Bóng Đá Plus trên MXH

Bạn đọc viết: V-League nhìn từ gốc rễ
14:36 ngày 26/08/2013
Nhân sự kiện XMXT.SG bỏ giải, độc giả Hoàng Đình Quang gửi bài viết nhan đề "V-League nhìn từ gốc rễ". BONGDAPLUS.VN gửi tới quý bạn đọc để cùng chia sẻ về vấn đề này.
    Không phải là một chuyên gia, không phải là một nhà phân tích, không phải nhà báo, tôi là một người hâm mộ bóng đá. Tôi đã từng đủ hâm mộ để theo dõi đội tuyển Việt Nam với thế hệ vàng những Hồng Sơn, Lê Huỳnh Đức, Công Minh, anh em nhà Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy... thi đấu những Tiger Cup, Sea Games, và tôi cũng xuống đường hòa vào cơn bão người khi Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2008. Thế nhưng, suốt 5 năm trở lại đây tôi không còn xem V-League nữa, bạn bè tôi cũng vậy. Gần như mọi thứ văn hóa bóng đá đã bị phá hủy hoàn toàn kể từ khi V-League đi lên “chuyên nghiệp”. Hãy thôi nhìn vào những vụ scandal đã trở nên nhàm chán (những cái gì diễn ra hằng ngày thì tự nó sẽ thành nhàm chán), hãy nhìn vào gốc rễ của vấn đề để biết tại sao ra nông nỗi này.

    Cầu thủ thích đá bóng


    Mọi cầu thủ đều thích đá bóng! – Phải khẳng định lại 1 lần nữa là như vậy. Đó là lý do tại sao những “cầu thủ nghiệp dư” nhất đá bóng trên sân xi măng, sân đất trong khuôn viên các trường học, hoặc phải bỏ ra một khoản tiền lớn để thuê sân cỏ nhân tạo vẫn gặp nhau hằng ngày, bất cứ khi nào có thời gian để đá bóng. Điều đó còn đúng hơn nữa với các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Trong hoàn cảnh hiện tại, khi mà các cầu thủ tỏ ra không sợ các án phạt treo giò để có những hành xử phi văn hóa, phi đạo đức trên sân cỏ, khi mà các đội bóng liên tục đòi bỏ giải còn BTC thì hoang mang lo sợ trước viễn cảnh “vỡ giải” hay lấy đâu ra đội cho mùa sau. Quên tất cả chuyện đó đi! Cầu thủ sẽ làm gì nếu không còn đá bóng? Cầu thủ sống bằng gì nếu buộc phải giải nghệ? Sự xấc xược coi trời bằng vung của cầu thủ chỉ đến từ sự hậu thuẫn của các ông bầu (người trả tiền cho họ) và sự hạ mình của các “ông Trời”. Hãy nhìn xem các giải bóng đá phong trào luôn đủ đội và thi đấu nghẹt thở đến phút cuối cùng của giải, mặc dù phần thưởng sau đó có khi chỉ là một cái cúp nhôm đồng sắt vụn giá trị chưa tới 1 triệu đồng. Các cầu thủ muốn đá bóng, và họ sẽ làm tất cả để được đá bóng.

    Người hâm mộ thích xem bóng đá cống hiến


    CĐV SLNA

    Hãy chú ý hơn vào chữ “cống hiến”, đừng tưởng bóng đá nào cũng đáng xem. Trên tất cả các giải bóng đá toàn thế giới, người hâm mộ sẵn sàng ở lại đến phút cuối để xem đội nhà vật lộn để ghi bàn thắng danh dự, và họ luôn bỏ về trước khi trận đấu kết thúc nếu thấy đội nhà đã buông xuôi. Hãy nhớ lại trận đấu gần đây của tuyển Việt Nam với Arsenal, đến ông Wenger còn cảm thấy bất ngờ với sự cuồng nhiệt của khán giả Việt khi đội nhà có bàn thắng danh dự, tỷ số trận đấu là 1-7. Lượng khán giả và sự cuồng nhiệt của họ chính là thước đo chính xác nhất cho giá trị của giải đấu. Nhìn những khán đài ngày càng vắng tanh và số người ngồi trước TV chờ xem các trận đấu nội ngày càng ít chỉ nói lên một điều, bóng đá ngày nay với sự thao túng của đồng tiền đã không còn là thứ bóng đá cống hiến ngày nào. Tràn ngập trên các bản tin bóng đá trong nước là nghi án bán độ, phạm lỗi thô bạo, hành hung trọng tài, ông bầu chửi ban tổ chức, CLB dọa bỏ giải… tất cả tạo ra một sự hỗn loạn không biết bao giờ mới có điểm dừng, và bao giờ bóng đá mới thực sự trở lại là chuyện đá bóng? Bao giờ người hâm mộ mới quay trở lại để xem những trận đấu cống hiến hết mình cho bóng đá.

    Mọi ông bầu đều thích tiền


    Điều đó đúng ở mọi câu lạc bộ! Đừng ảo tưởng rằng một ông bầu nào đó đang làm bóng đá vì đam mê hay vì muốn tham gia xây dựng nền bóng đá nước nhà. Động cơ sâu thẳm nhất của mọi ông bầu làm bóng đá đều là tiền bạc, hoặc một hình thức khác của tiền bạc là hình ảnh và danh tiếng. Tại sao các ông bầu suốt ngày lùm xùm đòi bỏ giải? Vì trọng tài không công minh? Vì BTC yếu kém? Vì sự thiếu công bằng? Không đúng! Họ bỏ giải vì giải đấu đã không mang lại cho họ tiền bạc, hoặc số tiền bạc mang lại chưa đáp ứng đủ kỳ vọng của họ. Trên thực tế, để kiếm được lợi nhuận trực tiếp từ việc làm bóng đá là rất khó và số tiền các ông bầu phải bỏ ra để vận hành CLB là rất lớn, nhưng cái đổi lại đó là lợi nhuận “gián tiếp”, như đã nói đó là hình ảnh và danh tiếng của doanh nghiệp. Đấy mới là cái đích chính của các tập đoàn lớn khi tham gia vào V-League. Nhưng hình ảnh và danh tiếng cần phải có môi trường để phát tán, đó chính là lượng khán giả đông đảo. Nếu V-League không còn hấp dẫn người xem đồng nghĩa với việc lợi ích của các doanh nghiệp cũng không còn.


    Văn Quyến trong màu áo V.Ninh Bình

    Ban tổ chức cần phải “tổ chức”

    Nhiệm vụ duy nhất của một ban tổ chức đó là tạo ra một giải đấu bền vững và lành mạnh. Với bóng đá thì đó là một con đường dài dằng dặc và mang tính chất kế thừa chứ không thể ngày một ngày hai tuyên bố: “chúng tôi đã lên chuyên nghiệp”. Hãy nhớ lại hành trình dài của BTC các giải quốc tế để gỡ bỏ tấm rào sắt trên khán đài nhằm chắn giữa cầu thủ với khán giả, nhớ lại công nghệ đường line gây tranh cãi phải mất bao lâu mới được áp dụng, và quy chế của mỗi giải đấu được thay đổi qua các thời kỳ như thế nào… Bóng đá của họ đi trước chúng ta hàng trăm năm, và họ cũng đã phải đi từng bước để được chuyên nghiệp như hiện tại không phải là điều dễ dàng có được. Vậy để có một giải đấu thực sự, BTC cần phải làm gì?

    Bắt đầu lại từ gốc rễ


    Việc đầu tiên và duy nhất cần làm lúc này là tạo ra một giải đấu giải quyết được nhu cầu của tất cả các mối quan hệ trên: cầu thủ - khán giả - ông bầu (doanh nghiệp). Đó không cần là một giải đấu hoành tráng và phô trương, cũng không cần phải là một giải đấu “chuyên nghiệp” vì còn lâu mới đủ tầm để nhận hai từ đó, chỉ cần đó là một giải đấu đúng nghĩa! Giải đấu sẽ cần các CLB tham gia, nhưng làm gì có chuyện không đủ 14 đội bóng để tổ chức giải? Có hàng nghìn đội bóng muốn tham gia V-League, có hàng trăm doanh nghiệp muốn đưa hình ảnh của mình đến với chục triệu người xem hằng tuần. Hãy lựa chọn ra những đội bóng nghiêm túc và cam kết lâu dài với giải đấu. Hãy tạo ra một sân chơi bóng đá hấp dẫn cho các cầu thủ để họ được chơi bóng, và dùng kỷ luật để ngăn cấm họ tiếp tục tham gia cuộc chơi nếu vi phạm luật. Phải khiến cho các cầu thủ và CLB thấy rằng được chơi bóng là một đặc quyền, và họ sẽ bị trừng phạt nếu chơi không đúng luật.


    HLV Phan Thanh Hùng vừa cùng Hà Nội T&T giành chức vô địch V-League 2013

    Ngoài ra, một điều quan trọng không kém là tạo ra một môi trường kinh doanh đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp “làm bóng”, bởi vì như đã phân tích ở trên, các ông bầu sẽ chỉ ở lại với giải nếu về lâu dài nó mang lại tiền bạc (trực tiếp hoặc gián tiếp). Đừng coi thường giá trị hình ảnh của V-League, giải bóng đá quốc nội lớn nhất và giàu truyền thống nhất của một đất nước phát cuồng vì bóng đá, được phát sóng tới hàng chục triệu người xem hàng tuần. Bắt đầu từ các doanh nghiệp nhỏ với yêu cầu thấp hơn, rồi các doanh nghiệp lớn cũng sẽ muốn tham gia khi thấy nó đủ ổn định và lành mạnh, khi hình ảnh của V-League dần đẹp lên trong mắt khán giả, hay chính họ là những khách hàng tiềm năng.

    Còn khán giả? Đừng lo lắng, chỉ cần một giải đấu hay và nghiêm túc, chúng tôi sẽ trở lại! Chính những sự chắp víu, giật gấu vá vai như hiện nay mới khiến cho người hâm mộ chán nản không biết bao giờ mới được xem một giải bóng đá thật sự, chưa nói tới chuyên nghiệp. Xét cho cùng, một giải đấu thực chất cũng chỉ là một cái chợ với một mặt hàng duy nhất – các trận đấu, cứ có nhiều hàng ngon thì sẽ đông khách đến với chợ, mà cứ đông khách thì tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết rất nhanh thôi.
    HOÀNG ĐÌNH QUANG ([email protected]) • 14:36 ngày 26/08/2013

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay