm tựa về niềm tin, về tinh thần và cả sự hy vọng về tương lai bóng đá nước nhà.
Song ngược lại, sự thành công ấy của U19 Việt Nam phiên bản “HA.GL – Arsenal JMG” cũng vô tình làm hình ảnh của chính đội U19 Việt Nam một năm sau đó bị đặt trong nhiều sự so sánh hơn và cũng chịu áp lực hơn nhiều. Gạt đi những lời ong tiếng ve ấy, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn bền bỉ luyện tập trong suốt gần 1 tháng vừa qua nhằm hướng đến chiến dịch VCK U19 Đông Nam Á cuối tháng 8 và xa hơn là vòng loại U19 châu Á 2016.
Không gây sự chú ý với những chuyến tập huấn trời Âu hay Nhật Bản, cũng chẳng có các chiến thắng gây tiếng vang trước một loạt các đội bóng trẻ tầm cỡ thế giới nhưng U19 Việt Nam dưới triều đại HLV Hoàng Anh Tuấn đang âm thầm tạo ra dấu ấn riêng trong chiến thuật cũng như bộ khung thi đấu.
Trọng Hóa (phải) cùng 7 cầu thủ PVF được triệu tập lên đội tuyển U19 Việt Nam - Ảnh: Trí Công
Nếu như U19 Việt Nam một năm về trước sử dụng sức mạnh dựa trên lứa cầu thủ thuộc HA.GL Arsenal – JMG thì “dòng máu” đang chảy trong U19 Việt Nam năm nay là PVF. Trong tổng số 28 cầu thủ được triệu tập đợt 1 (sau đó bổ sung thêm Thanh Hậu của HA.GL và Tiến Linh của B.Bình Dương) thì PVF đóng góp tới 8 gương mặt. Đứng thứ 2 sau đó là Viettel. Đáng chú ý hơn, quan sát một số buổi tập của U19 Việt Nam trong thời gian qua thì cũng có khoảng 5-6 cầu thủ PVF thường xuyên xuất phát ở đội hình chính. trong đó có những cái tên vừa cùng U17 PVF giành chức vô địch U17 Quốc gia báo Bóng đá – Cúp Thái Sơn Nam 2015, như Hồ Minh Dĩ, Bùi Tiến Dụng, Phạm Trọng Hóa, Trần Văn Hòa hay Lâm Thuận.
HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ song đồng thời cũng muốn tạo cơ hội cho tất cả các học trò mà ông đang có trong tay: “Các em (Minh Dĩ, Trọng Hóa, Tiến Dụng… - PV) đều sở hữu những tốt chất đáng quý. Đa phần các em đều có sự tiến bộ rõ rệt về chuyên môn và hòa nhập nhanh với các đồng đội mới. Tuy vậy, mặc dù PVF chiếm số lượng khá đông ở đợt tập trung này nhưng tôi chưa khẳng định điều gì. Đội hình ưng ý nhất cho U19 Việt Nam sẽ chỉ đến sau khi chốt danh sách”.
Đặc biệt hơn chính là chiến thuật mà HLV Hoàng Anh Tuấn sử dụng cho U19 Việt Nam. Hai sơ đồ 3-6-1 và 4-2-3-1 đã cho thấy được chất “dị” của chiến lược gia người Khánh Hòa. Đó không phải là sự bột phát nhất thời dựa trên những cầu thủ mà ông thầy “đất Biển” có trong tay mà sơ đồ ấy được hình thành ngay từ khi lựa chọn quân số, tập luyện cho đến khi thi đấu các trận giao hữu vừa qua.
Nói không phải ngẫu nhiên bởi xuyên suốt từng buổi tập với những giáo án cụ thể, HLV Hoàng Anh Tuấn cùng các cộng sự đã uốn nắn cho từng cầu thủ kỹ năng, tư duy và triết lý với những sơ đồ chiến thuật mà ông định hình cho U19 Việt Nam. Tiền vệ Hồ Minh Dĩ là một điển hình tiêu biểu. Ngay ở những buổi tập đầu tiên, cầu thủ của PVF liên tục được yêu cầu bám biên trái với nhiệm vụ phải hỗ trợ cả tấn công lẫn phòng ngự. Hay ở vị trí tiền vệ trụ, vai trò phòng thủ không chỉ riêng mỗi cặp Tiến Dụng – Trọng Huy mà cả những tiền vệ công như Trọng Hóa hay Duy Khánh cũng sẵn sàng ùa về bọc lót, tạo nên một hệ thống phòng ngự cứng cho U19 Việt Nam.
Bộ khung sơ đồ 3-6-1 mà HLV Hoàng Anh Tuấn có thể sử dụng cho U19 Việt Nam
Cái “dị” của HLV Hoàng Anh Tuấn ở chỗ ông còn sử dụng những cầu thủ trái với sở trường của họ. Dương Văn Hào của Viettel vốn là một tiền đạo được kéo về chơi ở cánh trái, thậm chí là hậu vệ biên như ở chiến thắng 3-1 trước U19 Lào trên sân Hà Nam chiều qua. Tất cả đều đang khiến cho người hâm mộ bất ngờ xen lẫn sự tò mò và háo hức về U19 Việt Nam năm nay.
Trong 4 trận giao hữu vừa qua, HLV Hoàng Anh Tuấn đã luân phiên sử dụng 2 sơ đồ chiến thuật. 29 cầu thủ tính đến thời điểm này cũng được trao cơ hội trong cả tập luyện đối kháng lẫn thi đấu giao hữu. Theo lịch trình, sau khi kết thúc trận giao hữu với U19 Lào vào chiều mai, Ban huấn luyện đội bóng sẽ họp bàn để chốt danh sách 25 cầu thủ tham dự VCK Đông Nam Á 2015 tại Lào vào cuối tháng 8.
U19 Việt Nam sẽ nằm ở bảng B cùng với Myanmar, Singapore, Malaysia và Đông Timor ở giải đấu lần này.
Kết quả, lịch thi đấu U19 Việt nam Giao hữu U19 Việt Nam 1-0 U19 Quảng Ninh (đá đến phút 25 thì tạm hoãn vì mưa lớn). U19 Việt Nam 0-1 Nam Định U19 Việt Nam 4-4 Viettel U19 Việt Nam 3-1 U19 Lào U19 Việt Nam vs U19 Lào (16h00 ngày 14/8, sân Trung tâm Đào tạo trẻ) VCK Đông Nam Á 2015 U19 Việt Nam vs U19 Đông Timor (18h00 ngày 25/8, sân Quốc gia Lào) U19 Việt Nam vs U19 Malaysia (18h00 ngày 27/8, sân Quốc gia Lào) U19 Việt Nam vs U19 Singapore (18h00 ngày 29/8, sân Quốc gia Lào) U19 Việt Nam vs U19 Myanmar (18h00 ngày 31/8, sân Quốc gia Lào) |
Danh sách 30 cầu thủ U19 Việt Nam Thủ môn (4): Đỗ Sĩ Huy (CAND), Nguyễn Thanh Tuấn (PVF), Phạm Tuấn Vũ (B.BD), Nguyễn Bá Minh Hiếu (Hà Nội T&T). Hậu vệ (8): Trần Văn Hòa (PVF), Trương Dũ Đạt (B.BD), Nguyễn Văn Toản (Viettel), Mạc Đức Việt Anh (PVF), Đoàn Hải Quân (Long An), Nguyễn Hữu Lâm (Thanh Hóa), Hồ Tấn Tài (Bình Định), Vũ Văn Dũng (Viettel/ hiện trở về CLB vì chấn thương). Tiền vệ (13): Tống Anh Tỷ (B.BD), Nguyễn Trọng Huy (B.BD), Trần Duy Khánh (B.BD), Nguyễn Trọng Đại (Viettel), Bùi Tiến Dụng (PVF), Trương Tiến Anh (Viettel), Phạm Trọng Hóa (PVF), Hoàng Thế Tài (Viettel), Lâm Thuận (PVF), Phạm Tuấn Hải (CAND), Trần Thanh Sơn (HA.GL), Lương Hoàng Nam (HA.GL), Phan Thanh Hậu (HA.GL). Tiền đạo (5): Lưu Công Sơn (Viettel), Hà Đức Chính (PVF), Dương Văn Hào (Viettel), Hồ Minh Dĩ (PVF), Nguyễn Tiến Linh (B.BD). |