Nhưng ngày nay, với cái tên mới Thai Premier League, giải đấu này đang khiến thế giới bất ngờ với khoản thu nhập lên đến 500 triệu bath (khoảng 14,2 triệu USD) trong mùa giải 2014.
MÔ PHỎNG GIẢI NGOẠI HẠNG ANH
Năm 2007, bóng đá Thái Lan chứng kiến một thay đổi mang tính bước ngoặt khi các CLB hàng đầu nước này “hùn vốn” để thành lập một Công ty cổ phần mang tên Thai Football League với nhiệm vụ chính là tổ chức giải VĐQG Thái Lan theo một phong cách mới hoàn toàn so với trước đây. Chiến lược mà họ chọn để xây dựng giải đấu mới chính là mô phỏng giải Ngoại hạng Anh một cách tối đa nhằm đánh trúng tâm lý “cuồng Ngoại hạng Anh” của người dân Thái Lan. Vì chiến lược này mà giải đấu mới được đặt tên là Thai Premier League, còn các CLB được khuyến khích chuyển đổi mô hình hoạt động và xây dựng hình ảnh dựa trên nguyên mẫu là các CLB danh tiếng của giải Ngoại hạng Anh. Những Muangthong Utd (mô phỏng theo phong cách của Man Utd), rồi Buriram Utd (tự ví mình là bản sao của Chelsea)... đã lần lượt ra đời với chiến lược làm hình ảnh, xây dựng thương hiệu và thậm chí là cả lối chơi giống như các CLB xứ sương mù.
Hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan cũng được điều chỉnh với những giải đấu tương tự như bên Anh. Cúp Liên đoàn Thái Lan cũng ra đời để các CLB có thêm đấu trường nữa để tranh tài bên cạnh Cúp QG và Thai Premier League. Các trận đấu cũng được “Anh hóa” về cách tổ chức, tạo ra không khí lễ hội khắp các SVĐ.
Số lượng cầu thủ châu Á đến Thái Lan đang liên tục tăng lên
GIẢI ĐẤU SỐ 1 CHẮP CÁNH ĐTQG
Những thay đổi mạnh mẽ và toàn diện kể trên nhanh chóng mang đến những hiệu quả lớn về chuyên môn và đặc biệt là tài chính cho các CLB Thái Lan. Nhờ hình ảnh “hao hao giống Ngoại hạng Anh”, Thai Premier League có sức hút rất lớn với CĐV và các nhà tài trợ. Điều này giúp các CLB giàu lên nhanh chóng và sức mạnh tài chính được họ chuyển hoá thành sức bật về chuyên môn. Hai CLB thành công nhất trong việc theo đuổi “phong cách Anh” là Muangthong Utd và Buriram Utd chính là những CLB “phát tài” nhanh nhất nhờ việc luôn tuyên bố mình là “Quỷ đỏ của Thái Lan” hay “Chelsea xứ Chùa vàng”. Việc họ thay nhau vô địch Thai Premier League trong 6 mùa gần nhất (mỗi đội 3 lần đăng quang) chính là những hệ quả tất yếu.
Nhìn lại gần 1 thập kỷ áp dụng chiến lược mới, Chủ tịch HĐQT Ong-arj Kosinkar của Thai Football League tự hào cho biết: “Bây giờ thì cả thế giới đang dành cho Thai Premier League cái nhìn đầy ngưỡng mộ vì họ không thể tin là một giải đấu ở vùng trũng của bóng đá thế giới lại có thể đạt được lợi nhuận lên đến hơn 14 triệu USD/năm chỉ sau vài năm hoạt động”.
Những lợi ích về kinh tế mà Thai Premier League mang lại cho bóng đá Thái Lan sẽ được phân tích sâu hơn ở những bài viết sau. Còn lợi ích về chuyên môn thì có thể dễ dàng nhìn thấy thông qua thành tích ấn tượng mà các ĐTQG Thái Lan giành được những năm gần đây, giúp họ trở lại là nền bóng đá số 1 Đông Nam Á.
VÀI NÉT VỀ THAI PREMIER LEAGUE
Năm thành lập: 2007 (từ 2006 về trước là Thai League)
Số lượng CLB: 18
Số vòng đấu/mùa: 34
Thể thức thi đấu: Vòng tròn 2 lượt tính điểm, 3 đội cuối bảng phải xuống hạng vào cuối mùa; đội vô địch và á quân được dự AFC Champions League.
Số cầu thủ ngoại tại mỗi CLB: 4+1 AFC
Đội vô địch mùa 2014: Buriram Utd
Nhà tài trợ chính: Toyota
(Còn tiếp)
Thai Premier League trả lương cao nhất ĐNÁ Tháng 9/2015, một báo cáo về thu nhập của cầu thủ bóng đá tại một số nước ĐNÁ do AFF công bố đã xếp Thai Premier League là giải đấu có chế độ đãi ngộ tốt nhất khu vực. Cụ thể, cầu thủ đang chơi tại Thai Premier League có thu nhập bình quân đạt mức là 35.000 USD/năm, trong khi các ngôi sao như Chanathip Songkrasin hay Terasil Dangda có mức lương lên đến 180.000 USD/năm. Các ngôi sao ngoại ở Thai Premier League còn có thu nhập khủng hơn, thậm chí có thể lên đến 500.000 USD/năm. Việc Thai Premier League cho phép mỗi CLB dùng 4 ngoại binh và 1 ngoại binh quốc tịch AFC trong một trận đấu khiến giới “lính đánh thuê” đang coi giải đấu này là “miền đất hứa”. Đây cũng là nguyên nhân mà những ngôi sao ngoại của các giải đấu trong khu vực lần lượt “chuyển nhà” sang Thái Lan những năm gần đây. Chanathip Songkrasin được trả lương lên tới 180.000 USD/năm Tăng sức hút nhờ “thoáng” với cầu thủ châu Á Thai Premier League đang là giải đấu có sức hút rất lớn không chỉ nhờ mức thu nhập cao mà với riêng các cầu thủ châu Á thì giải đấu này còn là bến đỗ hấp dẫn vì có quy định khá thoáng. Tại Thai Premier League, mỗi CLB được đăng ký một suất cầu thủ ngoại mang quốc tịch AFC, trong khi các CLB hạng Nhất của Thái Lan được đăng ký các cầu thủ có quốc tịch các nước ASEAN như là cầu thủ nội. Vì thế, số lượng cầu thủ châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Indonesia hay Singapore đến Thái Lan thi đấu liên tục tăng lên những mùa giải gần đây. Chính điều này giúp các giải đấu quốc nội của Thái Lan nhận được sự quan tâm của các CĐV và giới truyền thông các nước láng giềng. |