Dường như định mệnh đã đưa cả hai đội bóng này luôn giáp mặt ở những trận cầu quyết định. Thực tế, trong hơn 10 năm qua, B.BD và Hà Nội FC đã là những “tượng đài”, thế lực lớn, đối thủ kỵ giơ nhau tại đấu trường quốc nội, chưa kể họ còn so kè nhau ở cả những kỷ lục đã thiết lập được. Cụ thể năm 2007, B.BD đã lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi đăng quang V.League trước 4 vòng đấu và cột mốc đó thực sự là thử thách lớn với những đội bóng khác sau này. Nhưng đến năm 2018, tức 11 năm sau, Hà Nội FC đã phá được kỷ lục đó khi đăng quang V.League sớm tới 5 vòng đấu.
B.BD sớm ghi tên mình vào bảng vàng V.League khi trở thành đội đầu tiên có số lần vô địch nhiều nhất Việt Nam với 4 lần (2007, 2008, 2014, 2015) và khép lại năm 2018, Hà Nội FC cũng làm được điều tương tự đối thủ (2010, 2013, 2016, 2018). Nói thế để thấy B.BD và Hà Nội FC luôn tạo nên cuộc ganh đua quyết liệt và trở thành những ông vua không ngai ở sân chơi quốc nội. Rõ ràng sự ganh đua này đã tiếp thêm sự hấp dẫn cho các sân chơi mà họ góp mặt.
Có một thời, B.BD là hình mẫu về khái niệm “dream team” với đầy rẫy những tuyển thủ trong đội hình, và đến bây giờ Hà Nội FC cũng làm được điều tương tự khi có đến 2/3 đội hình chính đang thuộc biên chế tại ĐTQG. Có quá nhiều điểm tương đồng của hai đội bóng và mỗi khi gặp nhau, sự kỵ giơ, máu ăn thua luôn đậm đặc.
Hà Nội FC dù đã 4 lần vô địch V.League, 2 lần đăng quang Siêu Cúp nhưng chưa một lần vô địch Cúp QG và trong số những lần hụt bước tại sân chơi này, đội bóng của HLV Chu Đình Nghiêm đã 2 lần bị B.BD ngáng đường vào các năm 2015 và 2018. Đặc biệt, năm 2018, với dàn cầu thủ đa phần là các tuyển thủ QG như Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đức Huy, Hùng Dũng nhưng Hà Nội FC vẫn gục ngã tại bán kết trước B.BD vốn không còn duy trì được lực lượng mạnh như ở thời điểm 2014-2015. Có quá nhiều ân oán giữa hai bên và chiều nay, Hà Nội FC đương nhiên muốn đè bẹp đối thủ để thể hiện cái tôi dù phải chơi sân khách.