Tối 25/1, lượt trận cuối cùng của bảng E và bảng F đã diễn ra, qua đó kết thúc các trận đấu của vòng bảng, đồng thời xác định 16 đội giành quyền đi tiếp. Theo đó, 2 đội đứng nhất nhì của 6 bảng lần lượt là Qatar và Tajikistan (bảng A), Australia và Uzbekistan (B), Iran và UAE (C), Iraq và Nhật Bản (D), Bahrain và Hàn Quốc (E), Saudi Arabia và Thái Lan (F). 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất gồm Syria (B), Palestine (C), Indonesia (D) và Jordan (E).
Phát biểu sau trận đấu, HLV Klinsmann khẳng định, Hàn Quốc không chủ trương "thả" Malaysia nhằm tránh Nhật Bản ở vòng 1/8. Tuy không thể kiểm chứng phát biểu này nhưng trận hòa đó đã đưa đội bóng xứ kim chi cán đích ở vị trí thứ nhì bảng E, qua đó không phải đối đầu Samurai xanh ở vòng 1/8.
Tuy không chạm mặt sớm với ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, Hàn Quốc lại đối đầu với một đội bóng rất mạnh khác, đó là Saudi Arabia. Trong lịch sử, đội bóng này đã 3 lần vô địch Asian Cup vào các năm 1984, 1988 và 1996, cũng như 3 lần về nhì 1992, 2000 và 2007. So về thành tích vô địch, Saudi Arabia vượt trội Hàn Quốc bởi đội bóng xứ kim chi mới có 2 lần lên ngôi vô địch, năm 1956 và 1960, đồng thời có 4 lần giành á quân, ở các năm 1972, 1980, 1988, 2015.
Saudi Arabia đang được dẫn dắt bởi HLV danh tiếng Mancini nên sẽ có một cuộc đấu trí đáng được chờ đợi với HLV Klinsmann bên kia chiến tuyến vốn lừng danh không kém. Saudi Arabia đối đầu Hàn Quốc là cặp đấu khó lường nhất và đáng được chờ đợi nhất khi chất lượng chuyên môn của 2 đội không quá chênh lệch so với 7 cặp đấu còn lại của vòng 1/8.