Sau Uruguay, đến lượt đội tuyển Brazil bất ngờ bị loại khỏi Copa America 2016 sau trận thua 1-0 trước đội tuyển Peru. Dù rằng Raul Radiaz đã để bóng chạm tay khi đưa bóng vào lưới nhưng việc Brazil bị loại trong một bảng đấu gồm Ecuador, Haiti, Peru vẫn là một điều rất khó chấp nhận đối với những người hâm mộ Brazil. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của đội tuyển Brazil ở kỳ Copa America này.
Vấn đề nhân sự
Có thể thấy nhân sự là vấn đề lớn nhất của đội tuyển Brazil khi không ít trụ cột vắng mặt vì nhiều lý do khác nhau như Neymar (giữ sức cho Olympic Rio), Thiago Silva, David Luiz, Roberto Firmino, Marcelo (không được HLV Dunga tin tưởng) hay Luiz Gustavo, Douglas Costa, Kaka (chấn thương).
Ngoài ra, cách lựa chọn nhân sự cho đội tuyển Brazil của HLV Carlos Dunga cũng khiến không ít người phải đặt dấu hỏi khi ở hàng thủ ông lại gạt đi những Marcelo, Thiago Silva, David Luiz và gọi những cầu thủ như Douglas Santos và Rodrigo Caio, những người mới chỉ thi đấu vỏn vẹn… 1 trận cho đội bóng áo vàng-xanh và Gil thậm chí đang thi đấu cho... Shandong Luneng ở Trung Quốc.
Brazil có quá nhiều gương mặt lạ lẫm
Ngoài ra ở tuyến giữa hay hàng công cũng không khá hơn khi Rafinha Alcantara của Barcelona vốn đã chấn thương gần hết cả mùa giải hay tiền đạo đã 36 tuổi Ricardo Oliveira lại có tên trong danh sách dự Copa America ban đầu trước khi bị chấn thương. Chưa kể, những cái tên như Renato Augusto hay Wallace cũng khiến không ít người phải đặt dấu hỏi.
Tấn công thiếu hiệu quả khi không có Neymar
Trừ trận thắng 7-1 trước một Haiti thua kém về mọi mặt, Brazil đã thất bại trong việc ghi bàn trước Ecuador và Peru. Tuyển Brazil tổ chức lên bóng khá nhanh và họ có xu hướng đưa bóng tới khung thành của đối thủ một cách nhanh nhất có thể. Dù vậy, đội bóng của HLV Carlos Dunga lại chủ yếu sử dụng những đường tạt bổng, những cú sút xa và kỹ thuật cá nhân của những cầu thủ như Philippe Coutinho và Willian. Giải pháp này đã phát huy hiệu quả trước ĐT Haiti nhưng lại bế tắc trước hai ĐT Ecuador và Peru có xu hướng phòng ngự số đông. Neymar chính là mẫu cầu thủ phù hợp với thế trận kiểu này nhưng tiếc là anh không có mặt ở Mỹ.
Brazil dựa quá nhiều vào khả năng đột biến của một cá nhân
Đội bóng từng 5 lần vô địch World Cup đã dứt điểm 9 lần trước Ecuador và 14 lần trước Peru. Họ cũng cầm bóng rất nhiều với 65% trước Ecuador và 70% trước Peru. Dù vậy, đa số những pha dứt điểm của Brazil hoặc chệch khung thành hoặc tìm đến thủ môn đội bạn, còn khi cầm bóng họ cũng chủ yếu chuyền qua chuyền lại, rất ít khi tạo ra đột biến và gây bất ngờ cho đội thủ. Thiếu hiệu quả trong khâu dứt điểm đã khiến thầy trò HLV Dunga phải trả giá dù bàn thắng của Peru là tình huống để bóng chạm tay.
Hàng thủ dâng quá cao
Hàng thủ của Brazil cũng có vấn đề khi hai hậu vệ cánh là Daniel Alves và Filipe Luis rất hay dâng cao và nhiều thời điểm họ thậm chí còn dâng cùng một lúc, chưa kể là những cầu thủ như Renato Augusto cũng dâng cao khá nhiều còn Elias cũng không được đánh giá cao ở khâu phòng ngự.
Một mình Casemiro là không đủ để che chắn cho hàng phòng ngự và khi anh không thể thi đấu ở trận gặp Peru thì khá thường xuyên, đội tuyển Brazil bị khoét cánh và gặp khó trong những tình huống phản công của đối thủ, một trong số đó đã thành bàn thắng. Thậm chí, ở trận gặp Ecuador tuyển Brazil đã bị thủng lưới ở một tình huống khá giống như vậy, rất may là trọng tài không công nhận bàn thắng đó.
Filipe Luis (áo vàng) là hình ảnh tiêu biểu cho khả năng phòng ngự kém cỏi của các hậu vệ cánh Brazil
Việc bị loại ở ngay vòng bảng Copa America lần đầu kể từ năm 1987 là một điều rất khó chấp nhận đối với một đội tuyển danh tiếng như Brazil. Nhưng mặt khác, thất bại này cũng sẽ giúp HLV Carlos Dunga cũng như liên đoàn bóng đá Brazil (CBF) có thể nhìn ra thiếu sót và cải thiện thành tích của ĐT Brazil ở vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ.