Tại ASIAD 18 diễn ra năm 2018 ở Indonesia, điền kinh Việt Nam giành được 2 HCV, 3 HCĐ và là nước Đông Nam Á giành được nhiều HCV nhất ở môn thi đấu “nữ hoàng”. Hai chiếc HCV của điền kinh Việt Nam giành được ở nội dung 400m rào (Quách Thị Lan) và nhảy xa nữ (Bùi Thị Thu Thảo). Đấy cũng chính là thời điểm đỉnh cao của của các tuyển thủ điền kinh Việt Nam ở đấu trường Đông Nam Á.
Nói thế, vì từ SEA Games 2017 ở Malaysia, điền kinh Việt Nam đã chính thức chiếm ngôi đầu Đông Nam Á của Thái Lan khi giành đến 17 HCV, 11 HCB và 6 HCĐ. Trong lúc đó, điền kinh xứ Chùa vàng chỉ có 9 HCV, 13 HCB, 11 HCĐ. Sau đó, điền kinh Việt Nam tiếp tục dẫn đầu ở các kỳ SEA Games 2019 và 2021, trước khi bị mất vị trí số 1 về tay người Thái ở SEA Games 32. Tại đại hội diễn ra hồi tháng 5 vừa qua ở Campuchia, Thái Lan giành 16 HCV, 8 HCB, 5 HCĐ, trong lúc Việt Nam giành 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ.
“Việc đứng đầu Đông Nam Á trong 5 năm gần đây đã khiến điền kinh Việt Nam có vẻ tự tin thái quá và vẫn chưa đào tạo được một lớp tuyển thủ kế cận có thể tiếp nối các đàn anh, đàn chị đi trước. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines đang làm điều này rất tốt. Thậm chí họ còn nhập tịch VĐV, hòng có thể đua tranh và tạo ra một lớp kế thừa mới, còn chúng ta vẫn đang dậm chân tại chỗ và thụt lùi”, chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy thừa nhận trong lần trò chuyện cùng chúng tôi sau SEA Games 32.
Không chỉ SEA Games 32, sự sa sút của điền kinh Việt Nam càng thể hiện rõ tại ASIAD 19 khi các tuyển thủ Việt Nam đã không giành bất cứ huy chương nào, dẫu chúng ta cũng có không ít hy vọng, đặc biệt là nội dung tiếp sức 4x400m nữ. Phải nói rõ, nội dung 4x400m nữ của Việt Nam với các tuyển thủ Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng đã thi đấu không tệ, thậm chí thành tích 3’31”61 của họ còn là thông số tốt nhất trong năm 2023, nhưng chỉ có thể giúp họ về thứ 4 của đợt chung kết.
Thực tế điều này đã được những người trong giới chuyên môn dự báo, dẫu đoàn Việt Nam vẫn hy vọng về một chiếc huy chương, bởi nội dung 4x400m nữ từng giành HCV tại giải vô địch châu Á năm 2023. Một tuyển thủ điền kinh đã chia sẻ cùng người viết: “Chuẩn bị cho ASIAD 19, tổ cự ly 400m đã có chuyến tập huấn tại Thượng Hải, nhưng thời gian không quá dài, nên không giúp các VĐV cải thiện nhiều thành tích.
Bên cạnh đó, chúng ta giành HCV giải vô địch châu Á 2023, nhưng nhiều nước mạnh của khu vực không tham dự, nên không thể bảo giành HCV châu Á là sẽ có vàng tại Á vận hội. Đấy là chưa kể, áp lực thành tích về chiếc HCV 4x400m đã đè nặng lên đôi chân của các nữ tuyển thủ. Trước khi bước vào tranh chung kết 4x400m nữ, các tuyển thủ như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Minh Hằng còn không dám chạy đợt đua cuối, nên có thể hiểu họ bị áp lực như thế nào”. Tuyển thủ này còn cho biết thêm: “Ngoài áp lực thành tích, thời gian qua các tuyển thủ kỳ cựu của Việt Nam đã phải thi đấu liên tục dẫn đến phong độ sa sút, Nguyễn Thị Oanh là một ví dụ khi cô ấy gần như có mặt ở tất cả các giải đấu lớn trong thời gian qua”.
Khi điền kinh Việt Nam trắng tay tại ASIAD 19 thì ngược lại các nước trong khu vực lại có sự phát triển vũ bão. Singapore giành 1 HCV, 1 HCB; Philippines giành 1 HCV; Thái Lan 2 HCB; Malaysia 3 HCĐ, và đó là một thực tế không thể phủ nhận.
Nếu điền kinh Việt Nam không có những điều chỉnh kịp thời và tích cực, khả năng chúng ta sẽ còn tiếp tục tụt hậu là điều được dự báo…