Những bông lúa vươn mình từ cằn cỗi (kỳ I)
Chuyên nghiệp - Am hiểu
Trong công tác quản lý vốn, những cán bộ BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 luôn sáng tạo linh hoạt, khéo léo điều phối, vận động PFI phát huy điểm mạnh của từng ngân hàng bán lẻ nhằm sử dụng nguồn vốn hiệu quả và an toàn. Để có được sự đồng thuận về nhận thức tầm quan trọng, lợi ích của các thành phần trong chuỗi liên kết và qua đó hình thành nên sự hợp tác từ điều kiện giải ngân thành thói quen cũng đã giúp nâng tầm Dự án VnSAT nói chung và hoạt động giải ngân nói riêng. Trong đó, hoạt động chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã, tổ hội nông dân là nút thắt cần sự vào cuộc của nhiều bên. BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3 đặt ra bài toán này khi trao đổi cùng các ngân hàng bán lẻ để các bên chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân.
Chúng tôi nỗ lực hỗ trợ kết nối doanh nghiệp liên kết bao tiêu với tổ chức hợp tác xã tại các vùng nguyên liệu tốt do dự án xây dựng, tham gia sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Các doanh nghiệp lúa gạo trong Dự án cũng có cơ hội kết nối với các hoạt động hỗ trợ phát triển dịch vụ công như đào tạo nông dân 3G3T, 1P5G, quản lý và sản xuất giống lúa có chứng nhận, phát triển các mô hình canh tác bền vững. Cú bắt tay hợp tác giữa người nông dân và doanh nghiệp sản xuất chế biến lúa gạo thêm phần chặt chẽ hơn qua mỗi buổi đào tạo hướng dẫn kỹ thuật và trao đổi mô hình quản lý mà Dự án VnSAT tài trợ. Theo đó, tổn thất sau thu hoạch giảm đi, giá bán thành phẩm ổn định hơn và chất lượng gạo được nâng cao là những lợi ích thu được khi chuỗi liên kết được hình thành. Cả người nông dân và doanh nghiệp đều thấy mình có lợi trong mối quan hệ này. Bước đầu đã có những hợp đồng bao tiêu thu mua lúa trực tiếp được ký kết…
Dự án VnSAT tác động tới việc thay đổi hành vi của nông dân sản xuất nhỏ, hỗ trợ họ bằng việc thay đổi từ canh tác truyền thống sang tiếp nhận công nghệ canh tác bền vững nhằm nâng cao lợi nhuận mà không tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội. Người nông dân được góp mặt vào một nền công nông nghiệp hiện đại, thâm canh chuyên nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc hóa học và phân bón quá mức, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường và áp dụng công nghệ sau thu hoạch đồng bộ góp phần tăng tính bền vững của chuỗi giá trị lúa gạo Việt nam tiệm cận theo những nền nông nghiệp xanh áp dụng công nghệ cao trên thế giới.
Những nội dung về sàng lọc và phân loại tính hợp lệ về chính sách an toàn môi trường hay báo cáo liên quan đến di dời tái định cư, tạo công ăn việc làm hay các chính sách cho người dân tộc thiểu số tham gia dự án,... vốn là những tiêu chí còn khá xa lạ với các dự án tín dụng tại Việt Nam – nay dần trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp và người nông dân nhận vốn. Bảo vệ môi trường và những đối tượng dễ tổn thương của xã hội đã là một tiêu chí hàng đầu của Dự án VnSAT và được đưa vào đời sống không hề gò bó, cứng nhắc. Những nỗ lực của BIDV cũng nhận được sự cộng hưởng, đồng lòng của các định chế tài chính tham gia trong các chiến dịch giải ngân, làm chúng tôi luôn cảm thấy được động viên, tiếp thêm nguồn lực và sự biết ơn. Qua Dự án, chúng tôi đã có thêm những người anh em tài chính ngân hàng trong một gia đình.
Bông lúa trĩu hạt trên cánh đồng tín dụng xanh
Nhìn lại sau 8 năm triển khai, Dự án VnSAT đã cán đích vượt mức 100% các chỉ tiêu đặt ra, 10 nhà máy sản xuất chế biến lúa gạo đã nhận vốn từ Dự án, đóng góp những mùa thu hoạch rộn ràng trên những cánh đồng lúa canh tác bền vững năng suất cao. Doanh số cho vay hợp phần lúa gạo đạt mức trên 800 tỷ VND. Trong đó, Nhà máy gạo Hạnh Phúc được xây dựng trên diện tích 161.000m2, quy mô lớn nhất châu Á được đầu tư từ nguồn vốn tín dụng là một trong những dự án được giải ngân từ Dự án VnSAT. Những con số biết nói đã tự thể hiện trong các bản báo cáo đánh giá như 56.554 ha diện tích trồng lúa tại các vùng dự án đã có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, 19.801 ha lúa vụ hè thu của VnSAT được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100-300 VND/kg.
Với vòng quay tín dụng tới năm 2040, những đồng vốn mồi của Dự án VnSAT sẽ thẩm thấu sâu hơn vào từng thớ đất. Giờ đây khi nhắc tới Việt Nam, vị thế hạt gạo đã hoàn toàn thay đổi với những thương hiệu gạo như dòng ST, Jasmine, OM18,... đã vươn ra thế giới. Trong dòng chảy thịnh vượng của hạt gạo Việt Nam đó, Dự án VnSAT đã góp phần liên kết xây dựng chuỗi, tạo động lực nâng cao chất lượng giống cây trồng, tiệm cận với những yêu cầu về bảo vệ môi trường trên thế giới. Đây cũng chính là sự khởi đầu, là nền móng cho giai đoạn tín dụng xanh. Tương lai không xa, nhiều chuyến container lúa gạo xuất khẩu ra nước ngoài được ươm mầm từ chuỗi lúa gạo chất lượng cao dựa trên công nghệ sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Một màu xanh tươi mới thực sự nở rộ trên ruộng đồng và cả trong những báo cáo đánh giá.
Ngày 12/6/2023, Dự án VnSAT vinh dự nhận được Giải thưởng Đồng đội Khu vực Đông Á năm 2023 (FY23 EAP Team Awards) – Ngân hàng Thế giới. Trong 80 dự án tham gia cuộc thi, VnSAT là một trong 13 dự án nhận giải. Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, cơ quan này đang áp dụng các bài học từ Dự án VnSAT tại các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Dự án VnSAT cũng đặt tiền đề cho Chương trình 1 triệu ha lúa giảm phát thải carbon – một dự án tín dụng xanh mà Ngân hàng Thế giới sẽ triển khai trong thời gian tới. Đây thực sự là niềm vui, niềm tự hào cho quãng thời gian phấn đấu không ngừng nghỉ của những người tham gia Dự án. Với mỗi cán bộ đảng viên BIDV Chi nhánh Sở Giao dịch 3, hoàn thành Dự án VnSAT - không chỉ là hoàn thành một trọng trách được giao, đó còn là một phần đời được sống, được cống hiến. Niềm vui thành công là một tấm huân chương mà mặt sau luôn lấp lánh giọt mồ hôi hạnh phúc của khát vọng dấn thân...