Một trong những yếu tố đầu tiên khiến chiến lược gia người Tây Ban Nha gặp thất bại chính là do chính sách chuyển nhượng khó hiểu, đặc biệt là ở mùa giải năm nay. Tất nhiên khả năng mua bán của Pep vốn không được đánh giá cao từ hồi còn ở Barca khi ông đưa về toàn hàng hớ như Chygrynskiy, Hleb hay không thể phát huy được những tố chất thiên bẩm của Ibrahimovic. Tài năng chuyển nhượng của ông một lần nữa lại linh ứng với Bayern. Các thương vụ chuyển nhượng của Bayern mùa hè 2014 đa số là thất bại. Ngoại trừ Juan Bernat được coi là một phát hiện mới thì những cái tên còn lại đều gây thất vọng. Lewandowski dù thi đấu không đến nỗi nào nhưng cũng chưa bao giờ lấy lại phong độ đỉnh cao như hồi còn ở Dortmund. Mehdi Benatia từng được ca tụng là siêu trung vệ sau một mùa rực sáng cùng Roma thì khi sang Đức không khác gì bom xịt, ngoài khoản tranh chấp tạm ổn thì khả năng phán đoán tình huống và đua tốc độ rất tồi. Pep có lẽ chưa thấm nhuần được bản chất của các hiện tượng 1 mùa, nổi lên rất nhanh rồi sau đó chững lại hoặc chìm hẳn. Rõ ràng Benatia không xứng đáng với mức phí tới 35 triệu euro.
Xabi Alonso đến Bayern có thể coi là bất ngờ, những màn trình diễn của anh là khá ổn nếu so với tuổi tác và sự kì vọng nhưng vấn đề là ở chỗ Xabi đã qua thời kì đỉnh cao. Anh có thể đá rất hay trước các đối thủ dưới cơ hẳn chứ nếu để đối đầu với các đội bóng có thực lực như Wolfsburg, Dortmund ở Bundesliga hay Barca tại Champion League thì tuyến giữa Bayern thường trong tình trạng báo động đỏ do Xabi không còn đủ thể lực để theo kịp tốc độ các trận đấu đỉnh cao. Tuyến giữa của Bayern luôn rất mạnh nhưng không có nghĩa là thêm Xabi vào là có thể thải loại bớt được. Hành động bán Toni Kroos cho Real được cho là rất khó hiểu. Một tiền vệ tổ chức ở đẳng cấp thế giới, trẻ tuổi và đầy năng lượng bị bán đi và được lấp bằng 1 "ông lão" đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Theo như giới truyền thông thì khúc mắc giữa Bayern và Kroos chỉ là vấn đề lương thưởng, rõ ràng CLB hoàn toàn có thể làm tốt hơn trong trường hợp này vì cái giá phải trả khi mất Kroos là rất đắt, thể hiện rõ qua những màn "hút chết" của Bayern trước Shaktar, Porto, hay "chết hẳn" trước Barca.
Bayern hiện lâm vào tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu, chỗ thừa thì đông nhưng không tinh, chỗ thiếu thì thiếu trầm trọng. Frank Ribery đã qua tuổi 32 và liên tục dính chấn thương, khi thi đấu anh cũng không thể giữ được phong độ ổn định, chơi vài trận rồi lại chấn thương và lặp lại. Arjen Robben thì vẫn đang ở đỉnh cao phong độ và là trụ cột không thể thay thế nhưng anh cũng sắp giống Ribery khi đã 31 tuổi, không ai dám chắc những pha bứt tốc vào trung lộ và dứt điểm đầy hiểm hóc sẽ ở lại với anh đến bao giờ. Bayern cũng từng có 1 người sở hữu những tố chất tương tự 2 ngôi sao trên là Xherdan Shaquiri. Có thể đẳng cấp chưa ngang bằng nhưng lúc cần chàng tiền vệ 23 tuổi người Thụy Sĩ vẫn có thể tạo nên sự khác biệt nhờ kĩ thuật và tốc độ của mình. Rất tiếc, Pep không nghĩ vậy, và Shaquiri bị đẩy sang Inter "không kèn không trống". Thế mới có chuyện Robben - Ribery chấn thương là Bayern "liệt cánh" luôn khi trong tay họ toàn hộ công và tiền vệ trung tâm.
Hàng tiền đạo thì Pep bán Mandzukic và giữ lại Pizzaro, người chưa có được bàn nào tại Bundesliga năm nay. May mắn cho Guardiola là Lewandowski ít khi dính chấn thương chứ nếu không Bayern đã một là đá không tiền đạo, hai là phải đẩy Thomas Mueller lên làm tiền đạo ảo dài dài.
Chuyển nhượng sai lầm sẽ dẫn đến những sai lầm trong cách xây dựng lối chơi và định hình phong cách của một đội bóng. Bayern không phải là ngoại lệ. Ai cũng có thể đoán được Pep sẽ áp dụng những triết lí đã giúp ông thành công tại Barca sang nước Đức nhưng không ai ngờ ông lại làm triệt để đến thế. Không còn 1 chút vết tích nào của người tiền nhiệm Jupp Heynckes.
Không còn một Bayern như vũ bão, tấn công đầy tốc độ với độ chính xác cực cao, cùng với đó là hàng thủ vững chắc, hỗ trợ tấn công cực tốt. "Hùm xám" của hiện tại chậm rãi, từ tốn, ưu tiên kiểm soát bóng nhưng không nóng vội, luôn luân chuyển qua lại để kéo giãn hàng thủ đối phương nhằm tìm khoảng trống, tần suất của các pha dàn xếp tấn công ở tốc độ cao ngày càng thưa dần. Mọi sự vẫn sẽ tốt đẹp nếu như đối thủ của họ là các đội bóng nhược tiểu, bằng không, trong tay Pep phải có "đôi cánh Robbery" xuyên phá tạo nên sự khác biệt. Thiếu những điều này, Bayern không hề đáng sợ. Wolfsburg, Porto hay gần nhất là Barca đã chứng minh thực trạng ấy.
Điểm chung của 3 đội bóng này đều là nhập cuộc không chút e dè, tấn công phủ đầu, không ngại va chạm, luôn đẩy cao tốc độ trận đấu lên mức cao nhất. Bayern dưới thời Pep luôn rất sợ điều này vì các tiền vệ trung tâm của họ không còn đủ nhanh nhẹn và chính xác trong các pha đánh chặn. Điều đáng buồn là cách chơi đó chính là cách mà Bayern đã áp dụng ở mùa giải vinh quang 2012/13. Hình như ông thầy người Tây Ban Nha vẫn còn quá lưu luyến lối chơi tiqui-taca huyền ảo một thời, mà quên mất Bayern không phải Barca.
Hai đội bóng dù có thể tương đương về đẳng cấp nhưng những cầu thủ của họ sinh ra là để phục vụ cho 2 triết lí bóng đá hoàn toàn trái ngược. Tiqui-taca đã là dĩ vãng, đến ngay cả Barcelona còn không theo đuổi lối chơi này nữa khiến những Xavi, Iniesta hết đất dụng võ. Mảnh đất sản sinh ra nó còn phải thay đổi để tồn tại thì lí do gì mà Bayern có thể thành công với công thức lỗi thời đó? Pep vẫn giữ nguyên triết lí ưu tiên cầm bóng, không được thì phải chuyền về, đội bóng có cách chơi tương tự Bayern hiện giờ là Man United, đặc điểm là khi nào Man đỏ chơi như vậy là y như rằng họ thua mất mặt. Chỉ vì quá ưu tiên kiểm soát bóng mà quên mất Premier League luôn nổi tiếng với lối chơi áp sát, không ngại va chạm khiến họ không có nổi không gian, thời gian để chuyền chứ chưa nói tới nghĩ đến việc chuyền thế nào. Những đội bóng đánh bại Bayern đều thấm nhuần tư tưởng này, họ cho các cầu thủ Bayern thi triển thoải mái vì kiểu gì cũng sẽ đâm đầu vào ngõ cụt. Bayern đúng là bị đánh bại bởi chính ngón đòn của mình. Âu cũng là gậy ông đập lưng ông.
Chưa hết, trong các trận cầu đỉnh cao, Pep còn cho thấy mình thiếu đi khả năng đọc trận đấu khiến các quyết định thay người của ông đa phần là thất bại và chẳng thay đổi được gì. Khi đội nhà bị dẫn bàn, ông gần như vẫn cho các học trò giữ nguyên lối chơi từ đầu trận dù nó không hiệu quả, nếu là thay người thì cũng rất rập khuôn, luôn là Goetze hay Sebastian Rode vào sân và rút 1 tiền vệ công nào đó ra. Không biết là do thiếu cầu thủ vì chấn thương hay ông thực sự "hết bài".
Người ta luôn ca tụng Pep Guardiola là một trong những HLV xuất sắc nhất của bóng đá đương đại, nhưng kèm theo luôn là ánh mắt ngờ vực, cho rằng ông thành công phần lớn là do đội hình ông có trong tay quá mạnh. Thất bại của ông cùng với một Bayern què quặt càng khiến quan điểm trên có cơ sở. Pep cần phải thay đổi, đó là điều không phải bàn cãi, thay đổi thể thích ứng, thay đổi để khẳng định chính bản thân mình. Nếu không ông vẫn mãi là một chiến lược gia chới với giữa sự vĩ đại và ánh mắt đầy nghi hoặc về tài năng của mình.