1. Moyes được Ferguson chọn là bởi ông sở hữu những phẩm chất của một nhà quản lý có khả năng xây dựng một tập thể chắc chắn, bền bỉ và dài lâu. Một người rất thích hợp với những hành trình dài trong cả thập kỷ hoặc hơn, cũng tương tự như Fergie trước đây. Dù vậy, điểm yếu của Moyes là việc ông đã quen với cung cách điều hành của một đội bóng nhỏ, với tâm thế và tư duy "ăn chắc mặc bền", đề cao tính hiệu quả hơn học cách vừa đá hay lại thắng đẹp.
Nắm quyền tại một đội bóng lớn như Manchester United, Moyes không thể thi triển lối nghĩ cũ. Ông buộc phải thay đổi, thế nhưng, vấn đề quan trọng là thời gian thì không ai dám đảm bảo. Và trong những giai đoạn quá độ "vừa làm vừa học" ấy, Quỷ đỏ đã gặp rất nhiều chệch choạc dưới bàn tay của nhà quản lý mới.
Cùng thời điểm mà United sa sút, các đối thủ cạnh tranh lại đang thể hiện một bộ mặt rất "đáng ngạc nhiên". Arsenal, kình địch trong nhiều mùa giải, đôi lúc vẫn có thể tỏ ra ngờ nghệch trước vài tên tuổi lớn, nhưng họ luôn biết cách hạ gục phần còn lại để nắm giữ 1 trong 3 vị trí đầu trên BXH. Chelsea dưới bàn tay Mourinho cũng trở lại với hình ảnh lỳ lợm, hiếu chiến quen thuộc, trong khi Man City thể hiện một lối chơi tấn công toàn diện đầy sức mạnh. Có thể nói, thậm chí ngay cả khi HLV Alex Ferguson còn tại vị, M.U cũng chưa chắc có thể dễ dàng chen chân vào top 4 với lực lượng hiện tại.
Những đối thủ của M.U đang quá mạnh
2. Moyes là người thận trọng và tương đối cầu toàn. Mùa Hè đầu tiên đến nhậm chức tại Old Trafford, ông hầu như không thay đổi cấu trúc vận hành đội bóng. Ông quan sát mọi thứ một cách tỉ mỉ. Ông thận trọng đến mức nghiêm trọng hóa vấn đề.
Moyes hiểu những thiếu sót và yếu kém của đội bóng, nhưng ông không đủ can đảm để chi tiền. Bản hợp đồng vội vã với cậu học trò cũ Fellaini vào những ngày cuối của kỳ chuyển nhượng là ví dụ điển hình. Moyes, một người trong quá khứ gần như chỉ tiêu tốn vài trăm nghìn cho đến 5-6 triệu bảng cho một bản hợp đồng, đã tỏ ra hết sức bối rối trước thương vụ này.
Nhùng nhằng rồi cũng kết thúc. Fellaini sau cùng cũng đến United. Nhưng đổi lại, anh hoàn toàn không có thời gian để quan sát và thích ứng dần dần với tập thể mới, như cái cách những tân binh trước đó của đội vẫn thường được trao cho cơ hội. Anh phải chịu áp lực khủng khiếp ngay lập tức và thất bại.
Đến kỳ chuyển nhượng mùa Đông, United, bằng các “kênh quan hệ”, đã rất may mắn khi sở hữu được Mata, người đang thất sủng ở Chelsea. Vấn đề là, bản hợp đồng này dường như vẫn mang màu sắc của một sự “khiên cưỡng và vội vã”. M.U không thiếu tiền vệ tấn công và vị trí họ cần cũng nằm ở chỗ khác. Thế nhưng, Quỷ đỏ vẫn phải xuất tiền. Đơn giản là bởi, Mata được kỳ vọng như một “động cơ thúc đẩy con tàu đắm United trỗi dậy” trong nửa mùa còn lại.
Như vậy, tổng quan lại thì trong hơn 6 tháng đầu làm việc tại Old Trafford, những yếu tố khiến Moyes và đội bóng của mình trồi sụt khởi nguồn là từ chính bản thân ông.
Bắt đầu từ sự thận trọng thái quá khiến kỳ chuyển nhượng không thu được kết quả. Kế đến là nhiệm vụ quan sát và cố gắng miêu tả lại cấu trúc vận hành đội bóng như nhiều năm qua đã không thành công. Moyes cố gắng lắp ghép, bổ sung và đổi mới, nhưng tất cả các giải pháp đưa ra đều có tính khiên cưỡng, nửa vời và không hiệu quả. Bên cạnh công tác chuyên môn, áp lực cực lớn từ NHM và báo chí cũng khiến Moyes và nội bộ trở nên rối ren. Nhiều trụ cột sắp mãn hạn hợp đồng nhưng không được “đả động” đến, lộ rõ sự bất mãn. Chuyên môn thất bại đã đành, ngay cả “nhân tâm” cũng không thể thu phục, Moyes và M.U trồi sụt cũng là điều dễ hiểu.
Hãy cho David Moyes thêm thời gian
3. Một nhà quản lý giỏi sẽ phải biết cách thay đổi. Ngày trước, Fergie cũng đã phải tự uốn mình rất nhiều mới có thể hòa hợp với những biến chuyển của bóng đá đương đại luôn thay đổi từng ngày. Ông có thể không phải là người xuất sắc nhất về phương diện chuyên môn thuần túy, nhưng xét về tính linh hoạt để thích ứng, Fergie xứng đáng có mặt trong top đầu. Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng, đằng sau những chiến công lẫy lừng của M.U là cả một đội ngũ ê-kip trợ lý giỏi chuyên môn, hoạt động nhịp nhàng dưới sự điều động của HLV trưởng.
Moyes có thể nhìn vào điều đó để học tập. Ông cần những trợ lý vững vàng về nghiệp vụ và am hiểu đội bóng, điều kiện khó có thể xảy ra với cơ cấu BHL hiện tại. Chẳng có điều gì sai trái ở đây cả. Người ta vẫn thường nói "Một nhà lãnh đạo giỏi là người biết cách tạo ra những nhà lãnh đạo xuất sắc dưới quyền" đấy thôi. Mỗi người một công việc, nhưng quyền kiểm soát và tổng hòa các ý kiến là do HLV trưởng quyết định.
Nếu Moyes không hoặc chưa đủ tự tin đưa ra các quyết định, hãy chọn cho mình những cộng sự phù hợp, họ sẽ giúp ông hoàn thiện những lỗ hổng với những giải pháp tương thích nhất có thể. Mùa Hè tới là thời điểm dự kiến sẽ diễn ra một cuộc cách mạng triệt để về nhân lực của M.U, vậy thì tại sao nó lại không khởi đầu từ những vị trí trong ban huấn luyện nhỉ?
Như đã nói, một nhà quản lý giỏi sẽ phải luôn học cách để thay đổi, để tồn tại và thống trị. Moyes cũng sẽ phải học và hiện thực hóa những khái niệm nêu trên.
Đội ngũ trợ lý của Moyes chưa có kinh nghiệm
4. Cuối cùng, hãy tỏ ra tôn trọng David Moyes, tôn trọng người đã chọn ông đến với Old Trafford. Fergie là người duy nhất hiểu đội bóng đến từng chân tơ kẻ tóc. Ông biết vì sao mình lại chọn Moyes mà không phải Mourinho, Benitez hoặc một HLV danh tiếng nào đó.
Vấn đề ở đây là thời gian. Ngày trước, trong 3-4 năm đầu nắm quyền tại Old Trafford, Fergie cũng đã rơi vào hoàn cảnh của Moyes lúc này. Nhờ vậy, ông luôn thông cảm và chia sẻ với áp lực to lớn của người kế nhiệm. Nhưng, cổ động viên và báo chí thì chưa bao giờ. Chỉ cần 1/3 - không cần đến 1/2, của mùa giải trôi qua không như ưng ý, những chiếc thòng lọng đã được chìa ra.
Đừng quên một điều, M.U là đội bóng của những giá trị lịch sử và một niềm tin mãnh liệt vào truyền thống, bản sắc. Chúng không giúp mang lại thành công ngay tức thì, nhưng chúng chính là niềm tin, niềm tự hào và là thước đo tư cách của một đội bóng hàng đầu. Một hoặc hai chức vô địch Premier League liên tiếp cũng không thể giúp một đội bóng gây dựng được bảng vàng lịch sử vinh hùng như thế. Hãy nhớ điều đó.